.

Cách tìm việc làm

.

Cuối những năm 60, từ Quảng Nam, gia đình ông Huỳnh Tri cùng vợ con dắt díu nhau ra Đà Nẵng sống chen chúc tại khu vực gần bãi rác Khánh Sơn. Hằng ngày, vợ chồng ông thay nhau đi rừng lấy củi, bới rác tìm phế liệu về bán. Cuộc sống của gia đình ông sẽ mãi như thế, nếu như không có một ngày, thành phố ra quyết định giải tỏa một diện tích lớn đất đai để lập bãi rác Khánh Sơn mới, rộng hơn 50ha, cách bãi rác cũ chừng 500m.

Không cho phép mình hoang phí

Cuộc sống khá hơn, ông Huỳnh Tri đã có nhiều thời gian rời phố để thăm thú quê nhà. 

Những hệ lụy trong vấn đề giải quyết lao động, việc làm thời “hậu giải tỏa” gần 15 năm trước tại các khu dân cư (KDC) mới như An Trung-An Mỹ, Đầm Rong, Thạc Gián-Vĩnh Trung… đã trở thành bài học quý giá cho nhiều hộ dân cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng. Những năm đầu sống tại khu tái định cư, mất đất sản xuất, nhiều người rơi vào cảnh “ăn không, ngồi rồi” trong khi tiền trong túi không còn, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Hiện nay, bài học ấy đã được chính người nông dân rút kinh nghiệm để tránh rơi vào tình cảnh cũ. Gia đình ông Huỳnh Tri, phường Hòa Khánh Nam nói trên là một ví dụ. Ông nhớ: “Ngày cầm tiền đền bù về nhà, gia đình chúng tôi đã họp lại để tìm cách làm ăn, không cho phép mình tiêu hoang phí”. Con đường Hoàng Văn Thái rộng 15m được xây dựng, căn nhà gia đình ông đang sống bị đập bỏ hơn 1/3 diện tích để bàn giao mặt bằng. Với số tiền đền bù, anh Quảng, con trai ông vay thêm vốn ngân hàng mua một xe tải nhỏ, hằng ngày lấy hàng từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam về bán cho các mối hàng tại Đà Nẵng. Có đồng ra đồng vô, anh tiếp tục đầu tư mở rộng cửa hàng tạp hóa tại nhà. Đến nay, cửa hàng tạp hóa nhà ông Tri có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho bà con trong vùng. Gia đình ông đã dần gây dựng được một cuộc sống khá hơn, tốt đẹp hơn nhờ vào sự chắt chiu từng đồng bạc đền bù của Nhà nước.

Mới đây nhất, tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có 80% hộ dân (trong tổng số 2.450 hộ) thuộc diện di dời, giải tỏa để nhường 848ha đất cho 13 dự án. Trong khi đó, toàn phường có hơn 90% hộ sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi ngành nghề trở thành vấn đề được người dân và các cấp chính quyền quan tâm nhiều nhất. “Đi tắt, đón đầu”, nhiều hộ nông dân chưa giao đất nhưng bước đầu đã chuyển đổi ngành nghề sang trồng hoa, cây cảnh trong chậu để có thể trồng ngay trong khuôn viên nhà mình. Theo ông Lê Văn Giới, tổ 2, phường Hòa Xuân, công việc trồng cây cảnh, trồng hoa cũng khá quen thuộc với bà con nông dân. Chỉ cần tham gia thêm vài khóa hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc do Hội Nông dân tổ chức là bà con chúng tôi có thể nắm bắt được.

Trao đổi về việc hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi ngành nghề trong thời gian tới, ông Hồ Văn Khoa, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Cẩm Lệ nói: “Vừa qua, quận đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tư vấn cho hơn 300 người về định hướng nghề nghiệp, mở 2 lớp đào tạo nghề cho gần 80 người ở độ tuổi lao động. Lao động lớn tuổi sẽ tổ chức các lớp ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ vốn vay, điều kiện về mặt bằng để họ chuyển sang buôn bán, làm dịch vụ…

Điều chỉnh tiền hỗ trợ, tăng chất lượng dạy nghề

Một buổi giới thiệu các khóa đào tạo việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ tại Đà Nẵng.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, trong năm 2009, Sở đã trực tiếp quản lý việc dạy nghề cho 4.041 đối tượng lao động đặc thù. Trong đó có 1.675 đối tượng trong diện bị thu hồi đất, di dời, giải tỏa. Hiện nay, Sở đang liên kết với 14 cơ sở dạy nghề với 25 ngành, nghề như may công nghiệp, may dân dụng, cơ khí, điện tử, điện lạnh, bartender, buồng, bàn, mỹ nghệ mây tre đan, sửa chữa xe gắn máy, điện thoại di động, máy vi tính, chăm sóc người già…

Tiếp xúc với một giáo viên tại Trung tâm Giới thiệu việc làm các khu công nghiệp, chúng tôi thấy, phần lớn các học viên nam thường chọn nghề sửa chữa điện thoại di động, máy vi tính, điện lạnh vì cho rằng đây là những “nghề sang”. Tuy nhiên, trong quá trình học cũng như tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của xã hội, các học viên này lần lượt “rơi rụng”, đến cuối khóa chỉ còn vài ba người theo học. Thực tế này xảy ra ở hầu khắp các ngành nghề, ở khắp các trung tâm đào tạo việc làm miễn phí cho thanh niên.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Phòng việc làm của Sở cho biết, trong năm 2010, dựa vào Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND về quy định chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với lao động trên địa bàn TP. Đà Nẵng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010), Sở có kế hoạch dạy nghề cho 2.900 đối tượng là lao động nông thôn, diện di dời, giải tỏa. Như vậy, số lao động học nghề giảm, nhưng bù lại, số tiền hỗ trợ và chất lượng dạy sẽ tăng, sẽ được điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Cùng chung vấn đề việc làm, ông Nguyễn Thành Nhân, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn quận có 191 hộ thuộc diện di dời, giải tỏa có nhu cầu vay vốn để ổn định sản xuất. Điều này cho thấy, rất nhiều hộ nông dân sau khi mất đất sản xuất đã quay ra làm dịch vụ, thuê đất làm trang trại tại một số xã, phường thuộc huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu.

Ông Nguyễn Công Tố, 57 Nguyên Hồng, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê), một trong những hộ nông dân chuyển sang buôn bán, làm dịch vụ trên địa bàn chia sẻ: Sau khi nhận quyết định về sống tại khu tái định cư phường Hòa Khê, gia đình ông đã đi khảo sát và quyết định mở dịch vụ photocopy để phục vụ đối tượng là học sinh, sinh viên đang sinh sống trên địa bàn. Từ dịch vụ photocopy, ông dần mở rộng dịch vụ đánh và soạn thảo văn bản. Sau gần 3 năm, cuộc sống của gia đình ông đã đi vào ổn định.

Có lần, trong một chương trình truyền hình trực tiếp “Cùng chúng tôi đối thoại” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, vị lãnh đạo cao nhất thành phố từng nêu ra một dẫn chứng đáng buồn: “Vào bất cứ giờ nào trong ngày, tại nhiều quán café, người ngồi uống rất đông. Không phải tất cả đều thất nghiệp đâu, nhiều người có việc nhưng không chịu làm mà chỉ muốn những việc làm nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn, trong khi trình độ tay nghề của họ chưa đáp ứng được”. Phải chăng, những trăn trở của vị lãnh đạo này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, còn nhiều thanh niên thành phố hiện nay rất lười lao động, trong khi số lượng lao động người Đà Nẵng ở nhiều KCN trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn.

Từ những hộ nông dân đã thành công trong việc chuyển đổi ngành nghề, chúng tôi bỗng nghĩ rằng, còn khá nhiều hộ vẫn thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nên chăng, chính họ phải tự nói lên mong muốn của mình để chính quyền tìm cách tư vấn, hỗ trợ nhằm thay đổi cuộc sống, để bên trong những ngôi nhà ngói khang trang tại các khu tái định cư, là một cuộc sống tương đối đủ đầy và sung túc.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.