.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai:

“Cải lương của đất Bắc không hề “chết”

.

Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP. Hồ Chí Minh vừa kết thúc với 102 huy chương được trao cho các đơn vị và cá nhân. Năm nay, Huy chương vàng đã thuộc về 3 vở diễn: Trở về miền nhớ (Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), Dời đô (NSƯT Giang Mạnh Hà) và Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (Hoàng Quỳnh Mai). Đặc biệt, đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai còn nhận được giải Đạo diễn xuất sắc.

ĐNCT đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai sau khi kết thúc Hội diễn.

* Thưa đạo diễn, chị đã bắt gặp vở kịch Trọn đời trung hiếu với Thăng Long như thế nào?

 

- Tôi nghĩ rằng, đấy là một cái duyên đối với tác giả kịch bản Phạm Văn Quý. Ông đã được tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2009 với những kịch bản về Thăng Long, trong đó có Trọn đời trung hiếu với Thăng Long. Xem xong, tôi rất thích kịch bản này và bàn với nhà biên kịch kết cấu lại, làm rõ các tuyến nhân vật kịch, chuyển từ kịch nói sang cải lương.

* Mối tình giữa Lý Thường Kiệt với nàng Thuần Khanh đầy tính nhân văn và cũng thật đẹp khiến cho vở kịch trở nên mềm mại, đầy chất trữ tình. Chị có chủ trương hướng tới điều này khi bắt tay vào dàn dựng Trọn đời trung hiếu với Thăng Long?

- Có. Chủ trương của tôi là mổ xẻ thân phận nhân vật lịch sử. Mà ở đây lại là Lý Thường Kiệt thì dứt khoát, để làm rõ sự hy sinh cao cả của việc ông phải “tự yếm” để vào cấm cung giúp vua giúp nước thì phải tạo dựng cho nhân vật một mối tình thật tương xứng. Mặc dù chỉ là hư cấu nhưng nó gắn liền với cuộc đời với mối tình thật đẹp, thiêng liêng của người anh hùng Lý Thường Kiệt. Để khi bắt buộc dứt bỏ tình yêu, hạnh phúc ấy thì người ta mới cảm thấy nuối tiếc và thấy sự hy sinh to lớn biết chừng nào. Tình yêu ấy chỉ làm cho màu sắc của tác phẩm trở nên lãng mạn và mềm mại hơn khi ta mô tả chính sự.

Đặc biệt, tôi rất vui thích vì đã đưa được dàn hoa ngọc lan làm biểu trưng trên sân khấu. Đó chính là ý tưởng của quá trình tôi nghiên cứu Lý Thường Kiệt được sinh ra ở Hồ Tây, Hà Nội. Mà ở nơi đó, không khí luôn thoang thoảng hoa ngọc lan. Hương thoang thoảng ấy, nó ám ảnh khắp vở diễn.

* Với chiến thắng vang dội tại Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, chị sẽ nói với mọi người như thế nào về đời sống của cải lương đất Bắc? Lâu nay nhiều người vẫn thắc mắc: cải lương Hà Nội bây giờ sống hay “chết”?

- Tôi có thể nói rằng: cải lương của đất Bắc không hề chết, thậm chí bây giờ nó đang trên đà phát triển. Và khán giả của cải lương Bắc đang dần dần quay lại với bộ môn nghệ thuật này. Để cải lương Bắc có một sức hấp dẫn, quyến rũ đối với khán giả thì đòi hỏi người sáng tạo phải làm nên những vở diễn hay.

* Có trường hợp: cải lương Hà Nội “sống” là vì để tham dự Hội diễn không thưa chị? Vì cùng với sự đi xuống của sân khấu nói chung thì nghệ thuật cải lương cũng đang sống trong cảnh “chợ chiều”...

- Tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện này. Cải lương phía Bắc vẫn tồn tại, không chỉ để đi hội diễn mà luôn luôn sống trong lòng công chúng. Ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, mỗi năm có khoảng từ 200-300 suất diễn. Khán giả cũng nồng nhiệt đón nhận mỗi khi có tác phẩm mới ra đời. Tôi nghĩ rằng cải lương mãi mãi sống và phát triển. Khi còn khán giả thì mình vẫn phải sáng tạo. Đặc biệt là phải có niềm đam mê thì mình mới quên hết những khó khăn.

* Khi dựng vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, khó khăn nhất đối với chị là gì?

Trích vở diễn "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long".

 

- Lý giải kịch bản và phải sáng tạo một tác phẩm thấm đẫm chất cải lương là điều vô cùng khó. Bên cạnh đó, phải giữ được hơi thở, tiết tấu hiện đại. Ở vở kịch này, tôi phải thay đổi những sở trường vốn có của mình. Vì nếu sáng tạo mà cứ lặp lại thì không còn là sáng tạo nữa.

Tôi phải nghiên cứu kịch bản kỹ rồi cấu trúc lại cho phù hợp với loại hình, làm việc chặt chẽ với ê-kíp sáng tạo để hiểu được ý tưởng và thực hiện nó. Tôi nghĩ, người đạo diễn phải có một bản lĩnh trong sáng tạo, mình nghĩ gì là phải làm và làm là phải làm bằng được. Nếu nó có sai thì mình sẽ sửa, đúng thì hoàn thiện hơn.

* Trong khi khán giả nông thôn vẫn thích cải lương nhưng lại ít có điều kiện thưởng thức, còn khán giả thành phố có nhiều điều kiện hơn thì lại “quay lưng”. Chị có suy nghĩ nhiều về thực trạng này không?

- Tôi nghĩ rằng, việc khán giả vùng sâu, vùng xa thích cải lương là lẽ đương nhiên vì không riêng gì cải lương mà nhiều loại hình giải trí khác, họ đều thích vì ở đó thiếu thốn rất nhiều về xem – nghe – đọc. Thực tế khán giả ở thành phố cũng chưa hẳn là quay lưng với cải lương, khi có tác phẩm họ vẫn đến. Tuy nhiên, lại rơi vào tình trạng không có rạp để diễn.

Cũng phải công nhận một điều: tình trạng trên là có thật. Thế nhưng bây giờ muốn họ xem thì mình phải có kịch bản hay và phải có phương án kéo họ đến với cải lương. Với thực trạng đấy, nó tạo cho mình bản lĩnh vượt khó, luôn luôn cố gắng hơn những gì mình đã cố gắng. Bắt mình gồng lên. Có lẽ trong sự khắc nghiệt ấy, nó làm cho mình bản lĩnh hơn, nó gần như là một động lực thúc đẩy cho mình trong quá trình sáng tạo.

Huy Sơn(Thực hiện)

;
.
.
.
.
.