.
Ứng dụng nghiên cứu khoa học vào giảng dạy:

Thầy và trò cùng tiến

.

Trang web của ĐH Bách khoa Đà Nẵng hiện đăng tải hơn 400 đầu sách, giáo trình, là kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học đầy tính sáng tạo và tâm huyết của thầy và trò nhà trường. Hầu hết các nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tế, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan hơn và hiểu sâu hơn các bài giảng trong chương trình học cơ bản.

Từ nghiên cứu đến thực tiễn

Dự án nghiên cứu pin mặt trời của tập thể giảng viên ĐH Bách Khoa được ứng dụng nhiều trong cuộc sống.

Đề tài nghiên cứu gần đây nhất của TS Trương Minh Hạnh, khoa Hóa kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là nghiên cứu về tinh bột và tinh bột biến hình, thuộc nhóm đề tài cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm. Những nghiên cứu này được ứng dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm, khi sản xuất phụ gia từ tinh bột biến hình (là một trong những sản phẩm làm phụ gia thay thế hàn the trong sản xuất giò chả).
 
Công trình nghiên cứu này đã được TS Hạnh “chia sẻ” công nghệ cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, nơi học trò của cô làm giám đốc, với mong muốn người học trò cũ có thể mở rộng sản xuất, tạo nên một sản phẩm mới, an toàn, rẻ tiền trên thị trường. Khi sản phẩm tinh bột biến hình mang nhiều lợi thế như có thể sản xuất trong nước, chủ động sản xuất nguyên liệu và không phải mua phụ gia ở nước ngoài.

Không chỉ chuyển giao công nghệ cho học trò đã ra trường, những giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng còn sẵn sàng “chuyển giao” ý tưởng nghiên cứu của mình cho sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, làm đồ án trong quá trình học cũng như trong luận án tốt nghiệp.

TS Phan Cao Thọ, Phó khoa Xây dựng cầu đường, Trưởng bộ môn Đường ô-tô - đường thành phố, ĐH Bách khoa cho rằng, các thầy cô thấy rất vui nếu những sinh viên của mình sau khi đi làm, đã biến những ý tưởng của thầy thành những công trình trong thực tế.

Và ngược lại, khi những công trình nghiên cứu của các thầy đã được thể hiện ra bằng sản phẩm (ở ngành Xây dựng cầu đường là những cây cầu, con đường sử dụng công nghệ hiện đại), những sinh viên đang, đã và sẽ theo học được tiếp cận một cách quy mô các kết quả nghiên cứu, thiết kế, thể hiện trên công trình đó bằng giáo trình, tài liệu tham khảo .

Theo TS Thọ, tài liệu dành cho học tập của sinh viên ngành kỹ thuật ngoài những vấn đề cơ bản, thì những công nghệ mới được thể hiện rất ít trên các giáo trình khung của Bộ Giáo dục&Đào tạo, nên việc sau khi các thầy, cô nghiên cứu, ứng dụng và viết lại công trình một cách bài bản sẽ giúp cho sinh viên tiếp cận được hệ thống những công nghệ mới, khi đi vào thực tế không còn bỡ ngỡ. Internet cũng mang lại cho sinh viên rất nhiều lợi thế khi tiếp cận với những vấn đề mới, giúp mở rộng và làm phong phú thêm bài học.

Trang web của khoa xây dựng cầu đường có tên miền cauduongbkdn.com được đánh giá là một trong những trang web mạnh, có nhiều người truy cập và trao đổi học thuật. Hay như trang web diễn đàn bachkhoadanang.net do những cựu sinh viên của trường sáng lập có rất nhiều công trình nghiên cứu mới được đăng tải.
 
Tại đây, sinh viên có thể tìm kiếm các công nghệ, vật liệu rất mới, có thể lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam và là “vật liệu của tương lai” như công nghệ lớp phủ mặt cầu thép cầu Thuận Phước do các công ty xây dựng ở Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu, thể hiện trên thực tế, chưa có trong các giáo trình giảng dạy ở khoa xây dựng các trường đại học.

Như vật liệu và công nghệ chống thấm mới dùng vật liệu dạng tinh thể gốc xi măng do một công ty TNHH chuyên về công nghệ chống thấm nghiên cứu. Mà một cựu sinh viên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã rất thành thật khi trao đổi là “những thông tin rất bổ ích, mà kỹ sư xây dựng chúng tôi hầu như chưa được học kỹ trong các trường đại học”...

Giáo trình học là chương trình “cứng” khó có thể bổ sung nhanh chóng; nên việc các công trình nghiên cứu của giảng viên được sử dụng như một dạng tài liệu tham khảo, là chương trình “mềm” đã giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới, là một lợi thế của sinh viên hiện nay so với những sinh viên đã tốt nghiệp cách đây hơn 10 năm về trước.

Bài giảng sẽ thuyết phục hơn

Không chỉ được học, đọc thêm tài liệu về công nghệ mới, khoảng 10% sinh viên (năm 4, năm 5) các khoa đang theo học ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng được tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên. Những sinh viên được chọn phải có kết quả học tập xuất sắc, say mê nghiên cứu khoa học. Và các đề tài nghiên cứu này sẽ là cơ sở để các em làm đồ án, luận án tốt nghiệp...

Theo TS Võ Trung Hùng, Trưởng phòng Khoa học-sau đại học-hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, động cơ ô tô, môi trường, hóa kỹ thuật (hóa dầu, polime, nano), công nghệ sinh học - thực phẩm, công nghệ nhiệt, xây dựng.

Qua đó, số đầu sách, giáo trình được viết từ kết quả các công trình nghiên cứu được đưa lên trang web của trường là hơn 400, là một trong 2 trường đại học ở Việt Nam (cùng với ĐH Cần Thơ) có số giáo trình tham khảo lớn, bổ sung vào chương trình học, đọc thêm trong quá trình học của sinh viên. Những nghiên cứu đầy tâm huyết của các giảng viên trong trường sẽ giúp cho các bài giảng về phần lý thuyết-thực hành cơ bản mang tính thuyết phục hơn, chất lượng bài giảng tốt hơn.

Tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế khi sau quá trình đọc thêm tài liệu, giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên chia sẻ thông tin mà mình nắm bắt được và làm báo cáo trong quá trình học (đây sẽ là một cột điểm đánh giá).

Và kết quả, theo thầy Phan Cao Thọ, là 100% sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề, được các công ty xây dựng trong cả nước đánh giá là tay nghề vững. Trong đó khoảng 70-80% sinh viên ngành xây dựng của trường có công việc tốt, thành đạt trong nghề. Cô Trương Minh Hạnh cũng nhận xét rằng, các bạn sinh viên cùng nghiên cứu khoa học với giảng viên là động lực để những bạn khác cố gắng học hơn, cơ hội để sinh viên có việc làm sau khi ra trường cao hơn.

Những nhận xét chung của giáo viên về sinh viên mình đào tạo, về những thành công của trò có lẽ là điều tự hào của chính những giảng viên ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - một ngôi trường sẽ phát triển theo hướng đại học nghiên cứu trong những năm tiếp theo.

Hoàng Nhung

 

;
.
.
.
.
.