.

Lễ xuống đồng ở Trà Đỏa xưa

Làng Trà Đỏa (nay thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) xưa có một ngày lễ khá đặc biệt. Đó là lễ xuống đồng, vừa cúng Thần nông vừa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ xuống đồng mang đậm nét tín ngưỡng dân gian trong sinh hoạt nông nghiệp của người Việt nói chung và cư dân ở Trà Đỏa nói riêng.

Hồi ấy, mỗi năm người dân Trà Đỏa làm chỉ hai vụ mùa. Mùa khoai tháng sáu bắt đầu trồng từ tháng hai âm lịch, còn mùa lúa tháng hai lại bắt đầu cấy vào tháng mười, cũng tính theo âm lịch. Trước khi xuống đồng để bắt đầu một vụ mùa có thể nói quan trọng nhất trong năm, theo tập tục xưa, dân làng tổ chức ngày Lễ xuống đồng.
 
Trong ký ức xa mờ của những bậc cao niên làng Trà Đỏa, đó là một ngày lễ long trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân địa phương. Lễ xuống đồng diễn ra vào tháng mười âm lịch. Ngày giờ là do làng chọn, thường trúng vào ngày rằm tháng mười. Lễ xuống đồng không những được làng tổ chức mà ở các gia đình, chủ yếu các chủ đất, cũng tổ chức lễ riêng.

Trà Đỏa là vùng đất được hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên vì có nguồn nước nhỉ quanh năm từ rừng cấm chạy dọc theo cánh đồng. Đây là lợi thế ít nơi nào có được. Nhờ vậy, đồng ruộng Trà Đỏa gần như không khô hạn, dù ngay giữa mùa hè nắng gắt. Xuất phát từ đặc điểm đó, thời xưa, gia đình nào cũng nuôi vịt. Ít cũng năm mười con.

Nhiều hàng chục, thậm chí cả trăm con. Vịt nhiều, tất nhiên trong mâm cỗ cúng Thần nông thế nào cũng có thịt vịt và nồi cháo vịt thật to, từ mâm cỗ làng cho đến mâm cỗ các gia đình. Bên cạnh đó còn có xôi, chè, thịt heo...

Địa điểm cúng Thần nông của làng được tổ chức ngoài đồng, trên một gò đất cao, hướng ra cánh đồng Trà Đỏa. Vị trí thường được chọn là ở gò đất gần khu vực miếu Ông hay miếu Bà. Lễ cúng ở làng có đầy đủ thủ tục. Ngoài mâm cỗ, hương đèn, phải có văn tế Thần nông. Cúng xong, lý trưởng xuống cấy cây mạ đầu tiên. Gọi là “cấy làm phép”. Rồi mâm cỗ được dọn ra. Lý trưởng và các vị hương chức ngồi vào bàn, vừa ăn vừa trao đổi công việc, nói chuyện mùa màng, đồng áng, chuyện làng trên, xóm dưới.

Xưa, ngay cả việc làm lễ cúng quy định rất rõ ràng. Làng cúng trước, các hộ gia đình mới được cúng sau. Cũng như nhiều làng, xã khác, ruộng đất Trà Đỏa tập trung vào tay những gia đình giàu có, gọi là các chủ điền. Trong đó, nhiều đất ruộng phải kể đến các ông Chánh Minh, ông Trần Úy, ông Phó Hoanh, ông Hương Tập... Những gia đình không có ruộng đất, dĩ nhiên quanh năm suốt tháng phải đi làm thuê, cuốc mướn kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày.

Để chuẩn bị Lễ xuống đồng, ngay hôm trước, các chủ điền kêu thợ nhổ mạ thành từng bó, sắp sẵn đâu vào đấy. Mạ được chất thành từng gánh, từng gánh một. Người ta tính rất chi li, kỹ càng rằng hôm đó, tức ngày lễ cúng Thần nông, huy động bao nhiêu thợ, nam bao nhiêu, nữ bao nhiêu để phân ra gánh nặng, gánh nhẹ khác nhau. Gánh nặng dành cho nam giới, gánh nhẹ cho nữ giới. Thường nam giới mỗi gánh 100 bó mạ. Nữ ít hơn, khoảng 50 đến 60 bó mạ.

Bấy giờ, người ta cấy lúa ba trăng, rồi lúa mận. Năng suất các loại lúa này đều thấp. Như lúa ba trăng mùa được nhất cũng chỉ đạt mức 20 ang một sào. Năng suất thấp nên giá công làm cho chủ cũng thấp theo. Mỗi ngày, nếu trả bằng gạo, khoảng bảy lạng. Còn khoai tươi thì nửa mủng, loại mủng một ang. Cho nên, miếng ăn ngày xưa quý lắm. Cũng vì lý do đó mà chủ điền kêu ai, người đó đi liền. Mà họ đi rất sớm.
 
Có nguyên nhân thế này. Chủ đã kêu thợ, tất đã chuẩn bị cơm nước buổi sáng sớm. Dĩ nhiên, trong thời buổi mà miếng ăn “quý như vàng” ấy, chủ điền không nấu thả cửa mà có sự tính toán cẩn thận. Người đến sớm, họ cứ ăn... vô tư, khiến người đến sau có khi chỉ còn được vẻn vẹn một chén cơm. Đến cả bát nước chè cũng nhạt thếch. Rốt cuộc, anh nào cũng tranh thủ đi sớm cả. Đi trễ, mất phần ráng chịu, không ai trách ai. Huề cả làng!

Ngày thường đã thế, ngày lễ cúng Thần nông, thợ đi làm càng sớm hơn. Bởi ngày đó, thế nào chủ điền cũng sai bọn trai cày làm vịt, nấu xôi... cúng Thần nông. Tang tảng sáng, sau khi làng cúng xong thì đến lượt các chủ điền. Họ không cúng ngoài ruộng mà cúng ngay trước sân nhà. Cúng xong, tất cả thợ cấy, trai cày xúm lại ăn thịt vịt, cháo vịt, xôi... no nê rồi uống bát nước chè xanh. Sau đó, ai vào việc nấy. Tất cả đều gánh mạ ra đồng, cấy cho chủ điền.

Hiện nay, Lễ xuống đồng, cúng Thần nông đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn trong tâm tưởng, trong ký ức xa mờ của lớp người cao tuổi mà thôi!

PHẠM TIẾN MINH ĐẠT

 

;
.
.
.
.
.