.

Đầu năm góp chuyện

.

Mùa xuân thắm mở ra, vô tình lôi kéo tuổi trẻ vào những nồng ấm, chan hòa vốn có. Xin góp vào đây mấy câu chuyện nhỏ khởi phát từ mùa xuân tươi đẹp.

Các cô gái trong tà áo dài rạng rỡ   chào đón năm mới tươi vui. 

1- Chưa có Tết năm nào, Đà Nẵng nhiều tất niên như năm nay. Theo thông lệ, nhà nào cũng làm cái tiệc xả xui cuối năm. Nay, bà con còn phát kiến cả tất niên xóm, tất niên tổ, tất niên xóm trọ, tất niên đường. Người có góp nhiều, không có góp ít, miễn là chung vui. Mà những người trẻ tuổi cả năm xa xóm, xa làng vì lý do nào đó như đi làm, theo chồng, lập nghiệp phương xa… lại càng háo hức về ăn tất niên hơn hẳn những ai có mặt ở địa phương hằng ngày. Thật lạ, khi cuộc sống cứ mỗi lúc mỗi gấp, con người càng ngày càng bận rộn với sự mưu sinh, thì nhu cầu nối kết nhau giữa họ lại càng lớn. Càng xa bao nhiêu, về dự buổi tiệc cuối năm trong làng, người ta lại càng quý. Ngồi lại với nhau, kể câu chuyện làng mình, xóm mình từ thuở ấu thơ tóc còn để chỏm, rồi bắt chặt tay nhau hẹn hò: “Năm sau về nữa nhé!”.

Mới hay, tình cảm làng xóm trong cuộc sống phố thị không hề mất đi như nhiều người nghĩ, mà chỉ là lắng xuống để chờ dịp bộc phát, như trong buổi tất niên cuối năm, và những lúc thăm hỏi nhau trong buổi đầu xuân thắm…

2- Không dưng, mùa xuân bỗng làm con người hiền lành và thánh thiện hơn. Hai anh thanh niên va quẹt nhau trên đường. Nếu như mọi khi, máu nóng nổi lên, cả hai đã la ó để cãi đúng sai. Nhưng đầu năm, hình như không ai muốn người kia tổn thương, nên vội cười xòa, vội xin lỗi nhau rồi ai đi đường nấy. Mùa xuân đang rạng ngời đến vậy, ai cũng muốn quên đi bực bội, oán hờn, để còn thì giờ kịp chạy đến nơi sum họp bè bạn, gia đình, với bao cuộc vui đang chờ đón.

Gặp nhau mùa xuân ai cũng muốn cười, cũng muốn chào nhau và nói lời chúc tụng tốt đẹp, ai hơi đâu rước cái phiền, cái lo, cái tức tối vào người cho... xui cả năm.

3- Một cô bé tôi quen quyết tâm Tết này trở thành “người lớn”. Cô bé mới tốt nghiệp Đại học, từ trước tới nay vốn quen kiểu con cưng, muốn gì được nấy, tiền bạc gia đình cho lúc nào cũng rủng rẻng. Có hôm, để đủ tiền đãi bạn bè bữa sinh nhật thật hoành tráng, cô bé còn mang cái laptop (máy tính xách tay) gần hai chục triệu do gia đình mua cho… ký gửi tiệm cầm đồ. Trước Tết mấy ngày, cô tìm được việc làm nhân viên kinh doanh của một hãng chuyên cung cấp các đồ dùng phòng tắm khách sạn. Để giới thiệu gần 100 mẫu sản phẩm cho các khách sạn trong thành phố, cô phải đi ròng rã gần hai ngày mồng 7, mồng 8 Tết. Trên đường đi, xe đột nhiên trở chứng không chạy vì hết bình điện. Dắt bộ quanh quẩn một hồi, cô đành nhờ bác xe ôm kéo xe về tới nhà. Hai bàn chân mang giày cao gót, đi bộ nhiều sưng tấy. Cô tức tưởi với mẹ: “Mẹ ơi! Cực quá!”. Chỉ như vậy, cô bé mới thấy giá trị thực sự của đồng tiền kiếm được bằng những giọt mồ hôi của chính mình. Không ai bảo, cô bé vẫn hứa với lòng, từ mùa xuân này sẽ là người lớn, chăm chỉ làm việc, không xin tiền mẹ để đốt vào những trò vui quên trời quên đất.

Như thế, phải chăng mùa xuân vô tình mang sứ mệnh khởi đầu cho những mục đích tốt đẹp và sự vươn lên của tuổi trẻ?

4- Và chắc chắn, bạn và tôi, cũng mong muốn khởi đầu một năm mới thật tươi sáng, không thích phiền trách ai, bỏ qua mọi hờn dỗi trong năm cũ, dồn tâm sức thực hiện những mục tiêu mới cho cuộc đời mình.

Triêu Nhan

 

;
.
.
.
.
.