.

Giá trị của nữ giới là gì?

.

Đó là tựa đề mà phóng viên nữ Jessica Sherpherd của tờ Guardian (Anh) đã viết sau chuyến đi đến Ghana. Theo số lượng thống kê của Tổ chức Phát triển quốc tế, toàn thế giới có khoảng 41 triệu bé gái chịu cảnh thất học, trong đó, lục địa đen chiếm đúng một nửa, trong lục địa đen thì Ghana là quốc gia dẫn đầu về “thành tích” này.

Một bé gái hiếm hoi học toán với những nắp chai. 

Cứ một tuần 3 buổi, cô bé 12 tuổi Abigail Appetey lại phải dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ mua cá cách nhà khoảng 8km rồi đem bán ở gần trường học của em ở Apimsu. Nghiệt ngã ở chỗ, Appetey phải làm như thế theo lời cha mẹ để kiếm tiền cho anh trai 20 tuổi Joseph tiếp tục học hành. Cha mẹ em bảo rằng, sau khi bán xong em sẽ đi học, nhưng công việc đối với Appetey quá nặng nhọc đã làm em không còn đủ sức để tới trường. Vậy là giấc mơ trở thành của cô giáo của Appetey đã tan thành mây khói.

Riêng tại Ghana, kết quả thống kê cho biết 91% bé trai và 79% bé gái học xong tiểu học. Càng lớn lên, tỷ lệ càng bóp nhỏ một cách nhanh chóng: lên đến trung học thì nam sinh chỉ còn lại 65% và nữ là 54%. Ngay tại ngôi làng của Appetey, nghèo nhất Ghana thì chỉ có đúng 5 bé gái còn đi học. Thử hỏi thu nhập trung bình của 90 nghìn người dân nơi Appetey ở chỉ ở mức từ 15 tới 20USD mỗi tháng thì làm sao trang trải nổi cuộc sống chứ nói gì đến chuyện ăn học. Thực tế, trường học ở Ghana xuống cấp nghiêm trọng, không có nhà vệ sinh, không đủ sách giáo khoa và giáo viên phải viết bài giảng lên tường. Thậm chí có nhiều loại sách từ thập niên 50 của thế kỷ trước vẫn còn được sử dụng

Cũng phải nhìn thấy được Chính phủ Ghana đã rất nỗ lực để đầu tư vào giáo dục nhưng đó vẫn còn là “muối bỏ bể”. Họ đầu tư với mức 150 USD/năm cho mỗi học sinh tiểu học nhưng cha mẹ vẫn phải trả tiền sách bài tập, áo quần đồng phục và tiền thi cử. Với thu nhập quá ít ỏi như thế, chuyện bỏ học gần như là đương nhiên. Người dân vùng quê Ghana hầu như sống không có điện và nước sạch. Nếu có chút điều kiện thì đương nhiên nam được ưu tiên nhiều hơn nữ. Chính vì thế, chuyện nữ sinh thất học tràn lan để đi kiếm tiền lại càng dễ hiểu hơn.

Dự án đầu tư giáo dục mới ở Ghana có tên là Plan. Người đứng đầu dự án Joseph Appiah cho biết, cuộc sống khó khăn là nguyên nhân chính buộc trẻ em bỏ học. Nhưng tình trạng bé gái thất học nhiều hơn nam một phần vì định kiến xã hội. Hầu hết các bậc phụ huynh đều nghĩ rằng sau khi con gái lập gia đình sẽ là người của gia đình khác nên không phải lo lắng nhiều chuyện tương lai. Hơn nữa, trong cuộc sống ở nông thôn cần có bé gái ở nhà để chăm sóc gia đình. Ngay lúc mới 7 tuổi, các bé gái đã biết cách chuẩn bị bữa ăn hằng ngày trong gia đình. Các em còn phải gánh vác công việc nặng nhọc như đi vài km để kiếm nước sạch, đi buôn bán lẻ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Những công việc nặng nhọc đó đã chiếm gần hết quỹ thời gian nên dù có muốn đi học các em không đủ sức để vừa đảm việc nhà vừa có thể đến lớp học hành.

Trong 5 kỳ bầu cử vừa qua, Ghana đã chứng tỏ được sự ổn định về chính trị và dần phát triển nên tiếp nhận được nhiều nguồn tài trợ, trong đó có dành cho giáo dục. Chính phủ Ghana đã kêu gọi người dân hãy nỗ lực “cởi trói” chuyện học hành cho các bé gái, nhưng đó là vấn đề tư tưởng nên rất cần thời gian để chuyển biến. Sự công bằng giới tính vẫn chưa thể thoát khỏi đầu óc các bậc phụ huynh, nhất là ở nông thôn. Với họ, giá trị nữ giới vẫn chỉ là suốt đời quanh quẩn trong ngôi nhà với công việc nội trợ.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.