Một chút Thầy ơi!
Hai chút Thầy ơi!...
Giá như Khoa đừng gọi tôi như thế - Giá như những Lộc, những Tân, những Chương, những Cao, những Chiến…đừng gọi tôi như thế. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Thì biết thế rồi. Gặp thầy từ xa, khúm núm và lễ phép, vòng tay lại và hơn thế nữa, khiêm tốn và phải đạo, lý nhí trong miệng: “Dạ, kính thưa thầy, em xin chào thầy ạ !”.
. |
Kính trọng làm tôi khỏe. Yêu thương làm tôi khổ! Như bây giờ đây, khi đang ngồi viết những dòng này cho một người, ai có biết tôi đang khổ như thế nào?
“ Thầy ơi, em lâu nay vẫn vậy. Mưa gió, lụt lội, làm lụng, đôi khi nghĩ lại, đôi khi nghĩ dại, muốn có vợ cho rồi. Nhưng nhờ trời, em còn tự chiến đấu nổi. Lúc nào hơi lung lay em xuống Thầy, nhờ Thầy tiếp thêm sức khỏe và sức lửa..”.
Lá thư ấy Khoa viết vào ngày 1 tháng 11 năm 1980. Ôi chao, mới đó mà đã gần 30 năm! Đặng Ngọc Khoa, cựu học trò rất xinh trai, mực thước và nhỏ nhắn, chọn một góc ngồi khuất lấp giữa bạn bè của cái lớp 10 C2 Trường Phan Châu Trinh trước năm 1975, đã để lại trong tôi một đối tượng mạnh mẽ và cảm động. Ai viết chữ đẹp nhất lớp? Ấy là lúc tôi tìm một con người tài hoa để làm tờ bích báo theo yêu cầu của nhà trường.
Thưa thầy, anh Đặng Ngọc Khoa! Ai có khả năng trình bày bìa? Ai có tài viết tiểu phẩm, sáng tác nhạc, làm thơ? Vẫn anh đó, thưa thầy! Khoa lúng túng đứng lên. Ấp úng muốn từ chối, nhưng rồi không thể, Khoa không thể phụ lòng cả một lớp học đã tập trung dồn sự tín nhiệm vào anh.
Có một sự lạ trong tầm nhìn của tôi. Là việc Khoa tự bỏ học để cùng một số anh em đồng chí tìm đường lên núi! Tinh tế và mẫn cảm thì đã đành, nhưng ở đâu trong trái tim ấy vẫn thường xuyên le lói ánh sáng của chân lý? Chính từ Khoa và một số bạn bè của anh đã va đập, tung quẫy dữ dội, tạo nên cảm hứng bất ngờ cho tôi có những bài thơ như “Hoa đã hướng dương”.
“ Trước ngày ra đi
Em đến thăm tôi vào lúc mấy giờ đêm?
Cửa tôi đóng. Và ánh đèn
Đã tắt.
Tôi đang ở xa, tôi không có mặt
Nhưng lòng tôi vẫn mở ngỏ
chờ em
Nhưng đời tôi vẫn trang sách một ngọn đèn
Mà dưới bước em đi
Đã bùng lên vô cùng rực rỡ…”
Rồi Khoa lại trở lại - Lại “Thầy ơi”.
“Đúng ra ngày mai em xuống thăm Thầy, nhưng khổ nỗi bàn chân của em đang sưng tấy lên - khoảng nửa tháng nữa mới thay được móng. Kết quả của 2 ngày chở gạch kiếm điểm đó, Thầy ơi”. Khoa ơi… kiếm điểm đủ nơi! Viết đến đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Báo Thanh Niên, nơi đã cưu mang anh và những bạn bè “cùng một lứa bên trời lận đận” như anh cho đến hôm nay.
Lại nói về thơ của anh. Một con người như thế lại làm thơ không nhiều. “Thầy ơi! Em lâu nay làm được vài bài nho nhỏ, định biên tập lại mớ thơ cũ nhưng cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Em phản đối ai bảo rằng làm thơ dễ hơn viết văn, chỉ dễ với những ai không tự nghiêm khắc với chính mình…”.
Đánh giá về Khoa! Thì cũng sắp đánh giá được rồi. Thôi thì để cho cuộc đời.
“Thầy ơi, em buồn! Thầy thấy em có làm được chi không thầy?”. Lại thế nữa! Mà em đâu phải chỉ là một nhà báo! Em còn là, thì cứ cho như thế đi, một nhà thơ.
Thôi, buồn vui xin khép lại. Một trang đời sẽ khác sẽ tươi mới sẽ mở ra. Khoa ơi, Không trái tim ai ngừng đập trên đời.
“Sẽ có một ngày như thế tim tôi
Trước lúc chết lẽ nào sợ hãi?
Ngực con tôi trái tim trao lại
Không trái tim ai ngừng đập trên đời…”
Bài thơ ấy Khoa viết như một tác giả tên tuổi và tôi trở thành người học trò nhỏ của thơ ca. Và em nữa.
“Đừng khóc nữa em anh về xa…
Đừng khóc nữa em anh nằm đau
...
Mé biển rừng đêm những toa tàu
Đa mang yêu dấu, đa mang nhớ
Ta có trong đời đa mang nhau? (Đa mang – ĐNK)
A lô, Thưa thầy, em là em của anh Khoa đây. Gia đình em xin phép bác sĩ đưa anh Khoa về nhà. Thầy có nghe rõ không, thưa Thầy?
A lô, tôi nghe rất rõ.
“ Thoát bão
Ừ thì thoát bão
Cuồn cuộn quay về
Anh nhặt nhanh chính anh”
(Thoát bão-ĐNK)
Đà Nẵng, chiều ngày 1-12-2009
ĐÔNG TRÌNH