Đó là đêm 20-11 của một mùa đông xa lắm, khi tôi còn là một cô bé cấp hai.
Tôi đã được nghe câu hát: “Ai nâng cánh ước mơ cho em/ Là thầy cô không quản ngày đêm...” từ một người đàn ông ba mươi mấy tuổi, ngược phố về thăm ba mẹ tôi. Tôi đã thấy mắt mẹ tôi rơm rớm. Ngoài sân, đêm đặc quánh nhưng không hiểu sao lúc đó trong tôi lại hiện rõ hình ảnh của một đôi cánh chim tung bay.
Mẹ tôi, hai mươi tuổi đã rời thành phố lên cái miền quê heo hút mà ai nghe đến cũng sợ bởi những câu chuyện trời mới sẩm tối cả làng đã phải đóng cửa, tắt đèn vì sợ hổ đến hỏi thăm, về những bữa ăn chỉ sắn canh nông chấm muối trắng để làm cô giáo trẻ của những học trò mà có người còn hơn tuổi cô giáo. Mẹ tôi, làm cô giáo của ba rồi lại làm cô giáo của con, giờ là đến cô giáo của thế hệ tứ ba của nhiều gia đình, khi bao nhiêu người khác đã rời đi, người làm giáo viên thành phố, người chuyên nghề.
Và câu hát ấy, tôi đã nghe vang vọng mãi trong mình, cho đến tận bây giờ, khi chính tôi cũng đã là một cô giáo với năm năm đứng trên bục giảng, năm lần dự lễ 20-11 với một tâm thế khác. Để nghe những người mẹ ngồi lo lắng không biết năm nay mua cái gì tặng cho cô giáo, thầy giáo mấy đứa nhỏ đây, hay đi phong bì cho tiện.
Để không biết nhìn đi hướng nào khi một người mẹ luôn tiện kể chuyện cô này á, mới trong cuộc họp phụ huynh đầu năm đã phân tích cái lợi của việc cho các cháu đi học thêm, nào là phụ huynh sẽ đỡ tốn công nhắc nhở các cháu làm bài tập ở nhà (vì đã làm trên các lớp học thêm), nào là cách làm của các cháu sẽ phù hợp với chương trình mới, nào là...
Để đành phải đứng dậy mà nghe hoang hoải lòng khi một người mẹ vì tức giận đã buông một câu không đẹp chút nào về cái nghề mà tôi đã chọn thi vào, chọn cống hiến bởi niềm tự hào rằng đó là nghề cao cả nhất trong tất cả các nghề cao cả, rằng mẹ tôi đã đẹp như thế nào trong lòng bao thế hệ học trò...
Dầu đủ nhận thức để hiểu đó chỉ là những cá biệt, những chỗ thâm đen trong bất kỳ một chỉnh thể nào, tôi vẫn không ngăn nổi lòng đừng chùng xuống. Bởi ngày còn là cô học trò ở cái vùng quê xa xôi ấy, tôi không bao giờ nghe một câu nào tương tự. Ngày xưa, ngày 20-11 của lũ học trò quê chúng tôi rộn ràng biết bao nhiêu, xúc động biết bao nhiêu. Cả mười mấy đứa chung tiền nhau (những đồng tiền ít ỏi từ bán sắt vụn nhặt được trên nương sắn) mua tặng thầy giáo một... đôi dép, lấm lét đến nhà thầy và tôi ấp úng mãi mới nói được câu: “Chúc thầy sức khỏe!” rồi bỗng đỏ mặt chẳng nói tiếp được. Ôi, một thời thân thương!
Một đồng nghiệp bảo anh không bao giờ cho học sinh anh đang dạy đến nhà ngày 20-11. Anh nói đó là ngày anh dành cho thầy cô cũ và học sinh cũ. Những người vẫn còn nhớ đến mình khi không còn có những ràng buộc hữu hình nữa mới đáng quý, đáng trân trọng. Con người ta sống ở đời, sau tất cả hơn thua, được mất, dường như chỉ còn lại những điều như thế. Điều ấy đơn giản biết bao, nhưng không mấy ai làm được. Cả khi đóng vai trò lẫn đóng vai thầy.
Tôi quay lại, nhìn mình. Đã mấy năm rồi, 20-11 tôi không về quê để đến nhà thầy cô giáo cũ mà nhắc chuyện ngày xưa đi học, tôi đã nghịch ngợm đã ngoan ngoãn ra làm sao, và để lại nhìn lên mái tóc chớm sương của thầy mà ngậm ngùi sao thời gian lặng im mà thời gian nghiệt ngã, nỗi ngậm ngùi không dứt của con người.
Để về ngồi bên ba mẹ mà thầm ngưỡng mộ, dẫu không ai hát: “Ai nâng cánh ước mơ cho em...” như người đàn ông của đêm đông nào, bởi mỗi người khi đã trưởng thành có một cách thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn khác nhau.
Tôi không đợi chờ một đêm đông tương tự, như người lái đò không nghĩ đến ngày có người sang đò sẽ quay lại khúc sông xưa. Chỉ ước mình đủ bình tâm để mãi tận tụy với nghề, để khi nghe một lời trách móc của một phụ huynh nào đó, có thể yên tâm mà nghĩ chắc chắn không phải họ nói mình, không phải. Để chị bạn nhà báo có thể yên tâm mà không phải nhắc lại lợi chị đã nói với tôi lần đầu tiên gặp nhau: “Em cố giữ thiên lương!”. Một câu làm tôi rấm rứt đau...
Và, nhất định rồi, 20-11 năm nay, tôi sẽ về quê. Tôi sẽ bỏ lại nơi đây những lời cảm ơn công thức, về là cô học trò nhỏ bé của ba mẹ, của thầy cô, để mãi yêu con đường mình đã chọn...
Tôi còn biết làm gì hơn, sau những đau lòng?
Tản văn của Ngô Thị Thục Trang