Ông Nguyễn Điệp, nhân viên TT Bảo trợ trẻ em thành phố Đà Nẵng cho rằng, ở nước ngoài, mỗi nhân viên làm công tác xã hội (CTXH) cần biết đến 26 nghề (kỹ năng), nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, phải cần đến 26 người để giải quyết một vấn đề thuộc CTXH. Việc chưa có những nhân viên “đa năng” nên một CTXH cần phải tổng hợp nhiều người, khiến nảy sinh vấn đề không đủ thời gian và sự chồng chéo công việc...
Trẻ em, đối tượng tiếp cận chủ yếu của những người làm CTXH. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, bà cũng như nhiều chuyên viên ở phòng vẫn chưa được học qua các lớp xã hội học về CTXH, chưa kể là vẫn thường xuyên tổ chức đứng lớp tập huấn cho cán bộ CTXH ở xã, phường về một vấn đề sắp được triển khai...
Mục tiêu cuối cùng của CTXH là giúp thay đổi cuộc đời. Nên việc đào tạo, phát triển nghề CTXH là vấn đề cấp thiết hiện nay khi quá trình cải cách và hội nhập kinh tế của Việt Nam đã nảy sinh những thách thức và sức ép lên cộng đồng, gia đình và cá nhân đòi hỏi các dịch vụ bảo trợ xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ và can thiệp kịp thời cho các nhóm đối tượng yếu thế…
Năm 2004, Việt Nam mới công nhận CTXH là một ngành đào tạo ở bậc ĐH. Nhưng đến thời điểm này, CTXH vẫn chưa được xem là một nghề theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các mặt: nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, đội nhân viên chưa được đào tạo một cách bài bản, hệ thống cơ sở dịch vụ về công tác xã hội chưa phát triển. Thậm chí còn có sự đồng nhất giữa nghề CTXH là làm những việc công ích hoặc làm từ thiện!
25% dân số Việt Nam cần dịch vụ CTXH
Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em đường phố. |
|
Trong các đối tượng xã hội trên, có khoảng 1,3 triệu người thuộc diện khó khăn cần trợ cấp xã hội, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma túy, hơn 15.000 người bán dâm; 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề về xã hội; hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội...
Từ các số liệu này, ước tính có khoảng 25% dân số Việt Nam cần những dịch vụ CTXH. Nếu suy luận theo tính toán của tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) về số lượng để đạt được tỷ lệ tối thiểu 1 nhân viên xã hội/10.000 dân như với một số nước khác trên thế giới, hiện nay Việt Nam cần khoảng 8.500 cán bộ làm việc trong các cơ quan, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực CTXH lớn hơn nhiều. PGS.TS Nguyễn Tiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động-Xã hội cho biết: “Chỉ tính riêng trong ngành LĐ-TB&XH, chúng ta cần có trên 12.000 cán bộ XH. Chưa kể các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, tư pháp, tòa án… đang dần bộc lộ nhu cầu...” .
Hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 cán bộ làm việc trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ CTXH. Phần lớn cán bộ, nhân viên (81,5%) chưa qua đào tạo CTXH hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo, chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH.
Cần xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng: Do CTXH ở Việt Nam vẫn chưa được coi là một nghề nên chúng ta có rất ít các dịch vụ CTXH và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp. Hiện tại, ở một số địa phương mới chỉ có một số ít các trung tâm dịch vụ CTXH trong các tổ chức của Nhà nước, đoàn thể và phi chính phủ.
Phần lớn các trung tâm này đều chỉ cung cấp dịch vụ cho một số nhóm đối tượng cụ thể, trên một khu vực địa lý hạn chế và chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ của các tổ chức hoặc theo các dự án với thời gian cụ thể.
Theo khảo sát của Trường Đại học Lao động-Xã hội tiến hành năm 2005 tại 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Tháp thì hầu hết chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo của các CB đang làm nghề CTXH đều ở các lĩnh vực như y tế, điều dưỡng, giáo dục, luật, xã hội học, kế toán và thậm chí cả nông nghiệp. Và chỉ có 1/2 trong số này đã qua các khóa tập huấn CTXH. Các đối tượng được khảo sát cũng thừa nhận rằng, một trong những khó khăn mà họ gặp phải trong công việc là sự thiếu kiến thức và kỹ năng trong công tác trợ giúp những nhóm đối tượng.
Tại Hội thảo phát triển Nghề công tác xã hội tại Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng đầu tháng 11 vừa qua, hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng sở dĩ nghề CTXH chưa được xã hội biết đến do nước ta chưa ban hành mã nghề quy định chức danh, thang bậc lương trong hệ thống thang bậc lương của Nhà nước.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay các nhóm, trung tâm CTXH đều hoạt động tự nguyện, tâm huyết, nhưng chưa có chính sách cụ thể bảo đảm đời sống của họ; Bộ cũng khuyến khích việc xã hội hóa nghề CTXH, vận động các nguồn để người làm CTXH tự nguyện có nguồn thu nhập ổn định...
Theo đề án phát triển nghề CTXH của Bộ LĐ-TB&XH thì ở giai đoạn 2010-2020, ngoài việc xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH, nghiên cứu, áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức CTXH, sẽ bố trí, sắp xếp lại và tăng số cán bộ, nhân viên và CTV CTXH từ 35.230 người lên 40.000 người. |
HOÀNG NHUNG