.

Căn nhà của Anne Frank ở Amsterdam, Hà Lan

.

Bức tượng đồng nhỏ tạc hình cô bé Anne Frank, 14 tuổi, đặt ở số 267 đường Prinsengracht, Amsterdam, Hà Lan là nơi thu hút nhiều du khách các nước trên thế giới đến đây, khi có dịp. Căn nhà trưng bày những di vật của gia đình, những chứng tích của chiến tranh và ý nghĩa nhất là du khách đứng chụp ảnh kỷ niệm bên cạnh bức tượng mang tên cô bé lừng danh thế giới với cuốn nhật ký bất hủ về những kinh hoàng trong đời sống lẩn trốn cuộc thanh trừng, tàn sát người Do Thái của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tượng Anne Frank.

Nhân sinh nhật lần thứ 13 của mình, Anne Frank có được một quà tặng nhỏ, bình thường mà bất cứ ai cũng có thể có: một cuốn sổ tay. Cô bé người Do Thái sống trong giai đoạn thống trị của Đức Quốc xã mơ ước trở thành nhà văn, rất sung sướng với quà tặng của mình, Anne Frank khoe với chị: Em sẽ viết nhật ký, em sẽ không đặt tên cho cuốn nhật ký của em một cái tên hoa mỹ như nhiều người, em đặt cho nó một cái tên giản dị: Nhật ký của tôi. Hai hôm sau, cô bé bắt đầu viết.

Anne Frank cùng gia đình bị giam trong trại tù Bergen - Belsen, tuy nhỏ hơn so với trại tập trung Auschwitz, nơi giết tù nhân bằng hơi ngạt, trại giam Bergen - Belsen không kém phần kinh hoàng cảnh bắn bỏ hàng loạt, treo cổ, giam đói hay để cho tù nhân người Do Thái chết dần chết mòn vì bệnh tật. Trong trí nhớ mờ nhạt của bà Irma S. Menkel, nay gần một trăm tuổi, sống sót trở về từ trại tập trung, bà kể: Tôi chứng kiến những phút cuối cùng của Anne - cô gái nhỏ nhắn, yếu ớt đang thều thào nói với bà - tôi bị ốm… chỉ nói được vài câu thì Anne hôn mê.

Sau bảy tháng bị giam giữ ở trại tập trung của Đức, Anne Frank chết vì bệnh sốt phát ban, trước khi quân đội đồng minh Anh và Canada phóng thích trại giam giữ người Do Thái này vào hai tuần lễ sau.

Vào lúc đó, không ai hay biết đến cuốn nhật ký của Anne Frank, ngoại trừ bà Miep Gies, nhân viên trợ lý công việc kinh doanh của gia đình Anne, đã thu giấu và bảo vệ cuốn nhật ký cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Cuốn nhật ký được giao lại cho Otto Frank, cha của Anne. Người cha đã cho in cuốn nhật ký vào năm 1947. Sang đến năm 1952, cuốn nhật ký được chính thức xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh, dưới tựa đề “Nhật ký của một cô gái trẻ”, những lần xuất bản sau, cuốn sách được đặt lại tên “Nhật ký của Anne Frank” cho đến nay. Được dịch sang 60 thứ tiếng, thu hút người đọc vì sự hấp dẫn, lôi cuốn của cuốn ghi chép về cuộc sống lẩn trốn, kinh hoàng của chính gia đình cô trước nạn diệt chủng người Do Thái.

Bà Miep Gies vừa từ trần ở tuổi 100, trước mùa Giáng sinh năm ngoái. Bà được xưng tặng nhiều danh hiệu cao quý và nhiều giải thưởng qua hành động lén lút giúp đỡ lương thực, che giấu nhiều nạn nhân người Do Thái và nhất là đã gom nhặt và gìn giữ từng tờ rơi ghi chép của Anne Frank.

Trong không gian lưu trữ kỷ niệm căn nhà mang tên Anne Frank, người đến thăm có thể mường tượng đến sự can trường và sức chịu đựng của cô bé nhỏ tuổi trước giai đoạn bạo lực của phát xít Đức, lòng yêu văn chương cháy bỏng và khó kiềm chế khi đứng trước những trang viết tay nắn nót sắc sảo nằm lặng lẽ cùng những cành hoa tươi bên trang bìa hồng, bản gốc tập nhật ký-Nhật ký Anne Frank.

HOÀNG ĐẶNG

 

 

;
.
.
.
.
.