.

Giỏi nghề hay để được học liên thông?

.

Thực hiện chủ trương phân luồng của Bộ GD&ĐT, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ đã tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Căn cứ vào điểm các môn thi tốt nghiệp và năng lực học tập của học sinh (HS), các trường sẽ có quyết định biên chế lớp cho đối tượng chưa tốt nghiệp THPT để bổ túc kiến thức và giảng dạy các môn văn hoá phục vụ chuyên ngành.

Cần một động cơ học tập

Nghề cơ khí hiện đang là nhu cầu lớn của thị trường lao động, nhưng lại ít thu hút người học.

Năm học 2007-2008, ngay khi Bộ GD&ĐT có chủ trương tổ chức thi tốt nghiệp lần 2, một số trường TCCN, CĐ đã lên kế hoạch tuyển sinh “đón đầu” những học sinh tiếp tục rớt trong kỳ thi này. Cho đến nay, Trường CĐ Phương Đông đã có gần 2.000 HS theo học hệ 2,5 năm và khoảng 700 HS theo học hệ 3 năm (là HS tốt nghiệp THCS).

Tuy nhiên, không nhiều trường TCCN, CĐ mặn mà với đối tượng tuyển sinh này. Ông Võ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông lý giải: Trong thời gian học sinh học bổ túc kiến thức các môn văn hóa, các trường TCCN và CĐ đều phải mời giáo viên phổ thông đảm nhận. Điều này giúp giảm nhẹ biên chế cho nhà trường nhưng lại rất khó trong quản lý, đánh giá học sinh.

Trong khi nhà trường áp dụng quy chế quản lý học sinh TCCN nên giáo viên phổ thông không nắm được. Từ đó nảy sinh những vướng mắc trong phương pháp đánh giá, cho điểm... ở giai đoạn bổ túc văn hóa. Năm học trước, song song với việc mời giáo viên từ các trường phổ thông, Trường CĐ Phương Đông đã phải tuyển 5 giáo viên cơ hữu để thành lập tổ bộ môn văn hóa của nhà trường.

Cùng một lúc quản lý nhiều đối tượng: Tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp THCS, các trường phải quản lý một lượng lớn hồ sơ sổ sách. Điều các trường quan tâm nhất vẫn là việc bổ túc kiến thức văn hóa để học sinh có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng học tập chuyên ngành. Ông Lê Ngọc Việt - Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Phương Đông cho biết:
 
“Trong điều kiện mỗi học sinh tốt nghiệp là một thương hiệu thu nhỏ của nhà trường, thì đây quả là một áp lực lớn khi đầu vào của các em rất thấp”. Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Đông Á lại cho rằng, đối với học sinh phân luồng, khó hơn cả là phải ổn định tư tưởng, khơi dậy ở các em sự ham học, những nỗ lực phấn đấu cho những mục tiêu cụ thể, phù hợp với khả năng của các em.

Với Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, việc nhận học sinh vào học chương trình phân luồng mới bắt đầu từ năm học 2009-2010 và trường gửi các em học văn hóa ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Sơn Trà. Theo ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề, thì việc khó nhất khi mở lớp phân luồng cho học sinh mới tốt nghiệp THCS là phải bảo đảm việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.
 
Vì mục tiêu cuối cùng của những học sinh không muốn và không đủ kiến thức để theo học hết chương trình văn hóa, là muốn học nghề để tìm việc làm. Nhà trường phải tìm được nguồn đầu việc giúp các em có công việc ổn định sau khi học xong, lúc đó mới giữ chân các em theo học hết chương trình, để khi ra trường vừa có bằng nghề, vừa có bằng văn hóa.

Mục tiêu là giỏi nghề hay học liên thông?

Buộc phải học lại chương trình văn hóa, khiến các em nảy sinh tâm lý chán nản. Tại Trường CĐ Phương Đông, chưa đầy 85% HS trong diện này có thể theo tiếp chương trình, số còn lại bỏ ngang vì lười học văn hóa.

Trước đây, hệ công nhân kỹ thuật ở các trường TC chỉ dạy nghề, tạo ra đội ngũ thợ lành nghề cho xã hội. Nhưng nay, khi vào học ở các trường TCCN, CĐ, các em phải cố gắng hoàn thành chương trình văn hóa dở dang, cố gắng để sau khi tốt nghiệp được liên thông lên học hệ cao hơn. Lúc đó, một đội ngũ nửa thầy, nửa thợ trở thành nguồn nhân lực cho xã hội. Không biết họ có đủ sáng tạo để “làm thầy”, đủ có một tay nghề giỏi để “làm thợ”?

Ông Phan Tiềm cho rằng, hiện nay các thiết bị máy móc thay đổi theo hướng hiện đại, nên người học cần kiến thức cơ bản một số môn học để nắm nguyên lý. Nên việc phân luồng của Bộ GD&ĐT là một chủ trương đúng giúp các em có đủ kiến thức để học nghề chuyên môn.

Nhưng điều cơ bản là học sinh có động cơ học tập hay không, vì nhiều em nộp hồ sơ vào các trường CĐ, TC nhưng với mục đích là “trốn” nghĩa vụ quân sự hoặc theo học để lấy được tấm bằng và sau đó học liên thông lên hệ CĐ, ĐH - một xu hướng chạy theo bằng cấp tồn tại nhiều năm nay trong xã hội.

Không ai trách những thế hệ học sinh hiện nay có chí hướng phấn đấu để học ĐH, nhưng việc cụ thể trước mắt là hiện nay thị trường lao động đang rất thiếu thợ, đặc biệt là thợ giỏi ở ngành nghề cơ khí thì rất ít người theo học; còn số sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp vẫn đang ở mức cao.
 
Ở Trường CĐ Nghề, các ngành học như cơ khí, may mặc, du lịch được đào tạo theo đơn đặt hàng của nhiều công ty như Ô-tô Trường Hải, Công ty Sông Thu, Doosan… với nhu cầu không hạn chế, mức lương các doanh nghiệp này trả cho công nhân bảo đảm cao hơn hoặc ngang bằng những người có bằng ĐH, nhưng vẫn không có sức hút với học sinh.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, việc tồn tại chương trình phân luồng giúp HS có trình độ văn hóa nhất định, “học nghề cũng phải có trình độ tương đương để hiểu về lĩnh vực đó”.

Trong khi tồn tại hai chương trình dạy nghề là TCCN, CĐCN do Bộ GD&ĐT quản lý, hệ TC nghề và CĐ nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong Hội thảo “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT” tổ chức vào tháng 9 năm nay cho rằng “Chương trình học và đầu ra có tương đương hay không, hai bộ cần bàn bạc, thống nhất để việc đầu tư, phát triển nhất quán hơn”.

Và cùng với việc 2 năm nay chương trình sát hạch nâng bậc tay nghề không còn tồn tại, những người muốn học hệ công nhân kỹ thuật (tương đương thợ bậc 3) đã không có cơ hội trưởng thành, thành thợ lành nghề với bậc thợ nâng cao hơn. Tỷ lệ thanh niên chưa qua đào tạo tay nghề và không có việc làm ổn định ở các địa phương vẫn ở mức cao. Có phải những bước hạn chế trên đã khiến người học không mấy mặn mà để học lấy một nghề mà họ yêu thích?…

Hiền Lương

 

;
.
.
.
.
.