.

Bao giờ chuyên nghiệp?

.

Văn bản hành chính hiện nay định danh họ là “cán bộ không chuyên trách”, nhưng xét về công việc cụ thể của họ, thì họ là những người làm “nghề công tác xã hội”.

Không kiêm nhiệm thì phải làm thêm

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản với cán bộ Dân số.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp, anh Phạm Văn Hát vào làm việc ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, phụ trách mảng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Đó là công việc luôn bận rộn: Từ thương binh - liệt sĩ, chính sách người có công, đến các mảng trợ cấp xã hội. Người dân có công chuyện liên quan đến BHXH, thấy chức danh của anh có chữ “xã hội” là ghé vào, không phải là phần việc của mình, nhưng có biết chút ít nên anh cũng tiện thể giải thích luôn cho họ.

Từ ngày 1-5-2009, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thuộc nhóm 11 chức danh (trong đó có ngành LĐ-TB&XH) đã được nâng từ 697 lên 837 nghìn đồng/tháng theo Quyết định số 4998/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng.
 
Tiếp đến, ngày 30-9, UBND thành phố lại ra Quyết định số 7460/QĐ-UBND về việc “Quy định tiêu chuẩn, số lượng, xếp lương, phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách, công chức, cán bộ không chuyên trách phường, xã và dưới phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng” thay thế Quyết định 4998. Theo đó, mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở nhóm này được hưởng hệ số 1,29, và với mức lương tối thiểu hiện hành 650.000 đồng thì mức trợ cấp của anh Hát (bắt đầu từ 1-10-2009) là 838,5 nghìn đồng/tháng! Vẫn còn quá thấp so với mức sống.

Có cùng bước “khởi nghiệp” như anh Hát là chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, cán bộ không chuyên trách theo dõi mảng LĐ-TB&XH xã Hòa Phong. 4 năm công tác với trình độ trung cấp, chị chấp nhận mức phụ cấp quá thấp, vừa làm vừa học lên đại học.

Nếu vợ chồng anh Hát dựa vào sự bảo trợ của cha mẹ để sống thì chị Hạnh nhờ vào thu nhập của chồng mình. Ông Nguyễn Tuấn, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu cho biết, tuy tất cả các cán bộ không chuyên trách này đều công tác tốt, nhưng tâm lý vẫn không được yên tâm với mức thu nhập quá thấp, nếu có việc làm nào ổn định và thu nhập cao hơn là họ sẽ bỏ đi.

Phụ cấp quá thấp, cán bộ không chuyên trách thường phải kiêm nhiệm (ban cán sự phụ nữ, tổ dân phố, ban nhân dân thôn) hoặc làm thêm một số việc như bán bảo hiểm, CTV chăm sóc sức khỏe sinh sản… để có thể “kéo” thu nhập mỗi tháng lên khoảng 1 triệu đồng.

Nghề Dân số: Chênh lệch giữa viên chức và CTV

Vừa qua, khi tiến hành giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ&TE) để sáp nhập vào các cơ quan mới, Đà Nẵng có 42 cán bộ (không chuyên trách) theo dõi mảng này ở 56 xã, phường đạt trình độ trung cấp trở lên để chuyển từ UBND qua trạm y tế. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tổ chức của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, trong số đó có đến 16 trường hợp xin ở lại không muốn qua trạm y tế làm công tác DS, mặc dù nhiệm sở mới này có chế độ ưu đãi hơn.

Vì sao có chuyện ngược đời như thế? Bà Thủy giải thích: “Vì ở lại, họ có sự ưu ái quan tâm của Đảng ủy, Ủy ban và các ban, ngành; qua trạm, chỉ đơn thân độc mã là một viên chức của trạm”. Bà Hồ Thị Thúy Vân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Sơn Trà nói thêm: “Phần lớn họ ở lại vì không phải động chạm đến đời tư người dân như bên DS. Thêm vào đó, ở lại Ủy ban họ được nhiều chính sách như tham quan, Tết nhất, lễ lạt…”.

Để bù vào số thiếu, Chi cục DS-KHHGĐ tuyển mới thêm 28 cán bộ vào làm việc tại trạm y tế xã, phường. Tuyển mới cũng có cái hay là chọn được người có trình độ trung cấp trở lên, nhưng mới quá thì chưa có kinh nghiệm, chưa quen địa bàn quản lý, muốn bằng người cũ thì cũng phải học hỏi ít nhất 2 năm. Còn ở thôn, tổ dân phố, theo số liệu của Chi cục, sau thời điểm chia tách chỉ có 908 CTV DS, hiện nay con số này đã là 1.230. Thời gian qua, Chi cục đã tổ chức 11 lớp tập huấn ngắn ngày và một số hoạt động, nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ CTV.

Cán bộ DS mới tuyển vào như chị Nguyễn Thị Hưng ở Trạm Y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) là đã được nhận vô ngạch viên chức với mức lương khởi điểm trung cấp hệ số 1,86 là 1,209 triệu đồng/tháng, coi như tạm ổn. Còn CTV DS thì chỉ bồi dưỡng 50 nghìn đồng mỗi tháng. Có nơi còn ít hơn, như một số phường ở Sơn Trà, theo bà Vân, là do thành phố chỉ cấp tiền về cho 162 CTV mà thực tế thì con số này lên đến 190 nên phải chịu cảnh “nhiều thầy, ít đảy”.

Xét thấy mức bồi dưỡng không tương xứng với sức lực CTV bỏ ra, Chi cục vừa đề nghị với các cấp thẩm quyền nâng mức bồi dưỡng lên 0,2 - 0,3 mức lương tối thiểu, ngang với cán bộ tổ dân phố hoặc ban nhân dân thôn để động viên họ.

Không chuyên trách, không chuyên nghiệp

Trong khi các cán bộ Dân số-KHHGĐ từ xã, phường chuyển qua trạm y tế là may mắn được vào luôn viên chức thì những người ở lại phụ trách các mảng Trẻ em, Phòng chống ma túy, mại dâm, XĐGN, LĐ-TB&XH... vẫn còn là cán bộ không chuyên trách với mức phụ cấp hệ số 1,29. Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang nhấn mạnh:
 
“Thu nhập thấp, nhưng ai cũng phấn đấu làm việc để lãnh đạo địa phương nhìn ra năng lực của mình và xét đề bạt. Cán bộ nào làm qua loa đại khái thì phòng có quyền kiến nghị lãnh đạo xã bố trí lại công việc”. Xét cho cùng thì cán bộ không chuyên trách làm việc ở xã, phường, nếu có bằng cấp vẫn có cơ hội thăng tiến. Vì thế, Hòa Phong có 20 cán bộ không chuyên trách thì đã có 15 người tiếp tục học lên đại học.

Ông Nguyễn Hải Hùng, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Hòa Phong nhận xét rằng, Quyết định 7460, do “cào bằng” người có bằng cấp lẫn không bằng cấp, nên chưa động viên, kích thích được những người làm nghề công tác xã hội ở xã, phường nỗ lực nâng cao trình độ.
 
Ông Hùng đề nghị nên lấy mức phụ cấp làm chuẩn ban đầu cho cán bộ không chuyên trách là bậc trung cấp (hệ số 1,86). Từ đó, ai có thâm niên thì được tiếp tục nâng, có chính sách đãi ngộ họ. Có như thế, những cán bộ không chuyên trách sẽ gắn bó dài lâu với địa phương và góp phần định hình sự chuyên nghiệp cho một nghề mới: Nghề công tác xã hội.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.