.
Nguyễn Chánh Tín:

Khối ru-bích sáu mặt

.

Nhắc đến tên anh, khán giả mê điện ảnh thường nhớ đến vai diễn để đời của anh là điệp viên Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nhựa dài tập Ván bài lật ngửa cách đây gần ba chục năm. Chưa kể hơn bốn mươi vai diễn khác của các phim gai góc, ấn tượng không kém mà có thể kể như Rừng đất Củ Chi, Pho tượng, Giữa hai làn nước, Tìm lại đứa con, Đôi mắt người xưa

Chân dung Nguyễn Chánh Tín. Ảnh: Đông Dương

Trong vai trò người trực tiếp làm phim và sản xuất, anh chính là “đầu tàu”, thành viên chủ chốt sáng lập hãng Chánh Phương Phim với thành công của phim Dòng máu anh hùng nổi tiếng trong nước và quốc tế. Sau thành quả này, gia đình anh quyết định làm thêm hãng Chánh Tín Phim. Nguyễn Chánh Tín điều hành với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Cuộc trò chuyện với anh xoay quanh đề tài Nguyễn Chánh Tín ở đâu trong khối ru-bích nhiều mặt điện ảnh, thương trường, chiến lược, tình yêu và nghệ thuật…

* Trong tình hình suy thoái kinh tế và nhà nhà làm phim như hiện nay, Chánh Tín Phim có thực sự khả quan khi người điều hành lại là một nghệ sĩ quá nổi tiếng với công chúng nhưng chưa chắc là gần gũi với thương trường như anh?

- Nguyễn Chánh Tín (NCT): Chánh Tín Phim trong hai năm 2007-2008 đã đưa ra thị trường bốn phim: Chết lúc nửa đêm, Suối Oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn Bốn thí nghiệm đêm tân hôn. Trong đó phim Chết lúc nửa đêm đã được giải thưởng Cánh Diều Vàng. Đúng như anh nói, vào thời điểm suy thoái kinh tế, lạm phát toàn thế giới, cùng với cạnh tranh khốc liệt, phim của hãng Chánh Tín cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nói thật, tổng kết doanh thu của bốn phim, chúng tôi huề vốn.

Không lỗ cũng không lời. Nhưng chúng tôi cũng nhìn ra nếu không lạm phát cộng với mưa thuận gió hòa thì cũng có thể lời gấp ba lần. Ví dụ như phim Bốn thí nghiệm đêm tân hôn khi phát hành ở miền Trung, Đà Nẵng thì bị bão, không thu được gì hết. Trong khi chiếu ở TP. Hồ Chí Minh với các hệ thống rạp tốt như Lagaxy, Megastar, Cinebox… thì rất thành công. Có rạp chiếu liên tục 4 đến 5 tuần lễ mà vẫn không phục vụ hết khách. Làm phim khó vậy đó. Phải hài hòa các yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu trời an mưa tạnh và phim được chiếu trên hai hệ thống rạp quốc doanh và tư nhân trên cả nước thì mới có lời.

* Tôi nhớ trong cuộc trò chuyện lần trước, anh cho biết đã tiến hành dự án “mũi nhọn” chiến lược mở hệ thống rạp Chánh Tín Phim trên các rạp phim cả nước. Dự án này hiện đã thực hiện đến đâu rồi, thưa anh?

- NCT: Dự án này chúng tôi quyết định đầu tư lại hệ thống rạp Nhà nước, nâng cao chất lượng rạp để ưu tiên chiếu phim Việt. Đây là dự án có lợi cho nền điện ảnh quốc gia. Làm sao mỗi một tỉnh, thành có một hệ thống rạp quốc doanh, kinh doanh thật tốt và có thể chiếu phim Việt bất cứ giờ nào. Ưu tiên phim Việt là chính, chiếu tới chừng nào hết khách thì thôi. Khán giả xem phim bây giờ đòi hỏi cao lắm! Rạp chiếu nhếch nhác, lôi thôi họ không xem.

Vì thế phải đầu tư. Ý tưởng thì vậy nhưng bắt tay thực hiện mới thấy không dễ chút nào. Vấn đề vẫn là cơ chế. Muốn xin một giấy phép phải lòng vòng hết nửa năm trời. Nhưng dự án đến nay vẫn tiến triển tốt. Nhiều nơi khả quan và chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ còn tốt hơn nữa…

* Vậy việc xin phép duyệt đề tài, nội dung và phim chiếu trên truyền hình thì liệu có khả quan hơn?

- NCT: Quan niệm bỏ một tỷ đồng làm phim thu lời năm, bảy tỷ như dư luận thường nghĩ là không thể so với thực tế hiện nay. Người dân hôm nay được giải trí nhiều rồi. Họ có nhiều kênh, nhiều phương tiện. Khi đã xem phim nước ngoài từ tâm lý, diễn xuất, hành động, đầu tư tới nơi chốn… thì thật khó chấp nhận với tình huống cho có, đại khái, nửa vời của phim Việt. Tôi muốn nhắc lại, không phải điện ảnh Việt Nam bất tài mà do cơ chế nên khó có thể làm được. Mình bỏ tiền ra làm phim mà đôi khi bị sạt nghiệp chỉ vì một lời nói của người khác.

Ví dụ anh làm phim kinh dị à? Sao máu me nhiều thế? Thế là tiêu! Phiêu lưu lắm. Không có luật pháp nào rõ ràng để bênh vực nhau. Người duyệt phim thì nghĩ đủ thứ cách để bắt bẻ. Sợ đề tài nhạy cảm, đụng chạm, đâm đầu vào làm phim tình cảm riết rồi Nhà nước cũng cấm. Báo chí bắt đầu lên tiếng rồi đó. Phim gì mà đề tài nhạt, yêu đương lộn tùng phèo.

* Có thông tin Chánh Tín Phim vừa trúng một dự án phim truyền hình dài tập, phải chuẩn bị bấm máy ngay bây giờ mới có thể có đủ phim chiếu năm 2010?

- NCT: Đó là phim truyền hình “Tóc Tiên”, dự kiến dài ba mươi tập, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà thơ Bùi Chí Vinh. Phim nói về đề tài tuổi teen với những câu chuyện phiêu lưu, sinh hoạt của tuổi mới lớn. Ngay từ khi cuốn sách này phát hành đã gây một cơn sốt trong giới bạn đọc trẻ. Anh Vinh cũng là người viết kịch bản.

Quang Đại, đạo diễn phim. Theo kế hoạch, nếu chúng tôi thực hiện đúng với đài truyền hình, thì phim sẽ chính thức phát sóng vào đầu tháng 6-2010. Phim truyền hình hiện nay có thực trạng giống nhau là được đầu tư rất ít. Một phim 180 triệu đồng. Chưa tới 10 ngàn đô/1 phim thì làm sao hay được? Đó là điều tôi ưu tư.

* Có một thực tế cần suy nghĩ là phim truyền hình quảng cáo rất nhiều. Có cần đặt ra câu hỏi tại sao quảng cáo nhiều mà không đầu tư cho phim?

- NCT: Quảng cáo nhiều đến nỗi, tôi nghĩ, dùng số tiền này làm một cuộc cách mạng cho phim còn được. Các nhà quảng cáo không có lỗi gì cả. Phim nào hay, giờ nào người xem truyền hình nhiều thì người ta bỏ tiền vô. Tôi muốn nói điều này trên báo. Tại sao phát sinh nghịch lý tiền thu vô nhiều mà chất lượng phim càng ngày càng dở. Tại sao không lợi dụng quảng cáo để nâng phim truyền hình lên chất lượng cao? Ví dụ là 400 triệu đồng/1 phim đi? Sao không tập nâng dần lên như quốc tế? Như truyền hình Mỹ, Hàn Quốc…, mỗi phim cả trăm ngàn đô. Tính ra trên dưới một tỷ. Phim khác liền.

Vấn đề là khi lên được 400 triệu/1 phim thì anh nào làm dở thì cắt. Có sao đâu? Vì hàng ngàn người làm phim chứ đâu phải một người. Để kiểm tra về văn hóa và chất lượng phim rất dễ. Tôi đã lăn lóc trong nghề nên biết cái gì cần đầu tư, cần phải làm. Trước hết truyền hình nên khởi động trước, làm trước. Tôi có quen với ông Trà Dr Thanh.

Ông nói với tôi rằng đầu vô quảng cáo là nhiều ghê hồn. Đó chỉ mới một nhãn hiệu quảng cáo. Còn biết bao nhãn hiệu khác. Nếu biết quản lý và đầu tư thì tha hồ làm phim và có phim chất lượng. Thậm chí vẫn có thể mời Tom Cruise hay các diễn viên nước ngoài về đóng. Cho nên phải nâng cấp từ căn bản…
 

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH (Thực hiện)

 

;
.
.
.
.
.