.

Phòng tránh thiên tai, hai vai nặng gánh

.

Hằng ngày họ vẫn lặng lẽ giữa đời thường với hai vai việc nhà và việc xã hội. Đến khi thiên tai xảy ra, họ lại suốt ngày bươn bả trên khắp địa bàn. Bằng nhiệt tình, xông xáo, không kể giờ giấc, họ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Giữa lằn ranh sống chết

Trưởng thôn Võ Văn Thành (trái) thăm hỏi bà Mai Thị Ngọ, gia đình chính sách, đang sửa nhà bị sập sau bão số 9.

Mưa xối xả. Gió rít từng cơn. Chỉ mới hơn 4 giờ chiều mà trời đã sập tối. Anh Võ Văn Thành, trưởng thôn kiêm Đội trưởng Đội phòng chống lụt bão thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cùng mấy anh em trong đội lội quanh thôn lần cuối cùng trước khi bão tới.
 
Đến nhà chị Lương Thị Hiền, thấy có ánh đèn dầu bên trong, anh gọi cửa thì thấy chị cùng đứa con trai đang xúm xít chuẩn bị bữa cơm. Anh Thành cùng anh em trong đội quyết định “cưỡng chế” gia đình này để đưa họ về nơi an toàn.

Thế là người bưng theo mâm cơm, kẻ buộc ba mẹ con chị Hiền rời ngay căn nhà tạm đang oằn mình dưới từng luồng gió. Bão tan, quay về thấy nhà mình chỉ còn đống gạch vụn, chị mới thấy quý trọng mấy anh em trong đội. Càng quý hơn, khi một thành viên là anh Phạm Mạnh Tùng mang trả cho chị một gói nhỏ có tiền, vàng và quyển “sổ đỏ”, nó được buộc trong cây đòn đông trôi ra sông Trường Định!

Xangsane, cơn bão dữ năm 2006 đã để lại nhiều dấu ấn tình người trong lòng người dân Đà Nẵng; trong đó, không ít câu chuyện bắt đầu từ các thành viên trong ban nhân dân thôn hay ban điều hành tổ dân phố.

Trong bão, anh Đặng Văn Đức ở tổ dân phố 31, khu vực Nại Hưng 2 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) xuống bến chằng lại dây neo tàu thì bị khúc cây bay tới đánh ngang hông. Tổ trưởng dân phố Nguyễn Hữu Hoàng phát hiện, gọi thêm 3 người nữa, dìu người bị nạn lên Công an phường. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, bão số 6 đang đổ bộ vô Đà Nẵng, đoạn đường chỉ hơn 500m nhưng các anh phập phồng lo sợ tôn bay, cây rớt vào người. Cũng may, có xe đưa ngay anh Đức qua trạm y tế để sơ cấp cứu. Bị dập lách, anh được chuyển lên tuyến trên ngay khi bão tan nên không nguy hiểm gì.

Ở tổ dân phố 15 khu vực Hòa Phú 1 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) có vợ chồng một người tên Hùng cùng 5 đứa con ở nhà tạm. Trước khi bão tới, phó ban bảo vệ tổ dân phố Phạm Cường đi quanh, thấy 6 mẹ con vẫn chưa chịu đi tránh bão. Nói chi họ cũng không nghe, cứ bảo là chờ chồng, cha về. Ông Hùng về, tưng tưng hơi men, nói nhà tui tui ở, mắc mớ chi phải đi đâu. Anh em buộc phải “cưỡng chế”, mọi người ra khỏi nhà, đi được mấy bước là “rầm” một phát, căn nhà sập hoàn toàn. Đến lúc đó, ông Hùng mới tỉnh ra…

Càng nhiều nhiệt tình càng ít thiệt hại

Anh Phạm Cường  (phải) và cảnh sát khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh, tại cây cầu thường xảy ra nghẽn dòng chảy gây ngập lụt cục bộ.

 

Một trong những kinh nghiệm “xương máu” nhất rút ra sau các cơn bão là phải giữ thông tin liên lạc, nhất là ở những “ốc đảo” như thôn Trường Định. Bão số 9 vừa rồi nước sông lên nhanh, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên không qua được, nhưng yêu cầu trưởng thôn Thành mở điện thoại di động 24/24 giờ, sạc đầy pin trước khi điện bị cắt. Người trong thôn gọi nhờ giúp đỡ, cán bộ bên xã gọi qua hỏi tình hình... tới khi máy di động anh Thành hết pin mới thôi.

Bão số 9 tuy mức gió không bằng bão số 6 năm 2006 nhưng dai dẳng, người dân Trường Định chịu 2 ngày 2 đêm cả gió lẫn nước, thông tin liên lạc, phương tiện đi lại đều bị cắt hết. Ông Thu đánh giá: “Nhờ nhiệt tình, năng nổ của anh Thành mà sau bão, Trường Định không bị thiệt hại về người, tài sản nhân dân tuy có thiệt hại, nhưng nếu không làm tốt các khâu ứng phó với bão lũ thì thiệt hại về người và tài sản sẽ nặng hơn”.

Anh Huỳnh Tấn, tổ trưởng dân phố số 46 khu vực Hòa Mỹ 2 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thì giúp dân bằng cách vận động hơn 20 sinh viên tạm trú trên địa bàn đi chằng chống nhà cửa. Họ hầu hết học ở Trường Cao đẳng Đức Trí cạnh nhà anh Tấn, nên nhiệt tình nhận lời ngay. Trước khi bão tới, anh lại vận động cả sinh viên lẫn người dân đang ở nhà tạm vào Trường Đức Trí tránh bão.

Mưa lớn, con mương từ cầu Đa Cô xuống cầu Phú Lộc ngập nước. Giữa đoạn này, nhiều cây cầu bị cỏ lùng, bèo, rác bịt kín dòng chảy, nước dâng ngập hàng trăm nhà dân khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh, có nơi sâu trên 1 mét. Anh Phạm Cường cùng mấy anh em nhảy xuống khơi thông mương, làm suốt cả ngày mới hạ được mực nước xuống và giảm được thiệt hại cho dân.

Ở vùng biển như khu vực Nại Hưng 2, người đi tránh bão rồi nhưng vẫn lo tàu bị bão nhấn chìm. Biết thế, tổ trưởng dân phố Hoàng tập hợp một số thanh niên ở lại giữ tàu. Được cái là thanh niên trong tổ rất xông xáo, ngồi trong nhà ngó ra, thấy tàu đứt dây trôi dạt là chạy ra cứu liền. Bão số 9 vừa rồi, được sự hỗ trợ của một số cảnh sát cơ động, các anh đã cứu được gần 20 chiếc ghe lớn nhỏ. Kinh nghiệm của anh Hoàng là: “Muốn khơi cái nhiệt tình của họ thì mình phải làm trước. Kêu gọi họ kéo cái tàu mà mình không xắn quần lội ra trước thì ai thèm nghe”.

Được gì? Mất gì?

Phàm ở đời, làm một điều gì đó không ai là không ít nhiều nghĩ đến cái được, cái mất. Khi lao vào giữa trời bão lũ, những cán bộ đương nhiệm trong “chính quyền cấp 5” ấy không hề nghĩ đến gì khác, ngoài mong muốn mang lại bình yên cho mọi người.
 
Để yên tâm lo việc xã hội, họ đưa vợ con đến trú ẩn nơi an toàn. Bão số 6, anh Tấn mải đi giúp dân ứng phó với thiên tai, nhà mình bị tốc mái lúc nào chẳng hay. Anh Cường thì căn nhà cấp 4 sập hoàn toàn, cha mẹ vợ phụ thêm tiền xây lại...

Sau thiên tai, các thành viên ban nhân dân thôn, ban điều hành tổ dân phố còn phải phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể khác chia nhau đi kiểm kê, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể từng hộ để tránh sai sót.

Giúp đỡ, chia sẻ trong bão lũ, được bà con tin yêu là quý rồi. Nhưng khi khắc phục bão lụt mà để xảy ra ì xèo kiện tụng thì mất hết. Bởi lẽ, họ là cấp cán bộ gần dân, sát dân nhất, nếu đối xử với nhau không theo đạo lý ở đời thì sao có thể mỗi sáng mở cửa ra là nhìn mặt nhau được…

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.