.

Thương nhớ trường xưa

.

Cũng có lúc chạnh lòng vì tiếng Anh của mình không giỏi, vì việc học hành trắc trở, chỉ có hai cấp mà 3 lần thay trường, sửa tuổi, đổi tên. Nhưng biết làm sao, lớp trẻ chúng tôi hồi ấy rơi đúng vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh khốc liệt, rồi tiếp đến là những năm tháng khó khăn của tái thiết hòa bình, cũng đầy bất trắc và khắc nghiệt.

Thầy và trò Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Lộc

Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, ký ức đã phai mờ dần, những cay đắng, những hy sinh cao đẹp, và cả những sai lầm, ngờ nghệch cũng đã bắt đầu trở thành kỷ niệm. Những câu chuyện kể cũng thành cổ tích, bao dung.

Ở trường chúng mình, nhiều thầy cô đã ra đi. Như thầy nhạc Hoàng Bích Sơn, gầy yếu, mà nghiêm khắc với nhịp bốn của Hành khúc Phan Châu Trinh. Khúc hát học đường hùng tráng đã theo mãi bao nhiêu thế hệ ra đi từ ngôi trường thân yêu ấy, cho tới tận ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mới đây, thầy dạy văn Trần Thông với phong thái thâm trầm và gian truân muôn thuở, cũng đã lặng lẽ ra đi, ngay trước ngày lễ trọng 20 tháng 11.

Thầy Đỗ Toàn sung mãn và tài hoa thì vẫn đang thi gan cùng năm tháng với bộ râu vễnh của chí sĩ họ Phan giữa sân trường cũ. Còn đấy bạn ơi, dáng hình những người thầy cũ.

Và những thầy cô nào nữa, giữa phận đời đã quá nhiều đổi khác, cũng đầy âu lo và vội vã? Mà các thế hệ môn sinh của các thầy cô, cho đến già đời, thì cũng vẫn như những ngày xưa ấy, quá nhiều say sưa, cuồng nhiệt và cả ngây ngô, khờ dại... nhiều khi đến vô tâm!

Hơn 40 năm rồi! Trường ơi!

Lớp 10C chúng tôi tụ lại từ 3, 4 hướng, một nửa là gốc ở trường, từ lớp 6 lên. Một số là những học sinh giỏi từ các Trường Đông Giang (quận Ba) và từ Trường Thái Phiên (quận Nhì) chuyển đến, và độc đáo là các bạn từ trường Pháp Lyccée de Passcal giải thể chuyển qua, thật là trăm hoa đua nở! Chúng tôi, xưa nay là trường trung học chuyên nam, Phan Châu Trinh, duy nhất của thành phố (bên kia đường là trường phổ thông trung học chuyên nữ Hồng Đức).

Đã quen chuyện học hành, nghịch ngợm theo kiểu con trai với nhau từ nhỏ, thỉnh thoảng mới giao lưu, ngước nhìn các bạn nữ sinh ở phía bên kia. Nay, bỗng nhiên ngồi chen vào giữa là những tà áo dài trắng xóa, nào Túy Loan, nào Bạch Liên, nào Hạnh, nào Thu, nào Sa... Làm cho lũ con trai phải ngó nghiêng, tập làm quen với nhau cả năm trời.

Thú vị nhất là những buổi thi hùng biện bằng tiếng Pháp. Các bạn gốc trường Tây, nói giỏi và hay như Tây. Tuổi trẻ vô tư cũng đã buộc chúng tôi lại với nhau, thành một khối, thương quý nhau và gắn bó cho đến tận bây giờ.

Không biết các lớp đàn em sau này thế nào, chứ hồi đó lớp tôi hoạt động thật tưng bừng. Lớp 10 mà đã dám làm báo in ronéo hẳn hoi. Khoa Chiến còn viết cả biên khảo về những thành tựu giáo dục ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đặng Ngọc Khoa tài hoa vừa vẽ bìa, minh họa, vừa làm thơ, soạn nhạc và cả ôm đàn lĩnh xướng ca khúc xuống đường mỗi lần lửa trại.

Nhớ không Khoa, những đêm đốt lửa giữa sân trường chống bầu cử độc diễn, Khoa đã say sưa, để anh em đùa giỡn vẽ than khắp người! Rồi Hoàng Chương dí dỏm, Hồ Tân, Thanh Quang… cuồng nhiệt. L.thì xưa nay vẫn thế, trầm tư và chín chắn.

Giữa chốn thị thành rừng rực không khí chiến tranh mà chúng tôi vẫn sôi nổi học hành, vui chơi và cả hoạt động tưng bừng. Ít có trường nào, mà chưa học hết cấp 3 lại rủ nhau bỏ thành, lên núi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhiều như học trò Phan Châu Trinh hồi ấy.

Và từ đó, có những người bạn mãi mãi không về trường nữa như Phạm Sĩ Thân, như Ngọc Anh... Những bạn đã tha phương lập nghiệp như Ch, như C, như S... đều mang theo hình ảnh của ngôi trường cũ Phan Châu Trinh và những tháng năm lăn lộn ở thành phố quê hương Đà Nẵng, không bao giờ phai mờ được.

Bây giờ, chỉ còn hơn mươi đứa gắn bó, gian nan với mảnh đất Đà Nẵng, thi thoảng gặp nhau, thăm hỏi, thương nhớ một thời tuổi trẻ sôi nổi. Nhiều bạn đã trở thành phụ huynh, chiều chiều lặng lẽ đứng đợi con, đón cháu ở cổng trường xưa. Tóc trên đầu đã bạc trắng, mà lòng vẫn thầm dặn “Chúng em vẫn sống tốt Thầy ơi ”.

DƯƠNG ĐĂNG CAO

;
.
.
.
.
.