.

Cuộc triển lãm đầy sức sống

.

Viện Bảo tàng Xã hội châu Á ở New York, Mỹ đang trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cổ đại của Việt Nam bắt đầu từ tháng 2-2010 đến tháng 5-2010. Đồng thời, những ấn bản đầu tiên của cuốn sách mang cùng tên với cuộc triển lãm - “Nghệ thuật của Việt Nam cổ đại: Từ đồng bằng châu thổ đến đại dương bao la” (Arts of Ancient Vietnam: From River Plain to Open Sea) của bà Nancy Tingley được phát hành ngay tại phòng trưng bày.

Tượng thần Gajasimha, tháp Chàm Bình Định. 

Theo đánh giá của tờ The New York Time, các tác phẩm ở phòng trưng bày tuyệt đẹp, mang giá trị và dấu ấn lớn lao về sự phát triển lịch sử mỹ thuật của Việt Nam. Sự kiện này là thành quả không nhỏ xuất phát từ sự cần mẫn, kiên trì của bà Nancy Tingley, tiến sĩ khoa học tự nhiên, vốn là chuyên gia của Viện Bảo tàng châu Á ở San Francisco. Từ năm 1988, bà đã đến Việt Nam để trao đổi ý muốn mượn một số bản gốc các tác phẩm cổ đại của Việt Nam để thực hiện một cuộc triển lãm đầu tiên về mỹ thuật Việt Nam tại Mỹ.

Đó là một ý định khá “táo bạo và liều lĩnh” khi vào thời điểm này, phần lớn người Mỹ và Việt Nam còn mang ít nhiều kỷ niệm không mấy thú vị qua cơn ác mộng chiến tranh. Vả lại, đối với những tác phẩm mang truyền thống giá trị ấy thì trách cứ chi việc các bảo tàng phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn?

Cuộc triển lãm lúc đó không thành. Những lần gặp gỡ, thương lượng và thuyết phục cho mục đích vay mượn các mẫu vật mỹ thuật cổ đại bế tắc. Chương trình tài trợ kinh phí dành cho công việc này của Viện Bảo tàng châu Á dù đã được phê chuẩn bị xếp lại vào lãng quên. Nhưng 20 năm tiếp theo, sau nhiều lần trở lại Việt Nam, bà Nancy Tingley vẫn kiên trì theo đuổi nguyện vọng và thực hiện kế hoạch đầu tiên của mình. Thà muộn còn hơn không, cuối cùng, như một câu chuyện thần thoại, những tác phẩm thời cổ đại Việt Nam, lần này đã được trưng bày một cách đầy đủ và trang trọng tại Mỹ dưới sự bảo trợ của Bảo tàng Xã hội châu Á ở New York và kinh phí cá nhân của chính bà Nancy Tingley, nhà nghiên cứu nghệ thuật châu Á kiêm “nhà ngoại giao và vận động” dai dẳng, không mỏi mệt.

Bước vào giữa phòng trưng bày, bạn sẽ gặp những mẫu vật mà không thể gặp ở bất kỳ đâu khác ngoài sự tập hợp đồng bộ nơi đây: Một trống đồng có kích thước cực kỳ vạm vỡ, trang trí với nhiều họa tiết chạm khắc tỉ mỉ, kỳ công, do các nghệ nhân làng Đông Sơn thực hiện; một tượng Phật bằng gỗ, cao, thanh mảnh. Những vị thần Hindu với đôi mắt thu hút, khao khát kết nhóm với những vũ công uốn mình. Tượng thần hiến dâng nổi tiếng Shiva; Thần Ganesha, với chiếc đầu voi trên thân hình mập, lùn. Thần Mặt trời Surya… Và những đĩa, bát, chậu gốm chất đầy căn phòng y như chúng được chất đầy khoang của một chiếc tàu nào đó, ngày xưa kia, đã chìm sâu dưới đáy biển Đông.

Bạn có mặt trong không gian lặng lẽ, êm đềm của bảo tàng để tận mắt nhìn thấy những mẫu vật quý báu được quy tụ lại nơi đây từ 10 Viện Bảo tàng của Việt Nam. Bạn đã có chuyến du lịch, rong ruổi từ thời đại hoàng kim trước Công nguyên cho đến thế kỷ 17, sau Công nguyên, thưởng ngoạn qua hàng loạt thời kỳ văn hóa bên trong lẫn bên ngoài của Việt Nam.

Qua công trình nghiên cứu và tổ chức trưng bày nghệ thuật cổ đại của Việt Nam lần nầy, bà Nancy Tingley được nhiều dư luận khen tặng và tờ The New York Time đã viết: “Cuộc triển lãm về nghệ thuật cổ đại của Việt Nam là một triển lãm phong phú về lịch sử, hoàn hảo và đầy sức sống”.

HOÀNG ĐẶNG

 

;
.
.
.
.
.