Trời cuối đông, se lạnh và đẹp như đã là Tết.
Chúng tôi được ngồi với nhau trên vỉa hè một con đường mới, chưa kịp đặt tên của thành phố quê nhà, Đà Nẵng.
Với tôi, đó là một sự tình cờ đầy hạnh phúc, một cuộc gặp gỡ nhẹ nhàng, những câu chuyện lan man, không đầu không cuối, không mục đích, kỳ vọng gì cả, chỉ để thăm nhau, thoải mái, mà ai cũng vui tận đáy lòng mình. Tôi nghĩ, anh Nguyên Ngọc, anh Cung Văn, Mai Nhung, anh Lộc và cả Nguyễn Đông, chắc cũng đồng tình như thế, bây giờ ai cũng bận bịu, dễ gì có dịp.
Sao không vui được, giữa cái cuộc sống ồn ào, nhộn nhạo đến thế, mà còn được gặp nhau, ở một cái không gian đẹp, một thành phố đẹp... Nói với nhau về đủ thứ chuyện, tùy thích, còn gì sướng hơn?
Những ý tưởng về báo Xuân của anh Cung Văn, “chuyên gia cầm dùi, gõ mõ cao cấp”, bậc thầy viết sớ Táo quân mỗi độ Xuân về ở làng báo miền Nam, sau một thời gian về quê ở ẩn, kỳ này anh hứa sẽ tái xuất giang hồ…
Anh L. thì giả dụ bây giờ người ta lại giao tờ Văn Nghệ, thì anh sẽ làm gì, thưa anh Nguyên Ngọc?
Lần này gặp lại, tác giả Đất nước đứng lên sắc thái hồng hào, khỏe khoắn, anh cười rất tươi:
- Mình làm Tổng biên tập Báo Văn Nghệ hình như chỉ được năm rưỡi, mà nhiều chuyện quá... đang sưu tập để đọc lại, thử xem có gì hay?
Bây giờ người ta làm mãi và viết quá nhiều mà chẳng có chuyện gì để nhớ, chẳng có gì đọng lại? Anh Đông còn bình, ai cũng làm ngắn như anh Ngọc có khi lại có cái để nhớ!
- Vì muốn làm mãi nên người ta chẳng cần làm gì, chỉ ngồi đấy mà thủ thân, và họ chỉ cần thế thôi mà!
Mọi người có vẻ trầm lại khi chợt nghĩ đến hiện trạng báo chí nước nhà, và rồi lướt qua và chỉ nhắc đến những người làm báo gốc Quảng tài hoa xưa nay, tiêu biểu như Phan Khôi… Và ai nấy đều nghĩ đã đến lúc phải đánh giá lại về Con người ấy, một nhà báo lẫy lừng và cách tân đáng nể phục, xứng đáng đặt tên đường cho ông ấy ở thành phố quê hương.
Đà Nẵng gần đây thêm nhiều con đường mới, có tên chưa kịp nhớ, chưa kịp hiểu gốc tích, công trạng của người xưa. Vui nhất là có khá nhiều con đường đẹp dành đặt cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa như Văn Cao, Xuân Diệu, Tống Phước Phổ, Đào Tấn… Thế mà tiếc, chưa có tên đường Phan Khôi?
Anh Cung Văn rất muốn con đường đẹp ngang qua ngôi nhà mới xây của mình là tên một nhà văn hóa, như Phan Khôi, hoặc Bùi Giáng, Nguyễn Văn Xuân… gì đó?
- Con đường này, hình như dự kiến sẽ mang tên Hồ Nghinh, được không, thưa anh?
- Hồ Nghinh là người có công lớn với đất này… Cũng là một nhà văn hóa, một người bạn lớn của anh em văn nghệ sĩ, một trí thức, một người Cách mạng thật sự… Quá xứng đáng!
Một mảnh đất địa linh nhân kiệt, con cháu của Ngũ phụng tề phi cả đấy, ngày trước cũng đã sản sinh ra không biết bao nhiêu văn nhân tài hoa, những năm tháng chiến tranh khốc liệt như thế, mà vẫn có Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong… Thế mà thời bình, đã gần 30 năm nay, chiêu hiền đãi sĩ mãi… thì thế đấy!
Thầy Xuân đi, thầy Ký đi… và rồi còn ai nữa, những ai nắm giữ chút hồn quê, xứ sở. Không biết mai đây, Đà Nẵng rồi sẽ ra sao? Sức khỏe anh An, anh Chính… lúc này cũng phập phù, đáng ngại.
Lạ nhỉ, nhiều người cũng có nỗi lo như thế, lạnh lưng văn hóa ấy mà.
Dân miền Trung vốn quen tha phương, tìm kế mưu sinh, lập nghiệp ở xứ người, nhưng năm mười năm lại đây, đã có sự chuyển dòng, chảy ngược trở về… Đầu tiên là nhũng người trẻ có chuyên môn giỏi được mời về các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu… doanh nghiệp nước ngoài… Họ rủ nhau về Đà Nẵng, tìm cơ hội mới?
Thỉnh thoảng cũng có tin ông này, bà nọ về kiếm chỗ dưỡng già trốn tránh sự ồn ào, chật chội của Sài Gòn, Hà Nội.
Đà Nẵng bây giờ là thiên đường sống.
Thuở sinh thời, Cụ Hoàng Bích Sơn, Ngoại trưởng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một con người lịch lãm… đã được thành phố Hồ Chí Minh bố trí biệt thự số 4 Phạm Ngọc Thạch, bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, nhưng ông ấy từ chối, vì đã quen với nếp sống của thủ đô ngàn năm… Thế mà cuối đời, đã không cưỡng lại được sự quyến rũ của bờ biển quê nhà xanh mát… Cũng về Đà Nẵng, chỉ tiếc là quá muộn!
Cô Bình, cũng thế, và Đà Nẵng bây giờ là nơi chốn đi về ấm áp của người phụ nữ lừng danh và nhân hậu ấy, về với bà con quê mình, về với các cháu nhỏ yêu thương.
Chỉ cần gặp nhau, trên vỉa hè, trên bờ sông, góc phố… Nơi nào cũng đẹp, cũng tốt. Đất trời đẹp thế, cả đời vội vã, sao không ngồi lại với nhau?
Chỉ cần gặp lại Cung Văn, thấy anh hằng ngày lang thang trên phố phường Đà Nẵng, là vui rồi. Như chiều nay, ngồi nhìn anh Nguyên Ngọc nói cười sảng khoái, dí dỏm… là vui, là say được rồi, phải không anh Đông, anh Lộc?
Đà Nẵng đất lành.
Đất nước đang vào Xuân, hoa lại nở, chim lại về làm tổ, sinh sôi.
Và cả những cánh chim đại bàng, báo bão một thời… Cũng sẽ lại quay về chốn cũ, quê hương, trân trọng.
Khi đã sức tàn, lực cạn, không còn nhớ được gì nữa cả.
Chỉ còn lại, nỗi nhớ quê nhà!
Khi không còn đủ sức mơ đến những chân trời xa lạ.
Thì cũng chỉ còn một nơi chốn lui về, là Đất Mẹ quê hương.
Và thế là hạnh phúc, chiều nay, Đà Nẵng bên nhau, bè bạn.
Đà Nẵng, chiều cuối 2009
DƯƠNG ĐĂNG CAO
.
.
Cuối năm trở lại quê nhà
Thứ Bảy, 30/01/2010, 07:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.