.

Thuốc nào khử chất độc?

Vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) đã trở thành vấn đề nổi cộm nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng hơn. Gần đây, việc báo chí đưa thông tin về hàng loạt vụ vi phạm VSATTP đã khiến dư luận bàng hoàng. Theo những thông tin này, đã phát hiện hàng trăm tấn thịt bò, thịt trâu đã quá hạn sử dụng; 48 tấn bì lợn thối, 72 tấn chân gà bẩn đang được chế biến thành thịt bò khô, nem chua, chân gà nướng lưu hành ngoài thị trường.

Đáng sợ hơn, báo chí còn phanh phui những phi vụ tàn bạo như múc dầu rán bẩn, không sử dụng được nữa và đã được thải ra hệ thống cống của nhà máy chế biến thực phẩm, thu gom dầu rán từ các thùng rác cửa hàng ăn về để phi hành (dùng trong các món xôi, thịt rán…), dùng thịt lợn chết dịch để làm thịt quay; nhặt xác chó chết về nấu nhựa mận… Những thông tin về có chất độc trong rau, quả, củ, sữa, cháo dinh dưỡng cho trẻ em đã thành chuyện thường ngày.
 
Thịt quá hạn sử dụng, đồ hộp quá hạn được thay nhãn mới; rau bẩn được giới thiệu là rau sạch, thậm chí bỏ cả sâu vào để giả làm rau sạch trong các siêu thị không phải hiếm. Những cảnh mất vệ sinh, mất an toàn trong các hàng cơm bình dân, trong giết mổ gia súc, trong buôn bán… người ta đã nghe quá nhiều.
 
Tuy thật đau đớn khi phải tự làm xấu mình trước bạn bè quốc tế, tuy phần nào có làm mất đi tâm lý bình yên của người tiêu dùng nhưng không thể không nói tới những hiện tượng hết sức đáng lo ngại đó vì sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng, vì phải kiên quyết ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật vô lương tâm này.

Những ngày cuối kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến khi thảo luận Dự thảo Luật VSATTP. Các ý kiến đã làm rõ những bất cập hiện nay cũng như trong văn bản dự thảo. Đó là thiếu chế tài xử lý nghiêm khắc, còn chồng chéo trong quản lý, còn chưa đưa vào luật nhiều diễn biến phức tạp trong lĩnh vực này, nhất là tình trạng quản lý lỏng lẻo, bất cập trong nhập khẩu thực phẩm kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
 
Tất cả những ý kiến đó đều có cơ sở thực tế, tuy nhiên có một vấn đề trong luật cũng như ngoài xã hội còn chưa được thực sự quan tâm, đó là việc giáo dục ý thức cho cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về văn minh thương mại, cụ thể hơn, lương tâm trong sản xuất và mua bán. Khi người sản xuất chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt trong việc phun thuốc sâu cho chè, rau quả; dùng hóa chất độc hại để bảo quản hoặc “lên cấp” cho sản phẩm, trộn lẫn rau sạch và rau bẩn… mà không thấy cái hại lâu dài cho chính mình (ngoài cái hại to lớn cho cả xã hội).

Khi các doanh nghiệp ham rẻ nhập khẩu hoặc sản xuất các thực phẩm độc và bẩn mà không lo sợ bị phát hiện, không thấy đạo đức nghề nghiệp cắn rứt. Khi người tiêu dùng còn coi những thực phẩm có độc là chuyện thường tình, một vụ ngộ độc tập thể là chuyện… chẳng may, còn nhiều việc đáng lên án hơn thì việc bảo đảm VSATTP còn là chuyện nan giải.

Cần xây dựng nếp văn minh thương mại, trước hết là đạo đức nghề nghiệp, lấy an toàn của người khác làm an toàn, hạnh phúc cho chính mình, đồng thời tạo được áp lực xã hội lên án những hành vi làm mất VSATTP là một trong những tội ác phi nhân tính nhất để hỗ trợ cho pháp luật, lúc đó mới hy vọng chúng ta có thức ăn sạch ở cả ngoài phố, ngoài chợ và trong nhà của mình.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.