Ngày nay chữ CK hay TTCK viết tắt không còn mấy xa lạ, khó hiểu như cách đây dăm bảy năm, bởi vì chứng khoán (CK) và thị trường chứng khoán (TTCK) hiện diện hằng ngày trên mặt báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng để “dzô” cùng chứng khoán, quả thật không phải chuyện đùa, nếu không muốn nói là trận đồ bát quái, dzô rồi không biết ra bằng cách nào.
Xưa nay, những kẻ có tiền muốn mau chóng sinh lời, chỉ mới thấy đổ xô vào gửi tín dụng như một cơn khát cách nay mấy thập niên. Có người không tiền thì bán xe máy, đất đai nhà cửa, nghĩa là có gì bán tuốt tuột để ngồi chơi mà hưởng lãi 12% .
Rồi tín dụng sập tiệm như một cơn ác mộng. Gần đây khi đất phát sốt, vàng đùng đùng sốt không thèm dứt cơn thì người ta đổ xô vào đất, vào vàng. Nhưng bây giờ có CK cứu nguy cho kẻ nhiều tiền và nuôi hy vọng cho cả kẻ ít tiền. Thử hỏi, trong túi có một trăm ngàn thì ai mơ tới đất, tới vàng? Nhưng với chứng khoán, chỉ cần 100 ngàn là có thể dzô đàng hoàng. Thế là chứng khoán trở thành cơn sốt của bàn dân thiên hạ.
Đề đóm một ăn bảy mươi đã như nam châm hút hồn bao kẻ. CK, nghe đồn có người chỉ trong vòng một vài tháng đã 1 ăn... 400, 500, và còn hơn thế nữa. Một đồn mười, một đồn trăm, cổ phiếu cứ vậy mà lên ngất ngưỡng, không cần hiểu mô tê giá thiệt hay ảo. Khi cần bán, giá chỉ còn một nửa, mà nài nỉ cũng không ai ngó ngàng. Cầm một nắm cổ phiếu trong tay, mặt cứ tái dại vì đau. Lẽ nào tiền hóa thành thệp giấy vô nghĩa.
Thông tin về chứng khoán không hẳn là đồn thổi, bởi vì đây là một hoạt động tài chính hiện đại, đã có từ lâu đời ở các nước phát triển. Các DN tham gia thị trường chứng khoán là một cách gia tăng vốn hoạt động và để nắm bắt xác thực sức sống của nền kinh tế. Nhưng đối với Việt Nam, tri thức về hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận này chưa đến được công chúng bình dân. Ở nhiều nước, số người tham gia CK có thể lên tới 20%, 30% dân số. Nhưng ở Việt Nam, chưa tới 1%.
Nhìn bề ngoài, CK có gì đó na ná như đánh bạc chăng, nghĩa là có rủi có may. Cũng có người phất lên thành tỷ phú chỉ sau một đêm. Nhưng cũng không ít tỷ phú nhảy lầu sau vài phiên giao dịch. May cũng lớn, mà rủi thì cũng bạt vía. Thắng thua trong cuộc chơi này, tùy thuộc vào thông tin xác thực và mẫn cảm trong đánh giá thực chất hoạt động của công ty tham gia TTCK. Đó chính là chỗ khác nhau căn bản giữa CK và đánh bạc.
Như vậy, trong trường hợp này dùng hai từ “may” và “rủi” không còn thích hợp nữa. Nhưng cũng như mọi hoạt động kinh doanh khác, độ rủi ro trong CK là có thực và người chơi phải biết mà chấp nhận. Tránh được rủi ro là điều không tưởng, nhưng đã dzô thì rõ ràng là phải có tri thức, am hiểu kỹ càng luật của cuộc chơi. Ví như Công ty Vinamilk, Công ty Giống cây trồng, Công ty Vifon, công ty A, B,C nào đó đấu giá cổ phần, người tham gia CK phải có những thông tin đáng tin cậy về năng lực kinh doanh, khả năng chi trả nợ của các công ty này rồi hẵng bàn đến chuyện tham gia.
Mấy anh bạn ưa đổi đời bằng con đường CK đã bỏ ra khá nhiều thời gian, liên tục theo dõi những biến động của một vài công ty, la cà đây đó với mấy bậc thạo tin để nắm bắt từng chỉ số, bắt mối với mấy “cha” sành sõi, chuyên nghiệp đã có thâm niên ngót chục năm trong thương trường CK. Đêm đêm dạo lướt trên các trang web không mệt mắt.
Thu lượm thông tin không mấy khó. Xử lý thông tin mới thực sự cao thấp tay ấn. Nhưng đã gọi là chơi thì cứ dzô một đôi lần cho biết đời. Khốn nỗi, TTCK Việt Nam còn yểu lắm, nghĩa là không có đủ hàng mà bán.
Nguyên nhân ư? Có rất nhiều, trong đó phải kể đến các DN phải thực sự công khai, minh bạch các hoạt động kinh doanh, tài chính để các nhà ”chơi” tin cậy, phải tuân thủ quy luật thị trường, không bị các biện pháp hành chính lỗi thời nào chi phối. Chừng nào các DN chưa tích cực cổ phần hóa, công chúng chưa có được thông tin đầy đủ và tin cậy, thì chừng đó TTCK khó hoạt động như một ngành kinh doanh sinh lợi đầy sức sống.
KÍNH HIỀN