Thành phố Đà Nẵng hiện có 18 phường ven biển và một huyện đảo với hơn 303 nghìn người sống ở vùng ven biển, đảo. Cuộc sống người dân vùng biển tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn không ít khó khăn trước mắt.
Giữa biển và bờ
Nếu công việc trên bờ cho thu nhập ổn định, ngư dân sẽ từ giã biển khơi. |
Một lát, từ bên kia đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua phường Xuân Hà, một cậu bé bước vội ra bãi cát đầy nắng, nhờ mấy người đàn ông đang ngồi vá lưới gần đó đẩy chiếc thúng chai xuống nước. Thằng bé chèo thúng ra mé biển, nơi có mấy chiếc ghe máy đang neo lại, dập dềnh cùng sóng nước. Nó vẫy tay, rạng rỡ cười chào anh Cư, ba nó, rồi cập cái thúng vào sát ghe để anh bước xuống. Anh đưa thúng vào bờ, chào hỏi dăm câu về thời tiết với mấy người đàn ông trên bến. Thấy tôi đưa ống kính ngắm nghía nãy giờ, anh cười hỏi, có được tấm nào ưng ý chưa? Nắng quá, chưa biết đẹp xấu thế nào, tôi đáp. Anh kéo thằng bé ngồi lại dưới bóng dừa, vui vẻ kể chuyện.
15 tuổi anh đã tập tò xuống ghe đi biển. Nói là đi biển, nhưng thực tế chỉ loanh quanh trong vịnh Đà Nẵng thôi, xa lắm là ra tới Hòn Nghê hay qua bên kia bán đảo Sơn Trà, anh cười, ghe mình nhỏ, đánh bắt gần bờ chứ đâu dám xa bờ. Anh chủ yếu đi đánh ốc hương cung cấp cho các nhà hàng. Nếu trúng, sáng đi chiều về cũng kiếm được 4-5 trăm nghìn đồng. Có ốc, bạn hàng tới nhà cân ngay. Ngày trước làm nghề rất cực, ốc nhiều nhưng giá quá rẻ. Chừ, ốc ít nhưng giá rất cao nên thu nhập cũng sống được. Vợ anh ở nhà xuống bến nhận cá về bán ở chợ. Cũng đỡ, anh nói, mức sống hơn xưa nhiều, như cái di động đây, có trục trặc máy móc chi ngoài biển là a-lô vô bờ được, hồi trước chỉ có nước khóc ròng. Nói vậy, nhưng nếu có cái dịch vụ gì trên bờ có thu nhập ổn định thì anh cũng bỏ biển.
Phường Xuân Hà hiện có 326 lao động địa phương trên tổng số 703 lao động làm nghề cá trên địa bàn phường. Thời cao nhất, năm 2005, cả phường có đến 126 tàu, hiện chỉ còn 49 chiếc xa bờ cùng với 48 ghe, thúng máy loại nhỏ như ghe của anh Cư. Xu hướng chung của ngư dân hiện nay, như khẳng định của ông Lê Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân phường, là từ giã biển khơi. Những trận bão dữ dằn như Chanchu, Xangsane cộng với thu nhập rất khả quan của các nghề dịch vụ trên bờ đã làm họ thêm quyết tâm chuyển đổi ngành nghề. Trước thực tế này, để góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng biển, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ phường Xuân Hà lần thứ 9 sắp tới đã đưa mục tiêu phát triển thương mại dịch vụ lên hàng đầu, sau đó mới tới hải sản và tiểu thủ công nghiệp.
Những người phụ nữ vùng biển như vợ anh Cư sẽ được Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ chuyên trách Dân số phường Xuân Hà kể, hôm 28-11 năm ngoái, một phái đoàn bác sĩ của thành phố đã về khám bệnh phụ khoa cho phụ nữ 4 phường ven biển thuộc quận Thanh Khê tại Trạm Y tế Xuân Hà. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển năm 2009” của UBND thành phố theo Đề án cùng tên (giai đoạn 2009 – 2020) do Chính phủ ban hành. Bác sĩ về tận địa phương khám miễn phí, các chị tranh thủ việc nhà đi rất đông. Nhiều chị chưa biết tới Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thành phố vì quá xa, lại ngại tốn kém.
Dân số và chất lượng cuộc sống
Phụ nữ vùng ven biển sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Thu, tổ 36 phường Xuân Hà đến khám sức khỏe tại Trạm Y tế phường. |
Bà Hồ Thị Thúy Vân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Sơn Trà, một thời gian dài làm công tác chăm sóc trẻ em, nhiều lần đến thăm các hộ đông con ở một số phường ven biển nghèo như Nại Hiên Đông, bà nghiệm ra rằng, đời sống thấp sẽ dẫn đến chất lượng dân số thấp: sức khỏe sa sút, học vấn tạm bợ, thu nhập bấp bênh. Chị Trần Hà Minh Nguyệt, 6 năm làm cán bộ chuyên trách Dân số ở phường nghèo nhất Sơn Trà này, vẫn còn nhớ một thời phụ nữ chỉ biết ở nhà nuôi con cho chồng đi biển. Chừ thì mọi việc đã khác. Người nghèo được vay vốn làm ăn, người thất nghiệp tìm việc ở các khu công nghiệp, phụ nữ đi làm chế biến thủy sản, một số người có được một số vốn kha khá sau giải tỏa, chỗ ở khang trang, đường sá sạch đẹp...
Có điều, một khi có hơi đồng rủng rẻng trong túi, người ta lại nghĩ đến chuyện... sinh con thứ ba! Bà Vân phân tích: Nghèo chẳng dám, giàu có rồi cảm thấy sinh hai con quá ít, cố tình sinh thêm. Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn, nhất là ở các hộ ngư dân, cần con trai để nối nghiệp nhà. Mình tới vận động kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, họ vẫn lịch sự tiếp đón, nhưng lại âm thầm không thực hiện kế hoạch hóa. Có ai nói vào thì họ bảo tui thừa khả năng nuôi, không ảnh hưởng đến xã hội. Vận động cũng chỉ là... vận động, không có chế tài, nên chuyện chất lượng dân số vẫn còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi gia đình.
Đầu năm 2010, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các quận ven biển ở Đà Nẵng đã nhận được kế hoạch triển khai Dự án “Thử nghiệm, mở rộng một số mô hình, giải pháp can thiệp, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010”. Theo đó, Dự án sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có một hoặc hai con; thử nghiệm và mở rộng việc can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Vậy là, từ những dự án này, cuộc sống người dân ở vùng biển sẽ có nhiều đổi thay. Bởi chất lượng cuộc sống, xét cho cùng cũng bắt đầu từ chất lượng dân số.
Văn Thành Lê