.

Gặp gỡ tác giả “Ngôi nhà kỳ dị”

.

Biệt thự Hằng Nga còn có tên gọi "Crazy house" (Ngôi nhà điên) hay “Ngôi nhà kỳ dị” ở số 3 Huỳnh Thúc Kháng, Đà Lạt là một công trình kiến trúc đặc biệt, gây nhiều tranh cãi khá gay gắt từ nhiều năm qua, vừa được People’s Daily bình chọn là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới, đang trở thành địa chỉ tham quan được ưa chuộng của thành phố sương mù.

TS Đặng Việt Nga – tác giả Ngôi nhà kỳ dị.

Tác giả của công trình này là TS. Đặng Việt Nga (con gái cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Bà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moscow (1959-1965), từ 1969-1972 tiếp tục học và lấy bằng TS tại Nga. Bà sống và làm việc tại Đà Lạt từ năm 1983 đến nay.

Chặng đường thử thách

Ngôi nhà kỳ dị được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900m2, đến đầu năm 1992 thì tượng hình, và đến cuối năm chính quyền Lâm Đồng cho phép bán vé vào cổng để khách tham quan. Đầu tiên, công trình có tên là biệt thự Hằng Nga, sau đổi thành “Crazy house”. Sở dĩ nó được gọi như vậy, là vì với lối kiến trúc phá cách theo trường phái biểu hiện, tòa lâu đài thực hiện mô phỏng giống những gốc cây hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã ẩn hiện trong rừng già.

Bước đầu, khi bắt tay thực hiện “Crazy house”, không phải ai cũng đồng tình với chủ nhân. Bà Nga nói: “Đã có lúc tưởng như phải phá bỏ nó, tôi chẳng đặng đừng phải viết thư “cầu cứu” một vị lãnh đạo Trung ương, nhờ đó ngôi nhà mới tồn tại và năm 2007 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy công nhận sở hữu công trình”.

Ngay sau đó, hầu hết các cuốn sách hướng dẫn du lịch uy tín hàng đầu thế giới như Le Guide du Routard, Trotter, Discovery... đều có nhắc tên “Crazy house”. Bây giờ, ngoài phần việc là một địa chỉ tham quan, nó còn được xem là một khách sạn cao cấp (có tất cả mười phòng, khách vào ở phải bỏ ra 290 USD/đêm/phòng). Theo thống kê của cơ quan quản lý du lịch địa phương, có đến 90.000 du khách đã đến tham quan “Crazy house” mỗi năm, và số tiền thuế thu từ bán vé đóng góp vào ngân sách địa phương 45-50 triệu đồng/năm.

Những tấm lòng tri âm, tri kỷ

Một góc không gian của ngôi nhà kỳ dị.

 

TS Đặng Việt Nga khẳng định, bà không phải cố làm ra vẻ lập dị, khác thường. Với bà, kiến trúc là nghệ thuật được làm rất công phu trong từng chi họa tiết, nếu bình thường 1 công, đối với công trình này phải 10 công. Theo dự tính, công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2010. Từng có lúc phải bán hết gia tài, người phụ nữ cô độc ấy (cuộc hôn nhân đầu tiên của bà đã đứt đoạn từ khi còn trẻ) ôm hai con nhỏ, ngồi nhìn công trình vẫn dang dở. Do vậy, bà Nga không bao giờ quên ơn người cứu mình.

Niềm vui lớn nhất của bà Nga là giờ đây, trong số những du khách đến tham quan, bà đã gặp không ít những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ những ý tưởng của bà. Có lần, một người phụ nữ phương Tây đã đến đăng ký ở tại biệt thự 2 tuần liền, với tâm niệm phải khám phá bằng hết mới về. Một du khách đến từ Mỹ thuê ở phòng 10, lúc đầu định ở một vài hôm, sau đó lại quyết định ở 12 ngày. Khi chia tay họ đã băn khoăn hỏi: “Tôi không hiểu tại sao bà Nga lại nghĩ ra những điều như thế?”.

Điều đặc biệt hơn cả, cách đây gần 10 năm, trong số những người khách tri âm ấy, có một người đàn ông tên là Đinh Ly, đến thưởng ngoạn ngôi nhà, rồi bịn rịn “...đến đây sao thấy bùi ngùi/ phải chăng đã hút cuộc đời của ta?”. Ngờ đâu, mấy câu thơ ấy trở thành định mệnh, giữ chân ông Ly ở lại cùng bà đến tận hôm nay. Có ông, ngôi biệt thự thêm bàn tay chăm sóc ấm áp, tươi vui. Có thêm tiếng đàn, tiếng hát, mời gọi bè bạn bốn phương...

Biệt thự Hằng Nga bao gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện, được mô phỏng theo hai thân cây cổ thụ làm bằng bê- tông. Hầu hết các gian phòng tại đây đều có tên các loài vật như kangourou, hổ, gấu, chim trĩ… và có đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng. Du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong biệt thự với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào.
 
Tiếp tục vượt qua những bậc thang ngoằn ngoèo quấn quanh gốc cây, sẽ lần lượt khám phá những căn phòng ấm cúng với hình thù đặc trưng của thiên nhiên như hốc cây, thân tre, quả bầu, cọp, gấu, đại bàng, kangourou, chim trĩ... Đêm về, nếu ngủ trong các căn phòng này, nhìn thẳng lên trần nhà có thể thỏa thích ngắm nhìn trăng sao...


TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.