.

Đêm mưa Hà Nội

Nhớ lời hẹn hò khi rời Hà Nội, hết chiến tranh trở về gặp nhau tại Thủy Tạ Bờ Hồ. Và ai đó trong số chúng tôi không còn bao giờ trở lại, thì coi đây là ngày tưởng nhớ bạn bè… Một ý đẹp nhuốm chút gì như bi tráng ấy, ngỡ là đơn giản. Chiến tranh không còn nữa, từ mọi chiến trường chúng tôi về Hà Nội. Nhưng chúng tôi phải đợi tới 30 năm sau mới có ngày gặp mặt đông đủ. Nhìn lên mái đầu, tất cả đã ngả màu muối tiêu. Duy có nụ cười thì sáng trong và những ánh mắt thì vẫn như xưa, nheo nhìn tinh quái.

Chính năm ấy chúng tôi tìm về căn hộ của Long ở mé sông Hồng. Một gia đình nghèo, lam lũ quanh năm, dễ mấy khi giao tiếp, chuyện trò đây đó. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được nhà anh, thắp hương nhân dịp họp mặt bạn bè. Hôm đó có nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, PGS. TS Nguyễn Đức Cường và mấy người bạn khác. Trong đó, Nguyễn Thế Khoa là người bạn gần gũi nhất với Nguyễn Văn Long, từ ngày học với nhau ở đại học. Còn Oanh, Cường và tôi thì quen Long khi cùng tập trung để chuẩn bị cho chuyến vào chiến trường năm 1970. Khoa nói, nơi này giờ đã có đường, xe máy, ô-tô có thể qua lại tưng bừng, nhưng xa xưa, thậm chí xe đạp len lách vào xóm e cũng khó. Còn mùa mưa, nước sông, ao hồ duềnh lên thì không biết cả xóm chạy đi đâu. Vậy mà khi nghe Khoa đọc thơ Long, tôi không thể nghĩ, trong cuộc sống lậm lụi nao lòng ấy, lại có chỗ cho một tâm hồn trong trẻo, đáng yêu đến thế.

Bắt đầu từ xóm nhỏ ven đê
Nơi có vòi nước thường đêm hay hỏng
Ôi cái xóm nghèo, xóm khổ ngày xưa
Mẹ nhắc tới mà khôn cầm nước mắt
Thành phố ốm đau, đây là nơi dao cắt
Đất nước đang qua những năm lửa cháy
Con trai xóm tôi theo nhau lên đường
Cái xóm còn nghèo nhưng giàu lắm yêu thương
Giàu khả năng đánh giặc
Mai ngày về dựng xây …

Nhưng Long đã lỗi hẹn. Ngày xóm nghèo của anh dựng xây, Long không còn về được nữa. Chúng tôi đi, còn Long đành ở lại mãi mãi với núi rừng Trường Sơn, trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Tiếc nuối và thật đau lòng khi biết Hà Nội đã mất đi một nhà thơ chưa kịp tỏ bày hết tình yêu ấp ủ trong trái tim ấm áp, dịu dàng. Lần giở lại mấy trang nhật ký chiến trường, tôi có ghi ít dòng về Long như một linh cảm, chỉ có điều, ngày ấy tôi ngại ngùng để không nói ra thành lời.”23.5.71 Trạm 53 sang 54: Dốc cao, dựng đứng. Quả là mệt .

Nguyễn Văn Long đoàn 4 nằm lại ở trạm 54. Đây là rốn muỗi, sốt rét nặng nề nhất. Long không qua được mất thôi. Xanh quá. Chia tay. Long ôm lấy bọn mình, như không muốn buông ra. Long là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào chiến trường Nam Bộ. Long còn trẻ, nhưng thơ anh sâu và đằm thắm. Đêm hôm đó Mai, bạn tôi ra chiều nghĩ ngợi mông lung. Võng hắn động cựa đến gần sáng. “Diễn à, Long khó qua được lắm. Tao linh cảm. Một cảm giác rất lạnh khi hắn ôm lấy tao”. Mai thì thào qua võng tôi…”.

Long thật ít nói, thường bị bạn bè trêu chọc. Anh chỉ cười, rụt cổ. Có lẽ vì cái rụt cổ khiêm nhường ấy mà đám bạn gọi anh là “Long Voi” chăng. Anh dường như không mấy khi phô thơ mình ra cho ai biết, trừ một vài người bạn chí thân, chí thiết. Trong số đó, gần gũi và chia sẻ với Long nhiều nhất là Nguyễn Thế Khoa. Tôi biết được đôi bài thơ của Nguyễn Văn Long cũng từ Khoa. Anh đọc thơ Long như đọc chính thơ mình, xúc động và có lẽ vì thế mà có sức truyền cảm đến lạ lùng, truyền cảm đến rưng rưng.

Em gái ơi
Tan ca ba em về qua nơi đây
Ghé rửa mặt dưới vòi nước mát
Có thấy tương lai gần và thật tựa bàn tay.
Vòi nước mát ấy cũng chỉ trong mơ ước. Ngày Long lên đường, vòi nước đã hỏng mất rồi.
Bắt đầu từ xóm nhỏ ven đê
Nơi có vòi nước thường đêm hay hỏng…

Những năm chiến tranh, lớp lớp thanh niên giã từ Thủ đô yêu dấu để đi đánh giặc. Nhiều người trong số họ không trở vể, trong đó có Nguyễn Văn Long, bạn của chúng tôi. Có thể tên họ không có nơi bia đá ngàn thu. Những buổi vinh danh trang trọng, nhiều người không được xướng danh tên họ. Nhưng không một ai trong số họ là vô danh. Mãi mãi trong trái tim chúng tôi có đôi mắt Long, có nụ cười như trẻ thơ của Long. Trong mỗi trái tim bè bạn, họ là ngọn lửa kết chặt chúng tôi thành anh em, bạn bè, thành niềm kiêu hãnh. Mà niềm kiêu hãnh ấy, không dễ trong đời, ai cũng có. Một trái tim để lại nơi chiến trường, và từ những năm tháng ấy dường như trên đất nước nơi đâu cũng lấp lánh những ngọn lửa kết tinh từ tình yêu Hà Nội. Vâng, anh ra đi và mang trong lòng mình một tình yêu Hà Nội như thế.
 
Trời mưa to vào đêm bạn ra đi
Mưa làm vắng những hè đường Hà Nội
Trong trăm tiếng mơ hồ mưa dội
Có một điều gì đó rất nghiêm trang…

Đúng thế đấy Long à. Và “Để giọt mưa lành đọng lại trong bàn tay”, vào năm 1968, nghĩa là khi chàng trai của xóm nghèo Hà Nội tròn 20 tuổi, Anh đã nói với riêng mình, “Ta mang điều nghiêm trang ra đi…”

NHƯ NGUYỄN

;
.
.
.
.
.