Cả thế giới đang bị hút vào Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu do LHQ chủ trì được tổ chức tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Từ nhiều tuần trước, hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày khai mạc hội nghị, 56 tờ báo của 46 nước đã đồng loạt ra một xã luận chung thể hiện nguyện vọng của gần 7 tỷ người: Hãy cứu lấy trái đất khi còn chưa quá muộn.
|
Vào lúc bài báo này lên khuôn, 15.000 đại biểu, đại diện của 192 nước dự hội nghị đang trong quá trình thương thảo gay go để ngày 18-12 tới, hy vọng nguyên thủ của các nước trên sẽ có thể ký vào một bản thỏa thuận với 4 nội dung cơ bản:
Các quốc gia phát triển từ nay đến 2020 cam kết giảm khoảng 40% lượng khí thải hiện nay; các quốc gia đang phát triển cam kết hạn chế lượng khí thải phát sinh; cam kết đóng góp vốn và công nghệ để các quốc gia đang phát triển giảm lượng khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu (khoảng 10 tỷ USD/năm trong tổng số 197 tỷ USD/năm nhu cầu theo tính toán của LHQ); thỏa thuận về việc quản lý, chi tiêu khoản tài chính khổng lồ này.
Thỏa thuận Copenhagen sẽ là cơ sở để tiến tới một nghị định thư thay thế nghị định thư Kyodo được ký năm 1997 sẽ hết hạn vào năm 2012.
Với ý nghĩa sống còn như vậy, cộng đồng quốc tế đang hồi hộp theo dõi kết quả của hội nghị với niềm hy vọng đây sẽ là “hai tuần cứu nguy trái đất khỏi thảm họa” đồng thời với rất nhiều lo âu vì nguy cơ thất bại của nó. Bản chất của vấn đề là mỗi quốc gia đều xuất phát từ lợi ích của chính mình trước thảm họa. Cách đây 10 năm, Mỹ không tham gia nghị định thư Kyodo, mặc dù quốc gia này có lượng khí thải lớn nhất thế giới và mới đây, chính quyền của Tổng thống Buss còn phớt lờ việc cắt giảm khí thải công nghiệp.
Một tháng trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama đã đồng ý từ nay đến năm 2020 sẽ cắt giảm 17% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuyên bố trên đã tháo gỡ bế tắc quan trọng nhất lâu nay, thổi một luồng gió lạc quan vào dư luận, nhưng người ta không hẳn đã thật yên tâm khi Mỹ còn kèm theo một điều kiện đó là Trung Quốc và Ấn Độ phải có những cam kết cụ thể về vấn đề này.
Về phía mình, Trung Quốc, nước có lượng khí thải tính theo GDP lớn nhất hiện nay cam kết từ nay đến 2020 sẽ giảm 40% đến 45% lượng khí thải nhưng cộng đồng quốc tế đều chưa hài lòng vì trong 10 năm tới, nền kinh tế dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch của Trung Quốc sẽ tăng trưởng rất lớn, lúc đó trên 55% đến 60% khí thải còn lại sẽ là một tỷ lệ khó chấp nhận.
Còn Ấn Độ, một trong những nước thuộc nhóm có lượng khí thải lớn nhất cam kết giảm 39% nhưng không bị ràng buộc về pháp lý, Bra-xin đồng giảm 30% nhưng yêu cầu được hỗ trợ lớn về chống cháy rừng. Còn các nước nghèo, nạn nhân chủ yếu của khí thải và biến đổi khí hậu thì chưa nhìn thấy đâu nguồn đền bù, hỗ trợ được hứa hẹn.
Trong khi hội nghị họp thì băng tiếp tục tan ở hai đầu cực, hạn hán, sa mạc hóa, nước biển dâng có thể buộc 50 triệu người phải rời bỏ quê hương xứ sở để “tỵ nạn biến đổi khí hậu”, 36 thành phố lớn ven biển đang đứng trước nguy cơ biến mất, trong đó có TP. Hồ Chí Minh của nước ta. Việt Nam là một trong số ít quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của biến đổi khí hậu.
Nếu trái đất nóng thêm trên 2 độ C khiến nước biển dâng cao 1 mét vào cuối thế kỷ này, đồng bằng sông Cửu Long, một phần đồng bằng sông Hồng và một số đồng bằng hẹp miền Trung chiếm 25% diện tích trồng trọt của nước ta sẽ chìm trong nước mặn. Không cần đợi đến cuối thế kỷ, chúng ta đã thấy tác hại của biến đổi khí hậu ghê gớm như thế nào qua những cơn bão trái mùa, những trận lũ khủng khiếp, hiện tượng nóng, lạnh ngược quy luật.
Chịu tác hại nặng nề của biến đổi khí hậu, chúng ta cần chủ động đề phòng những thiệt hại của chúng, đồng thời có trách nhiệm cùng nhân loại ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên, yêu cầu các quốc gia tham dự hội nghị cùng chung sức để đạt được những thỏa thuận cứu trái đất khỏi tai họa.
Phạm Vũ