.
Cửa sổ tri thức

Xuất xứ của địa danh Cẩm Lệ

* Trong bài “Sóng nước Đà giang - Kỳ 1: Muôn dặm sông Hàn” của tác giả N.Q.T.T. đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 28-2-2010 có đoạn:“Tương truyền, ngày xưa có một người con gái tên Cẩm vì chuyện duyên tình trái ngang đã trầm mình xuống sông tự vẫn; khi được vớt lên, nhiều người đã nhỏ đôi dòng lệ khóc thương cô gái, nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ”. Theo thiển ý của tôi, đây là một cách giải thích khiên cưỡng, không có sức thuyết phục vì chỉ dựa vào nghĩa của con chữ mà diễn ra. Quan điểm của quý báo về vấn đề này như thế nào? (Lê Văn Hòa, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Trong bài đang xét, tác giả đã cẩn trọng dùng từ “tương truyền” khi cắt nghĩa Cẩm Lệ có nghĩa là… nhỏ lệ khóc thương cô gái tên Cẩm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây là cách giải thích địa danh theo kiểu “nhìn (mặt) chữ mà bắt... ra nghĩa”, ví như Túy Loan là con chim loan do say mà múa; Đò Xu do mỗi lần qua đò phải trả 1 xu; Mỹ Thị là người đàn bà đẹp… mà tác giả Lưu Anh Rô đã nói trong bài “Đôi điều về những địa danh tại Đà Nẵng” trên Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 31-1-2010.

Về địa danh Cẩm Lệ, bài viết “Thử lập hồ hơ: Cẩm Lệ - Cẩm Nam – Cẩm Bắc” trong quyển “Văn hóa xứ Quảng – Một góc nhìn” (NXB Đà Nẵng, 2007) của các tác giả Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô (tham khảo bản điện tử tại địa chỉ http://vannghedanang.org.vn/vndg/chitiet.php?id=379&so=15) đã giải thích (cũng theo tương truyền) như sau:

“Ở Cẩm Lệ nay còn truyền rằng vào thời nhà Trần dưới triều Trần Dụ Tông có tướng quân họ Phan, tước vị được phong có ghi là Cẩm Ba Hầu, ông cùng đoàn quân của Đại Việt vào nam khai phá đất đai, nhưng bị chết ở đây. Đấy là năm Đinh Mùi 1367.

Từ đó, người Việt ở vùng đất này gọi tên con sông là Cẩm Giang. Mãi đến thời Lê Thánh Tông, năm Canh Thìn (1470) [chính xác phải là Canh Dần – ĐNCT], vùng Cẩm Lệ vẫn có tên và con sông này mang tên là Cẩm giang Lệ thủy”.

Trong bài viết đang xét ở trên, tác giả còn giải thích rằng, Cẩm Lệ nghĩa là “trái khổ qua da đen”. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Lại (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đồng ý với cách giải thích này. Theo ông Lại, ngày xưa gần bến đò Lỗ Giáng (bên con sông lúc đó chưa có tên) có một quần trạm gồm nhiều trạm như quán ăn, trạm cho thuê ngựa, nhà nghỉ... với nhiều khách vãng lai. Phía thượng nguồn gần đó là vùng phù sa bồi lấp sau mỗi mùa lũ lụt nên rất thích hợp với các loại rau củ quả, trong đó nổi tiếng đặc sản là giống khổ qua da đen, gọi là trái cẩm lệ . Người dân thường chèo thuyền đưa trái cẩm lệ xuống bán dưới bến đò, lâu ngày tên trái trở thành tên sông, rồi tên sông thành tên làng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy (213 Hoàng Diệu, Đà Nẵng) lại cho rằng Cẩm Lệ thực ra là trái vải có da màu đỏ sẫm như gấm. Cẩm nghĩa là gấm; Lệ là viết tắt của lệ chi nghĩa là cây vải (lệ tử : quả vải). Theo ông Duy, ngày trước cả vùng này trồng cây vải thiều có da như gấm, được nhiều nơi biết tiếng, từ tên trái thành tên làng rồi sau đó mới thành tên sông.

Cũng như địa danh Đà Nẵng, địa danh Cẩm Lệ có nhiều giả thuyết, hiện vẫn chưa có được tiếng nói chung từ các nhà nghiên cứu. Với tinh thần cầu thị, rất mong được bạn đọc gần xa góp tiếng để vấn đề tồn nghi sớm được giải quyết rốt ráo.

ĐNCT

 

;
.
.
.
.
.