.

Để cuộc sống tốt đẹp hơn

Louis Aragon, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp và là một nhà thơ nổi tiếng, có định nghĩa như thế này về Hạnh phúc: Ai nói đến hạnh phúc mắt thường buồn da diết. Như tiếng than dài nỗi tuyệt vọng chua cay. Dây đàn đứt trong tay người gõ nhịp. Nhưng tôi tin Hạnh phúc là điều có thật. Không phải trong mơ, không phải trên mây. Nơi bến lạ, bờ xa trên trái đất này... Cái “bến lạ, bờ xa”của hạnh phúc, hiểu theo nghĩa nôm na nhất là chất lượng sống mà mỗi chúng ta muốn – mong ước – có được mỗi ngày, quả là điều không dễ diễn đạt thành lời.

Với những tâm hồn giản dị, “lỡ”bàn về chất lượng sống thì thật rõ ràng: Cơm ngày ba bữa, áo mặc cả ngày! Nhưng với trí thức thì xa hơn, trừu tượng hơn như các khái niệm về tự do tư tưởng, ngôn luận, quan hệ, môi trường hoạt động, láng giềng thân thiện, trường học của con cái... Các nhu cầu và đòi hỏi của mỗi tầng lớp xã hội tất nhiên không thể giống nhau nhưng, ít nhất, chúng ta cũng có thể đồng cảm và đồng hiểu rằng vẫn phải có một mẫu số chung nào đó bởi đấy chính là nguyên tắc, bản chất đúng của một xã hội.

Công ăn việc làm ổn định phải là tiêu chí thứ nhất của mọi cuộc đời. Thiếu điều này thì những xưng tụng và ca ngợi đều trở thành phù phiếm. Xã hội chỉ ổn định, lành mạnh khi đa số người dân có việc làm phù hợp, có cuộc sống không phải lo những áp lực ngược xuôi. Dĩ nhiên, đây lại là điều khó vô cùng đối với mọi Nhà nước bởi kinh tế thiết lập một “quy tắc”rõ ràng rằng nếu không có thất nghiệp thì không thể tạo ra cạnh tranh năng lực giữa các cá nhân với nhau. Hiểu rõ điều đó, trong mấy năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về việc ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nỗ lực đó không chỉ có giá trị cao về mặt nhân văn mà còn thể hiện tầm nhìn của một thành phố năng động đang vươn lên để trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp của Ngày Mai.

Khi các khó khăn kinh tế và bức xúc thường nhật được giải quyết (hoặc tạm ổn) thì chất lượng sống tùy thuộc vào tiêu chí thứ hai: Sự hài hòa của các quan niệm về nhu cầu vật chất – tinh thần. Người xưa dạy: “Tri túc, hữu túc, thường túc” - Biết đủ thì coi là đủ vậy. Nỗ lực hết sức mình để kiếm sống đồng thời biết lựa chọn cho mình một cách sống phù hợp với thu nhập, hoàn cảnh, điều kiện là điều không dễ bao giờ. Trong cái khó khăn thường trực này, phụ nữ là những thiên tài. Họ biết chắt chiu, dành dụm ngay cả trong những tình huống khắc nghiệt nhất của những lo toan. Đòi hỏi quá nhiều và chi tiêu vượt quá thu nhập luôn là kẻ thù của chất lượng sống.

Tiêu chí thứ ba – và, dường như là quan trọng nhất đối với mọi gia đình là khả năng lo toan cho con cái. Đây là bổn phận của các bậc cha mẹ nhưng với người Việt thì dường như “nó” được nâng lên đến mức cao hơn: Đó chính là ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Nước mắt chảy xuôi hay hy sinh đời bố để củng cố đời con là những câu nói muốn ám chỉ điều mặc nhiên rằng bố mẹ sẵn sàng làm tất cả để cho đời con khá hơn, tốt hơn. Đó là mong ước đúng nhưng lại luôn đi kèm những “chỉ dẫn” sai lầm. Nuông chiều (bỏ qua) và “tạo điều kiện”cho những sai phạm, cho việc chi tiêu hoang phí của con cái thường dẫn đến các kết quả ngược, nếu không muốn nói rằng có rất nhiều hệ lụy xót xa. Dẫn chứng gần và rõ nhất là videoclip mới đây quay cảnh bạo hành của các nữ sinh, ghê gớm đến nỗi đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải gửi công văn yêu cầu các sở GD-ĐT báo cáo về tình trạng trên. Những nữ sinh “khó hiểu” ấy đều là con cháu của những nhà giàu hoặc là con ông cháu cha. Câu trả lời rõ và rất thực...

Chất lượng sống tốt đẹp là điều không ai không mong muốn. Hãy ngẫm câu ca dao Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật gù khen ngon; sẽ thấy rằng tiền bạc, tiện nghi sẽ không hề có giá trị gì trong những giả định và thẩm định khắt khe của cuộc sống. Giàu nghèo, đói no là chuyện của muôn đời. Chất lượng sống sẽ là điều luôn luôn có thực khi con người yêu thương nhau, hiểu nhau và rộng lượng với nhau...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.