.

Nếm Tết của một người xứ Quảng

Bác Sinh là bạn vong niên của vợ chồng tôi. Bác mất hồi trong năm khi vừa tròn chín mươi tuổi. Ngày đưa bác về cõi vĩnh hằng, con cháu, bè bạn và những người thân quen đều về tụ tập đông đủ. Cùng ngồi bên linh cữu bác, nhâm nhi tách trà Bắc, nghe hát bội và ngậm ngùi lắng nghe bước chân của mùa xuân đang trở lại. Một năm cũ sắp qua, Tết sắp tới. Tết đầu vắng bác.

Bao nhiêu năm quen biết bác là bấy nhiêu năm cùng bác đi qua những cái chạp hết sức ý nghĩa. Quả thật là rất ý nghĩa. Tôi chưa hề biết có một ai đó có được cái tâm thế tuyệt hảo đến ngần ấy khi đón Tết. Bác chuẩn bị cho mình những khoảng lặng khi mùa đông trở về và nỗi nhớ ùn lên nơi trái tim của một người con xa xứ, vốn nặng lòng với quá khứ và rất nhiều kỷ niệm ấu thơ.

Quê của bác ở Quảng Nam nên Tết nhà bác thời bây giờ mà cứ như thủa xưa. Không bánh tét không bánh tổ không bánh nổ không bánh in. Tết chi? Bác gặng hỏi và đám con cháu cúi đầu. Vậy là mấy anh chị em cùng xúm lại bàn soạn với nhau rồi phân công. Người gói bánh tét, người rang cốm làm bánh nổ, người dện bánh in... Bác rưng mi nhìn con cháu xếp bánh trên bàn thờ cúng và bưng hai tay mời: “Cha dùng thử chút bánh quê tụi con làm”. Bác rướn đôi lông mày bạc trắng: “Bánh quê à! Ui cha! Hay quá! Bay thấy không, hay quá!”. Bác ăn có xíu xiu. Nói mình đã quen như vậy. Cái kiểu ni đâu phải kêu là ăn Tết. Vậy thì kêu chi? Tôi chưa kịp trả lời, bác đã chậm rãi biểu là thưởng thức.

Bác nhấm nháp chung rượu gạo. Bác nói rượu Hồng Đào, Quảng Nam mình ngon cách khác mà rượu Bàu Đá, Bình Định lại ngon một cách khác. Nhưng phải là Bàu Đá ủ nếp kêu là nếp bọt mới là độc đáo. Rượu đằm sâu nhưng vẫn ngót. Lại thơm, thoảng, nhẹ... hợp với lớp trung niên trở lên. Tau trên trung niên. Tau già mà vẫn uống được Bàu Đá. Là khỏe hung rồi. Sung hung rồi. Mấy người già cỡ ni rượu nho chắc chi đã kham nổi? Nói rồi cười rổn rảng. Tiếng cười chắc và vang. Ấm lạ cõi lòng chúng tôi. Ấm lạ gian nhà nhỏ với hương Bàu Đá thoảng thơm lãng đãng những sớm đầu năm lành lạnh. Hồi còn bác gái và khi bác còn khỏe, bác vẫn phụ vợ làm tré, gói chả bò. Bác gái mất, bác kêu con gái đầu và dâu đầu lại biểu: “Miễn. Món ngọt là được rồi. Bánh trái thì phải giữ. Còn nem chả. Món mặn. Thôi hỉ? Miễn. Cha ăn mấy miếng. Các con thêm cực”.

Không nhà làm thì đi mua. Gần Tết các con bác nhờ người bà con ngoài Đà Nẵng mua cho mấy chục tré ở nhà bà Đệ rồi ký chả bò ở cửa hiệu Hải Phòng. Còn trong năm có hồi nào rảnh là chị con gái về nấu cho cha tộ canh hến hay trộn cho cha đĩa gỏi mít non. Gỏi, cha không ý kiến nhưng canh cha ngậm ngùi: Hến ni đâu phải hến Cồn ngoài mình. Thôi! Rứa cũng được. Để đỡ nhớ quê.

Bác Sinh mê hát bội lắm. Hỏi lý do, bác hấp háy cặp mắt: “Hát bội ai không mê, mi?”. Rồi thủng thẳng đọc: “Tai nghe trống chiến trống chầu. Xếp ba hột đậu phộng lộn đầu lộn đuôi”. Hồi còn khỏe, tuần nào bác cũng đi coi một lần. Ghiền quá thì phải mua vé vô trường hát coi. Bác không kêu rạp kêu nhà hát mà kêu trường hát. Ngoài Đà Nẵng có trường hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Còn Bình Định có trường hát Đào Tấn với ngần ấy khuôn mặt, nghệ sĩ. Hết diễn trong thành phố lại ra tới nhà quê. Hết diễn xa tới diễn gần. Hết lên miền núi lại xuống đồng bằng. Bác nói trước nhiều hội hát bội lắm. Bác nói chọn Bình Định lập nghiệp cũng vì mê một cô đào ở hội Phò An. Bác nói theo cô ấy đi cùng. Nói rồi sửa giọng kể thành vè:

“Rằm giêng hát hội Phò An
Đến ngày mười bảy hát sang Chùa Bà
Hai mươi, hai mốt, hai ba
Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàn
Chim kêu trên núi Chà Rang
Em đi xem hát giần sàng mốc meo”

Hỏi, sao không lấy cổ? Bác tủm tỉm cười với hàng răng trống không vì rụng hết. Cái cười y hệt như của chàng trai mới ngoài đôi mươi với sức sống và tình yêu dâng tràn chứ không phải của ông lão đã gần tuổi chín mươi và cái chết rình rập đêm ngày. Bác mê hát bội cả năm và mê hơn, khi tới Tết. Trong ba bữa đầu xuân, thể nào bác cũng thu xếp một mùng để biểu con cháu mua vé tới trường hát coi. Còn ở nhà. Đã có cái máy hát cũ và những cuộn băng cát-sét với đủ tuồng tích xưa lẫn nay. Bác mở máy khi vừa qua giao thừa và cứ vậy mở suốt... tháng giêng. Tết tới nhà bác để thưởng thức tách trà Bắc. Để nhâm nhi vài ba chung rượu Bàu Đá nếp bọt. Gắp miếng nem tré Đà Nẵng. Ăn miếng bánh tổ, bánh in... xứ Quảng. Nghe hát bội trong một tâm thế hết sức sảng khoái, tuyệt vời.

Được như bác, dễ có mấy ai? Và từ bác tôi bỗng nhớ đến Didier Corlou, một đầu bếp nổi tiếng người Pháp. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trong một ngày cận Tết cách đây đã mấy năm, trả lời câu hỏi của báo chí, D. Corlou có nói: “Hãy ăn ngon miệng nhưng đừng ăn nhiều vì sẽ mập ù. Bởi đó thay vì ăn Tết hãy... nếm Tết”. Có một người tôi biết cũng ăn Tết có xíu xiu với sự thưởng thức cực kỳ tinh tế. Nghĩa là đã rất biết... nếm Tết. Một người xứ Quảng vừa ra đi và bài này được viết để xin viếng vong linh bác: Bác Sinh.

MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.