Địa danh là một trong những đề tài lý thú đối với bất cứ địa phương nào. Việc khảo cứu các địa danh tự nhiên, địa danh hành chính, địa danh công trình công cộng hay địa danh văn hóa đối với một vùng đất luôn đem lại nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Đối với Đà Nẵng, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc với bao lần hiển hách, song để tiếp cận các nguồn tư liệu còn lại đến ngày nay, cũng như lý giải và hiểu rõ nguồn cơn của từng địa danh thật không hề dễ đối với bất kỳ người nào.
Cửa động Huyền Không xưa. (Ảnh tư liệu) |
Đặc biệt hơn, mới đây chúng tôi có dịp tiếp cận các phông tư liệu về loại hình tư liệu cổ chí - xã chí, trong đó có rất nhiều làng, xã của Quảng Nam và Đà Nẵng. Tư liệu được viết bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và cả chữ Pháp. Nội dung chính là một cuộc điều tra tổng quát tình hình, đặc điểm, hệ thống thiết chế văn hóa (đình chùa miếu vũ), sinh hoạt lễ nghi làng xã của Quảng Nam, Đà Nẵng từ năm 1944 về trước. Nhiều tập tư liệu, thần phả về Đà Nẵng, Hòa Vang được đóng thành tập và lưu giữ khá cẩn thận. Chính tư liệu này cho thấy nhiều làng, xã của Quảng Nam-Đà Nẵng xưa nay đã không còn nữa. Ví dụ như: Tập tài liệu gồm 6 xã chí tổng Đại An, Duy Xuyên, Quảng Nam là: Đại Phú, Đông Lâm, Phú Hương, Hà Tân, Đại Thanh, Lộc Trường. Tập khác đề cập đến 15 xã, thôn ở vùng Hội An, Điện Bàn như: phường Điện Hội, phường Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong, Tân Hiệp, Đế Võng, Sơn Phô, An Mỹ, Thanh Nam, Thanh Đông, Thanh Hà, Kim Thành, La Qua, Long Xuyên, Bàng Thạch. Đó là chưa kể nhiều sử liệu quan trọng và lý thú liên quan đến các làng thuộc tổng Giáo, tổng Bình Thái, tổng An Lưu… thuộc Hòa Vang và Đà Nẵng.
Từ những tư liệu trên, có thể giúp ta phần nào lý giải, làm rõ nguồn cơn của các địa danh thuộc Đà Nẵng, ví như tên gọi “Đà Nẵng” cũng đã hàm chứa nhiều bí ẩn khó lý giải. Người thì cho rằng Đà Nẵng xuất phát từ chữ Danak (theo nghĩa “sông lớn” của người Chăm); người thì lý giải: Trong chữ Hán, chữ Đà (có bộ thủy) có nghĩa là nhánh sông hoặc sông nhánh; chữ Nẵng (có bộ nhật, còn đọc là nãng) có nghĩa là xưa kia, ngày xưa. Đà Nẵng có nghĩa chung là “Ngày xưa là nhánh sông”, hoặc “Nơi đây xưa kia là nhánh sông bị bồi lấp”. Đó là chưa kể, người ta còn gọi Đà Nẵng là Cửa Hàn mà chữ “Hàn” này cũng lắm nỗi nhiêu khê, khó ai cắt nghĩa tường tận được. Mới đây, tôi có dịp tiếp cận vài tấm bản đồ cổ về Đà Nẵng (một bản vẽ vào năm 1858 và một bản được vẽ năm 1902). Điều thú vị là: hòn đảo nhỏ nằm ngay cửa vào Đà Nẵng chúng ta gọi là Sơn Chà Nhỏ, trong dân gian gọi là Hòn Hành thì trong các bản đồ của Pháp lại gọi là Cù Lao Hàn!
Một đặc điểm dễ nhận thấy về các địa danh của Đà Nẵng là: nhiều địa danh hành chính lại cũng là địa danh tự nhiên như: Cẩm Lệ là quận, song cũng là sông và cũng là làng; Ngũ Hành Sơn là quận, song cũng là núi, cũng là địa danh văn hóa, lịch sử… Đó là chưa nói, một làng có bao nhiêu xóm, một xóm có bao nhiêu gò đồi, khe, suối, di tích… liên quan đến tâm tư, tình cảm và lịch sử của cả dân tộc. Đà Nẵng không rộng song địa danh thì khá nhiều và phức tạp, nhiều địa danh ra đời, mất đi, hoặc do biến âm chuyển ngữ qua từng giai đoạn lịch sử rất khó cho việc phân định rõ (Bà Thân hay Hà Thị Thân), Mân Quan hay Mân Quang? Thúy Loan hay Túy Loan? Một dòng sông chảy qua mỗi làng lại được gọi mỗi tên khác nhau: Sông Yên, sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ… thực chất là mấy sông? Đó là chưa nói, nhiều địa danh đã được lịch sử địa phương định danh, song làm cho sáng tỏ thì đến nay vẫn là bất khả kháng. Cụ thể: huyện Diên Phước gồm những làng xã nào của Đà Nẵng xưa và nay? Tên gọi Đà Nẵng là Turon, Turan hay Tourane? Ải Vân hay Hải Vân?…
Tôi chưa tán đồng hoàn toàn lý giải của một thầy giáo Hán Nôm ở Đại học Đà Nẵng, khi anh luận giải tên gọi Mân Quan (nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), song sự lý giải của anh cho thấy tinh thần say mê địa danh và sự nghiên cứu địa danh rất nghiêm túc. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, qua các thư tịch cổ hoặc theo cách ghi của Quốc sử quán triều Nguyễn khi đề cập đến Mân Quan của Đà Nẵng thì “Mân Quan” là cửa ải có nhiều đá. Tuy nhiên, theo nhà nguyên cứu trẻ nói trên, sau khi đưa ra nhiều giả thiết và luận cứ khác nhau, cũng như căn cứ vào các gia phả của các tộc tiền khai khẩn của Mân Quan, cho rằng: “Mân” ở đây có nghĩa là “Mân Việt”, chỉ bộ tộc người ở vùng Hoa Nam (cụ thể là Phúc Kiến) Trung Quốc. Như vậy, địa danh Mân Quan có lẽ có yếu tố Hoa. “Mân Quan” sẽ có hai cách cấu tạo. Cách 1: “Mân” và “Quan” là quan hệ đồng cấp (đẳng lập), mỗi từ tố giữ một ý nghĩa, gộp cả hai nghĩa của hai từ tố để chỉ vùng “Mân” và vùng “Quan” đều thuộc đất Trung Quốc. Như vậy, “Mân Quan” có thể hiểu là “cửa (cửa ải) có bộ tộc/người Mân (tức người Hoa) sinh sống”.
Từ những cảm nhận trên, có thể thấy một thực trạng đáng buồn hiện nay về địa danh tại Đà Nẵng là: Tình trạng “diễn nôm” địa danh ở đây ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều mẩu chuyện đã được đăng trên báo, tạp chí, thậm chí in thành sách tại Đà Nẵng đã diễn nôm các tên gọi làng xã tại đây đến mức khôi hài như: Cẩm Lệ là… nước mắt đẹp, Túy Loan là con chim loan do say mà múa. Đò Xu do mỗi lần qua đò phải trả 1 xu, Mỹ Thị là người đàn bà đẹp… Mong sao, một ngày nào đó chúng ta có được một bộ từ điển địa danh một cách hệ thống, đầy đủ cho thành phố quê hương.
LƯU ANH RÔ