Vào nửa sau thế kỷ XVIII, trong lúc nhóm Nguyệt Thiềm ở phía tây nam quần đảo Hoàng Sa vẫn còn chưa chuẩn xác trong ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây, thì ngược lại, nhóm đảo An Vĩnh ở phía đông bắc lại được họ biết đến khá nhiều dưới cái tên Nhóm đảo Tam giác (Les Triangles).
Nhóm đảo An Vĩnh nhìn từ vệ tinh năm 2002. (Nguồn:www.oceandots.com) |
An Vĩnh là tên một xã thuộc huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Từ thời các chúa Nguyễn, dân An Vĩnh đã gắn liền với lịch sử khai thác và quản lý quần đảo Hoàng Sa. Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm cứ đến tháng ba đi thuyền ra khai thác sản vật trên các đảo cho triều đình, đến tháng tám thì về.
Những nhân vật nổi tiếng về việc chinh phục quần đảo gắn liền với đội Hoàng Sa như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên cùng rất nhiều người vô danh khác đều là con dân An Vĩnh. Chính từ những đóng góp to lớn đó mà tên xã An Vĩnh được dùng để đặt tên cho nhóm đảo này.
Đối với tên gọi Amphitrite, đây là tên chiếc tàu chiến của Pháp vào Biển Đông để đến Trung Quốc cuối thế kỷ XVII. Các giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai Paris cũng đã đi tàu Amphitrite ngang qua phía đông quần đảo Hoàng Sa đến Trung Quốc năm 1701 và có nhiều ghi chép về quần đảo này. Vì thế, các nhà hàng hải quốc tế đã gọi nhóm đảo này theo tên chiếc tàu (1).
Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất trong các đảo của Hoàng Sa, và cũng là các đảo san hô lớn nhất Biển Đông, như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Hòn Đá.
Đảo Phú Lâm
Đảo Phú Lâm nhìn từ vệ tinh năm 2009. (Nguồn:www.vi.wikipedia.org) |
|
Phú Lâm là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh, dài 1,7km, chiều ngang 1,2km, diện tích chừng 1,3km2. Trên đảo có nước ngọt, nhiều cây cối và chim biển sinh sống, tạo nên lớp phân chim dày.
Thời Pháp thuộc, một số công ty Nhật Bản được phép khai thác phân chim làm phân bón. Năm 1938, khi còn làm chủ Đông Dương, bên cạnh đài quan trắc khí tượng trên đảo Hoàng Sa, người Pháp cũng đã thiết lập một đài quan trắc khí tượng ở đảo Phú Lâm, số hiệu được ghi trong danh sách của WMO là 48859. Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm khi nhảy vào Đông Dương năm 1939.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, từ tháng 6-1946 Pháp chiếm lại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đến tháng 9-1946 thì rút quân về. Lợi dụng thời cơ Pháp-Việt chuẩn bị chiến tranh, Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ đến giải giới quân Nhật, điều 4 chiến hạm chở quân đi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, và vào 29-11-1946 các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đổ bộ lên chiếm đảo Phú Lâm. Chính phủ Pháp đã phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp và ngày 13-1-1947 cử chiến hạm Le Tonkinois ra yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm, nhưng họ không rút.
Ngày 1-10-1949, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu rút ra Đài Loan; nên tháng 4-1950, lính Trung Hoa Dân Quốc cũng rút khỏi đảo Phú Lâm. Sau Hiệp định Genève, quyền quản lý Hoàng Sa thuộc về chính quyền Sài Gòn, nhưng Trung Quốc đã bí mật điều quân ra chiếm đảo Phú Lâm vào 21-2-1956.
Từ khi chiếm Phú Lâm, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng cảng ở đây. Một cảng mới được đào thêm vào năm 1971, đến năm 1979 thì cảng được mở rộng. Từ năm 1980, Trung Quốc xây dựng một sân bay ở Phú Lâm và thiết lập một đường bay với các chuyến bay 2 tuần một lần (3).
Hiện nay, Phú Lâm có hai bến cảng lớn, một sân bay lớn đáp ứng được việc lên xuống cho các máy bay hạng nặng, đài kiểm báo, kênh đào và nhiều phương tiện quân sự. Cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm khá hoàn chỉnh và được tổ chức chặt chẽ nhằm phục vụ mục đích quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
Đảo Linh Côn
Đảo Linh Côn nhìn từ vệ tinh năm 2009. (Nguồn:www.vi.wikipedia.org) |
Linh Côn là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, diện tích chừng 1,62km2, nơi cao nhất chừng 5,72m, trên đảo có nước ngọt, có vòng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía nam như một con lươn có cái đầu ở Linh Côn với thân dài tới gần 15 hải lý với hàng chục đá san hô nhấp nhô trên mặt biển.
Đầu năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn kế tục người Pháp quản lý Hoàng Sa thì Trung Quốc bí mật đưa quân chiếm đóng cả đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã xây dựng ở Linh Côn nhiều công trình quân sự, cầu tàu lớn, nhà kho, nhà máy chế biến hải sản...
Đảo Cây nhìn từ vệ tinh năm 2009.
Đảo Cây
(Nguồn: www.vi.wikipedia.org)
Đảo Cây còn có tên là Cù Mộc, Île Arbre (P), Tree Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Zhaoshu Dao (Triệu Thuật Đảo), nằm ở tọa độ 16059’ vĩ độ bắc và 112016’ kinh độ đông. James Horsburgh giải thích đảo Cây được đặt tên do ở cực tây đảo mọc duy nhất một cây dừa (5).
Đảo Trung
Đảo Trung còn gọi là đảo Giữa, Île du Milieu (P), Middle Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Zhong Dao (Trung Đảo), nằm ở tọa độ 16057’ vĩ độ bắc và 112019’ kinh độ đông. Tên đảo Trung là do vị trí của đảo nằm giữa đảo Bắc và đảo Nam.
Đảo Bắc
Đảo Bắc còn có tên là Île du Nord (P), North Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Bei Dao (Bắc Đảo), nằm ở tọa độ 16058’ vĩ độ bắc và 112018’ kinh độ đông. Đảo Bắc được đặt tên do vị trí hơi chếch về hướng tây bắc của nhóm đảo.
Đảo Nam
Đảo Nam còn có tên Île du Sud (P), South Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Nan Dao (Nam Đảo), nằm ở tọa độ 16057’ vĩ độ bắc và 112019’ kinh độ đông. Đảo Nam được đặt tên do vị trí nằm dưới đảo Trung một chút về phía nam.
Đảo Hòn Đá nhìn từ vệ tinh năm 2009. (Nguồn:www.vi.wikipedia.org)
Đảo Hòn Đá
Đảo Hòn Đá còn có tên Île Rocheuse (P), Rocky Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Shi Dao (Thạch Đảo), nằm ở tọa độ 16051’ vĩ độ bắc và 112021’ kinh độ đông. Tên gọi Hòn Đá là do đảo được cấu thành từ những tảng đá lớn nổi trên mặt biển.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
(Đại học Khoa học Huế)
(1) Jean Baptiste Nicolas Denis D"Apres de Mannevillette, Instruction sur la navigation des Indes orientales et de la Chine, pour servir au Neptune Oriental, Libraire & Imprimeur de la Marine, Paris, 1775, p. 570.
(2) James Horsburgh, The India directory, or, Directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, and the interjacent ports of Africa and South America, VM. H. Allen & Co., London, 1852, p. 347.
(3) Monique Chemillier-Gendreau, “Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands”, ISBN 90-411-1381-9, Kluwer Law International, Netherlands, 2000, p. 4.
(4) Theo Jean Baptiste Nicolas Denis D"Apres de Mannevillette, Sách đã dẫn, trang 569.
(5) Theo James Horsburgh, Sách đã dẫn, tr. 347.