Lớp mầm non (MN) Phú Túc, nằm ở trung tâm khu tái định cư Hố Chình, xã Hòa Phú. Sau cơn lũ lịch sử đúng mười năm trước, các hộ người Cơtu ở vùng sạt lở ven sông đã được di dời về đây và bắt đầu cuộc sống mới.
Có một cô giáo người Cơtu
Một em bé người Cơtu học đếm cùng cô Quý bằng đồ dùng do cô tự làm. |
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh lấy từ trên góc học tập xuống một cái cây bằng cành khô và giấy bìa, giới thiệu là tác phẩm đầu tay của cô Quý. Hồi với vô trường, cô Hạnh kể, cô Quý còn bỡ ngỡ lắm, mặc dù cô đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành MN, vượt chuẩn theo quy định điều lệ trường MN.
Các lớp đều học chung chương trình MN mới do Bộ ban hành, riêng ở lớp Phú Túc, do các trẻ Cơtu tiếp thu chậm hơn so với trẻ người Kinh, nên mỗi tuần cô Quý phải dạy thêm 3 buổi chiều, chủ yếu là dạy chữ cái tiếng Việt và dạy đếm thêm bớt trong phạm vi 10. Để trẻ mau hiểu bài, cách tốt nhất là cô giáo phải biết “sản xuất” đồ dùng dạy học. Hè, cả trường tập trung làm đồ dùng cho năm học mới, tạo điều kiện cho những cô giáo mới vào nghề như cô Quý học tập.
Trường có 10 cơ sở lẻ ở các thôn, trong đó lớp Phú Túc với 16 cháu người Cơtu là khó khăn nhất. Cô giáo người Kinh thì ngôn ngữ bất đồng, lại ít hiểu biết về tập quán người Cơtu, cô và cháu có gắng mấy cũng không hiểu nhau lắm. Sự xuất hiện của cô Quý đã hóa giải khó khăn này. Hiện, cô là cô giáo MN người Cơtu duy nhất ở thành phố Đà Nẵng. Cô bộc bạch: “Về dạy con em dân tộc mình, mới đầu thấy chi cũng khó, nhất là làm đồ dùng. Chừ thì nhờ mấy cô mấy chị bày, quen rồi”.
Nếu làm lại từ đầu...
Năm 1985, cô Hạnh về làm cô nuôi dạy trẻ ngay quê hương mình, thôn Hội Phước. Lớp cô dạy hồi đó bằng tranh tre, không cửa nẻo, tấm ván kê trên mấy trụ tre làm bàn, 3 miếng tre ghép lại làm ghế. Tối, dân đem bò, trâu vô cột trong lớp. Sáng, cô đến dọn dẹp, tấm tức khóc. Dạy “chay” bằng lời nói, trẻ con ngơ ngác không hiểu, cô lại khóc.
Có lần, nhận tin Phòng Giáo dục huyện về kiểm tra chương trình chăm sóc vệ sinh cá nhân của trẻ, cô dậy sớm gánh hai thùng nước từ nhà mình lên, lật đật đi mua tượng trưng mấy cái khăn. Đồ dùng thực hiện hoạt động ở lớp thì cô cho các cháu chơi bán hàng. Nhớ các trò mình chơi lúc nhỏ, cô bứt lá to làm đĩa, chén, hái hoa rừng tước ra làm thức ăn. Búp bê thì lấy bẹ chuối cắt thành hình con người. Nghèo nàn, mộc mạc là thế, nhưng trẻ con ngày đó chơi rất mê say.
Những kỷ niệm khó quên “chừ nhắc lại, muốn khóc…”, giọng cô Hạnh chùng xuống. Gần 15 năm làm hiệu trưởng trường MN, điều mà cô luôn chú trọng là phải tự lực làm đồ dùng dạy học. Vì sự đầu tư hằng năm của chính quyền địa phương, của ngành cấp cũng chỉ ở mức độ nào đó.
Chương trình dạy cần gì, các cô đáp ứng đầy đủ theo cách sáng tạo riêng của mình từ nguyên vật liệu phế thải như bình nước xà phòng, dây leo, vỏ chai, bìa cứng, các loại hột hạt sẵn có ở địa phương để tạo sự mới lạ, thích thú cho trẻ, không lặp lại gây nhàm chán. Cần đồ dùng để dạy trẻ học đếm, cô thì làm con vật, bút chì, cô khác làm cái nơ, quyển vở.
Cần dạy trẻ xếp chữ cái tiếng Việt, có cô dùng hạt đậu đen, hạt bắp, vỏ ốc hút. Không tốn tiền vật liệu, mỗi cô bình quân mỗi tháng chỉ tốn cỡ 100-150 nghìn tiền mua keo, sơn... nhưng số lượng đồ dùng làm ra thì rất nhiều. Mỗi sản phẩm tự chế ấy không chỉ là sự khéo tay, không chỉ là thời gian và công sức không thể đo đếm được, mà còn có cả tấm lòng của các cô gửi vào trong đó.
Từ khi Trường MN Hòa Phú chuyển từ dân lập sang công lập, giáo viên miền núi được ưu đãi thêm 50% lương cơ bản, bình quân mỗi cô được 2,5 triệu đồng mỗi tháng, cũng ít nhiều bù đắp được công sức các cô bỏ ra với lòng yêu nghề mến trẻ.
Cô Phó Hiệu trưởng Phạm Thị Lai quê Hòa Phú, thời thơ ấu cũng từng trốn ngủ trưa cùng bạn chơi đồ hàng bằng các loại hoa lá núi rừng. Năm ngoái, cô đưa “Bảng dạy học đa năng” do cô tự thiết kế tham gia và đoạt giải 3 Hội thi đồ dùng dạy học tự làm do Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang tổ chức. Từ gợi ý của ban giám khảo, cô đã hoàn thiện thêm sản phẩm, tiếp tục tham dự hội thi cấp thành phố và lại đoạt giải 3.
Buổi trưa, nắng cuối thu dìu dịu. Tiếng cười chào chưa hết rụt rè của các cháu người Cơtu tiễn chân chúng tôi. Cô Quý (hỏi ra, mới biết là con của anh Lê Văn Nghĩa, nguyên trưởng thôn Phú Túc) nói rất chắc khi nghe tôi hỏi liệu có đổi nghề không: “Không đổi, theo là gắn bó luôn”. Cô Hạnh vừa sửa lại chiếc mũ trên đầu một cháu bé, vừa bảo, giá như được làm lại từ đầu, cô vẫn cứ chọn nghề nuôi dạy trẻ.
VĂN THÀNH