.

Bánh không chỉ là… bánh

.

Cuối năm, cả nước xôn xao các vụ hạt dưa, bánh mứt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí còn có cả chất gây ung thư. Nhiều người không mua hàng chợ như mọi năm, tự tay làm các loại bánh trái, vừa có dịp “truyền nghề” cho con cháu, vừa gợi lại không khí chộn rộn đáng yêu của những ngày giáp Tết.

Tự tay làm bánh để ngày Tết vui hơn, ý nghĩa hơn.  

Gần như năm nào cũng thế, cô sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng H.P. cùng mấy đứa bạn học thời cấp 3 rủ nhau làm một cái gì đó để vui xuân đón Tết. Năm nay, sau mấy vụ “đình đám” thực phẩm không an toàn, cả nhóm bàn nhau tiếp tục học thêm cách làm các loại bánh. Năm ngoái, cả nhóm đã “về nguồn” bằng cách học gói bánh chưng. Nghe mẹ của H.P. nói gói bánh chưng bằng khuôn... lá dừa, cả bọn trố mắt ra (tất nhiên là trừ H.P.). Lá dừa thì nội thành Đà Nẵng tìm đỏ mắt không thấy, phải chạy xe lên tuốt Hòa Tiến. Rồi chia nhau mua nếp, đậu xanh, lá chuối... tất tả làm cả buổi chiều.

Vui như Tết. Lúc bẻ lá dừa làm khuôn, lót lá chuối rồi đổ nếp và nhân vào, chúng mới vỡ lẽ ra rằng gói bánh chưng ngó vậy mà cũng dễ. Mấy cái đầu còn vụng, nhưng sau đó đã đẹp dần lên. Rồi đến khi nấu bánh, chuyện trò rôm rả cả đêm, đứa nào cũng cảm thấy mình gần lại với Tết cổ truyền dân tộc. Cô gái C.L. quê ngoài Bắc, nhưng không biết làm bánh chưng là như thế nào, thỏ thẻ bên bếp lửa rực hồng: Bánh chín, con sẽ mang về cúng ông nội con. Còn B.M. thì “trực chiến” suốt đêm bên nồi bánh, sợ lửa tắt, bánh sẽ dở.

Rạng sáng hôm sau, khi lửa tàn và bánh cũng đã đến độ chín, lần đầu tiên trong đời, chúng được thưởng thức hương vị bánh chưng Tết do chính mình làm ra. Ngọt, thơm, dẻo. Thế nhưng, khi mang bánh về nhà, nhiều đứa bị ba mẹ nghi ngờ: “Xạo, mua ở đâu về rồi nói là tự làm?!”. Cậu bé T., con của một phóng viên Đài DVTV, ấm ức: Được rồi, con sẽ làm cho ba mẹ “tâm phục khẩu phục”. Và, để chứng minh một cách hùng hồn rằng, người lớn đừng xem thường “tài năng” của con trẻ thế hệ 8X, năm nay cả nhóm tiếp tục tụ tập về nhà H.P. ôn lại kỹ thuật gói bánh chưng và học tiếp cách gói bánh tét. Loại bánh có “gốc gác” ở miền Nam này mọi năm mua về cúng, để tới rằm tháng giêng cũng không ai đụng tới, cứng ngắc như khúc củi. Năm nay, bánh tét tự tay làm ra thì chắc là nhà đứa nào cũng hết sớm. Ngày trước, mỗi lần gói bánh tét, nếp đậu còn lại cuối cùng không đủ một đòn, người lớn làm thêm mấy cái bánh ú. Con nít cứ thập thò trông chờ loại bánh nhỏ này, chứ bánh tét thì cũng phải chờ cúng ông bà xong mới được nếm tới.

Cận Tết, vừa làm bánh, vừa nghe người lớn kể chuyện... làm bánh thì quả là thú vị. Trước khi làm người lớn, ai cũng bước qua tuổi trẻ con, mà trẻ con ngày trước thì có khối chuyện buồn vui quanh Tết. Làm bánh in, bánh nổ các loại, chừ người ta sên đường chứ không thức cả đêm cạo đường như trước. Sự cải tiến này đã làm mất đi cái thú hồn nhiên của con nít: cứ lượn qua lượn về chờ người lớn cạo tán đường còn cái thẻo là tranh nhau xí phần. Thành thử, mấy ngày giáp Tết cả nhà, cả xóm, từ người lớn đến trẻ con trước khi nếm cái hương vị của bánh trái cũng đều “nếm” qua cái không khí chộn rộn, náo nức.

Bánh hạt sen là một trong những loại bánh “cao cấp” trong Tết xưa, làm nó cầu kỳ thế nào thì con nít ít để ý mà chỉ trông chờ đến lúc gói bánh. Người lớn viên bột đậu xanh thành hình hạt sen, bỏ lên cái sịa có lót giấy báo để sấy, trở đều, đến khi bẻ thử bánh mà thấy ở giữa khô trắng, không còn độ dẻo là bánh chín. Đến đoạn này là sai con nít cắt giấy gói có tua hai đầu, nhúng tua vào phẩm màu để khi gói bánh, vặn lại thành hình hoa cho đẹp. Con nít mê tít thò lò việc này, gói khoảng 4-5 viên hạt sen, làm chi cũng liếc liếc thấy không có ai để ý là lanh tay bỏ vô miệng một viên, ngậm thinh cho bánh tan ngọt lịm. Thành thử, mỗi lần thấy bánh quá ít, người lớn than thở: Răng đợt ni hao dữ, chắc đậu không bở nên làm không lợi bánh!

Đêm chừng như ngắn lại bên bếp lửa hồng ngày giáp Tết.  

Tay làm bánh chưng, bánh tét mà nghe toàn chuyện đường ngọt, bánh hạt sen thơm lựng, cô, cậu nào cũng muốn... cắn một miếng. Đó là chưa kể đến một số bánh con nít ngày trước nghe tới là... chảy nước miếng, nhưng nay đã gần như “tuyệt tích giang hồ”. Ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang có bà Đặng Thị Túy Phong, người nổi tiếng khắp vùng về tài làm các loại bánh khổ công nhất, cầu kỳ nhất trong ngày Tết. Bánh chỉnh có hình dáng giống chiếc ghe ngo Nam Bộ, bánh tai bò đúc bằng khuôn đồng bẻ ra 3 cạnh như tai bò, bánh bảy lửa làm bằng khuôn ống trảy kinh qua 7 lần lửa.

Thời trước, con gái phải gồm đủ công dung ngôn hạnh. Cô nào đến tuổi cập kê đều phải biết làm ít nhất một vài loại bánh trái. Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng thường làm bánh khô mè, cái khó nhất là kỹ thuật thắng đường. Thắng không tới, bánh sẽ tróc mè, mà già đường quá thì bánh cứng, đắng, sẫm, không có tơ. Đường vừa tới thì bánh sẽ có tơ vàng óng ánh, dẻo quẹo. Mấy bà già xưa đi coi mắt con dâu tương lai thường thử bánh (được cho là con dâu làm) bằng cách bẻ từ từ ra làm hai, rồi nhè nhẹ kéo ra, bánh đẹp là bánh rời làm hai nhưng tơ còn vương. Bánh mà bẻ kêu cái cụp như cục đất cày là thôi rồi, hỏng!

Thì ra, bánh trái ngó vậy mà nhiều ý nghĩa quá hè – con bé C.L. buông cái khuôn bánh chưng ra, góp lời. Năm ngoái, nó đem mấy cặp bánh chưng về cúng ông nội, mẹ nó nửa tin ngửa ngờ. Năm nay, cả nhóm chụp hình hẳn hoi, có đứa còn cẩn thận quay phim từ đầu đến cuối để “làm chứng”. Bánh Tết không chỉ là... bánh mà còn ẩn chứa ở đó những tầng lớp nhân văn của dân tộc. Tự tay làm bánh để ngày Tết vui hơn, ý nghĩa hơn, nhưng cái chính là dạy cho con cháu, nhất là các cô gái, biết được vốn sống cha ông trong thời đại “a còng”. Và, biết đâu, sắp tới có ai đó đi coi mắt con dâu tương lai thì các cô cũng không phải “nín thở” chờ kết quả từ những bà mẹ khó tính.

VIÊN PHÚC QUÂN


;
.
.
.
.
.