.
Du Lịch Đà Nẵng:

Bền vững là yếu tố tiên quyết

Sở Khoa học-Công nghệ và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo về định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2020. Yếu tố bền vững trong phát triển du lịch được xác lập là chủ đề chính, là yếu tố xuyên suốt của cả chương trình nghị sự.

Tiềm năng du lịch Đà Nẵng được xem như khá phong phú. Nhưng, tiềm năng của Đà Nẵng không phải vô tận. Dù hơn 10 năm qua, nội ô thành phố đã được mở rộng ra các hướng, nhưng cũng đã sử dụng, tiêu hao hết. Đất cây xanh và công cộng trong thành phố còn không nhiều, không thấy quỹ dự trữ cho tương lại. Ngoại ô, chỉ có một huyện Hòa Vang, giữ vai trò vành đai, cung ứng rau xanh và sản phẩm nông nghiệp cho đô thị cũng đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp để đô thị hóa. Núi cũng bị khai thác, biển bị kè lấn, hồ bị đe dọa san lấp.

Vấn đề hàng đầu bảo đảm cho phát triển bền vững, trong đó có du lịch của Đà Nẵng, là một quy hoạch phát triển khoa học của thành phố, mà bền vững là yếu tố tiên quyết. Trong đó, vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sông, núi, biển, đất, hồ, khí hậu... của thành phố phải được coi trọng. Nguồn dự trữ tiềm năng thiên nhiên cho phát triển lâu dài và bền vững của Đà Nẵng được tính toán và cân nhắc một cách khoa học và nghiêm túc, mọi xu hướng thực dụng, tùy tiện vì trục lợi, ăn xổi ở thì cần được phê phán và khắc phục.
 
Du lịch bền vững được nhiều nơi trên thế giới xây dựng thành công trên nền tảng văn hóa bản địa, bao gồm di sản, vật thể và phi vật thể, vốn liếng văn hóa của cha ông để lại và cả môi trường, nếp sống, phong cách sống của cộng đồng dân cư.

Gia sản văn hóa khiêm tốn và khá mỏng của Đà Nẵng sẽ được bù đắp nếu vận dụng được vị trí trung tâm của Đà Nẵng trên Con đường di sản miền Trung. Vấn đề môi trường sống, sạch, đẹp, không bị các vấn nạn đô thị như kẹt xe, ô nhiễm, quấy nhiễu du khách, Đà Nẵng đã giải quyết khá tốt, bằng các chương trình “5 không”, “3 có”. Người dân các nơi và cả du khách đều tỏ lòng ngưỡng mộ và ước ao có được môi trường sống như Đà Nẵng. Nhưng chừng ấy là chưa đủ.

Bản thân tên gọi Đà Nẵng hiện nay, trong lòng bè bạn gần xa, đã là một thương hiệu, một giá trị du lịch, có sức lôi cuốn du khách ghé thăm. Vấn đề còn lại, để lôi kéo và lưu giữ du khách cho Đà Nẵng là ở bộ máy và đội ngũ những người làm văn hóa du lịch.

Những công việc thuộc về tác nghiệp, năng lực tổ chức công việc phải có nghề, thậm chí phải có năng khiếu, người làm văn hóa và du lịch có nét giống nhau là nếu không có cái tâm và cái tầm phù hợp, thiếu ngọn lửa nhiệt tình và sáng tạo thì không thể làm nên những sản phẩm độc đáo, những giá trị văn hóa du lịch có hồn, có chất Đà Nẵng được.

Phải chăng chúng ta đang còn thiếu cái hồn, cái độc đáo để làm nên nét riêng cho du lịch Đà Nẵng? Tình trạng hiện nay của du lịch miền Trung, trong đó có cả Đà Nẵng, na ná như nhau, cái gì cũng có, nơi nào cũng biển, cũng di tích và đặc sản, nhưng số lượng không nhiều và cũng không có gì sắc nét, tạo được ấn tượng với du khách.

Biển Đà Nẵng, cùng với sự tôn vinh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, khiến cho các đại gia chen chân, giành nhau lấp kín các bãi tắm tự nhiên của dân cư, các nhà quản lý phải can thiệp để giữ lại và chăm chút hơn các bãi tắm công cộng ít ỏi còn lại, có dịch vụ tốt, rẻ, an toàn... và có cả âm nhạc, thể thao cho cộng đồng, người dân bản địa.

Thành phố cũng đã có các chương trình khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, du lịch biển và du lịch sông nước; xây dựng cầu cảng cho du thuyền, miễn giảm thuế cho các dự án du lịch sông biển, đang tạo ra sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Chuẩn bị việc đón nhận những cơ hội mới do năm 2010 mang lại, Đà Nẵng sẽ có những dự án lớn đi vào khai thác như Olalanie, Silver Shore Hoàng Đạt và các đường bay mới đến thẳng Đà Nẵng, Đà Nẵng-Đài Bắc, Đà Nẵng-Hồng Công. Anh Cao Trí Dũng, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành trẻ, rất lạc quan về triển vọng của du lịch Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng hội đủ các điều kiện để phát triển du lịch có đẳng cấp quốc tế, ngang tầm với các khu du lịch nổi tiếng trong khu vực như Phukhet, Thái Lan, Bali, Indonesia... Anh đề nghị về du lịch cần có tầm nhìn xa hơn, cần có các chương trình marketing điểm đến chuyên nghiệp và nên phối hợp các nguồn lực để thuê hẳn các công ty nước ngoài thực hiện sẽ có hiệu quả hơn.

Hoạt động du lịch mang tính sáng tạo và khám phá. Nếu thiếu tâm và thấp tầm, không có lòng say mê và một nền văn hóa sâu rộng, thì khó mà tạo ra những sản phẩm có giá trị, nói gì tạo nên được những bước phát triển nhảy vọt cho sự nghiệp du lịch thành phố. Đà Nẵng đã từng có những quyết sách, những đầu tư đột phá, tạo đà cho du lịch như cầu quay Sông Hàn để tiến ra phía biển Đông, mở đường Bà Nà, rồi Sơn Trà-Điện Ngọc... và cũng đã từng chối từ những dự án “công nghiệp bẩn” để dành sân, dành đất cho du lịch phát triển.

Năm 2010, ngành du lịch Việt Nam tròn 50 năm phát triển, với Đà Nẵng, sự nghiệp du lịch mới mở ra từ khi trực thuộc Trung ương, năm 1997. Đường đi tới còn dài. Việc nhìn lại tiềm năng, chiến lược, cách làm trước khi bước sang một giai đoạn mới, phải chăng cũng là một thuộc tính tự thân bảo đảm cho sự phát triển du lịch bền vững?

DƯƠNG ĐĂNG CAO

;
.
.
.
.
.