“Cô du kích Đà Nẵng” là một trong những ca khúc cách mạng từng được phổ biến trong phong trào sinh viên-học sinh (SVHS) Đà Nẵng và đô thị miền Nam từ hơn 40 năm trước. Tác phẩm nhanh chóng đi vào đời sống quần chúng và sẽ còn sống mãi với thời gian, bởi giai điệu, lời ca của bài hát thật gần gũi, đầy giục giã, tin yêu, khiến mỗi người như tìm gặp được hình ảnh mình trong đó.
Trong những ngày cả thành phố hướng về 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, nguyên Đại tá nhạc sĩ NSƯT Thanh Anh - tác giả của ca khúc “Cô du kích Đà Nẵng” nhớ về những năm tháng khởi đầu con đường nghệ thuật.
Nhạc sĩ Thanh Anh.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1947 (13 tuổi). Năm 1950 vào Quân đội. Tập kết ra miền Bắc năm 1954. Khởi đầu con đường nghệ thuật, ông là một diễn viên múa. Năm 1961 vào chiến trường B1 (khu 5) làm Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Chính từ đây, nơi chiến trường gian khổ ác liệt, ca khúc đầu tay “Vui chiến công đầu” đã ra đời, đã được anh em bộ đội hát với nhau tại chiến trường. Từ năm 1962, nhiều tác phẩm của Thanh Anh phổ biến rộng rãi khắp miền Nam: Tiếng hát ban mai, Anh đi hơn con chim bay, Du kích nhân dân, Tải đạn ra chiến trường, Anh là chim đầu đàn... Đặc biệt, trong đó bài “Tải đạn ra chiến trường” được Đại sứ quán Trung Quốc dịch lời, in nhạc bướm và phổ biến thịnh hành trên các đài Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Bắc Kinh phát tiếng Việt...
* Và “Cô du kích Đà Nẵng” đã ra đời trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thưa nhạc sĩ?
- Vào đầu năm 1968, sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, khi về lại chiến khu, tôi đã viết bài này trên chiếc đàn gi-ta chiến lợi phẩm do đồng đội thu được trong trận đánh hạ đồn Đắc Hà. Trên thực tế, tôi lúc đó chưa một lần được đặt chân đến đô thành Đà Nẵng. Cảm xúc thôi thúc viết nên bài ca này hình thành nhờ những gì tôi nghe qua báo, đài và lời kể của các gương điển hình chiến sĩ thi đua như chị Tám Tuyết, Lê Thị Hải Châu... và các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng đầy gan dạ, dũng cảm và mưu trí. Tôi hình dung họ là những nữ SVHS, nữ công nhân, hằng ngày đến trường hoặc lao động, nhưng khi cần họ có thể trở thành những nữ du kích dạn dày, có mặt khi ẩn khi hiện, khắp nơi trên đường phố Đà Nẵng.
Trước kia tôi cũng đã viết một ca khúc tương tự (Đà Nẵng nở Hoa - nhằm ca ngợi những cô gái biệt động thành), nhưng chưa hoàn chỉnh, nên dịp này khai thác, vận dụng lại chất liệu dân ca xứ Quảng với lối kể tự sự kết hợp chất trữ tình, giản dị trong sáng và lạc quan... nên dễ thuộc, dễ hát, dễ đi vào tâm hồn quần chúng hơn. Sau khi bài hát được ca sĩ Trà My của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, nó cũng nhanh chóng về đến Hà Nội để từ đây lan tỏa khắp mọi miền đất nước...
* Trong điều kiện đất nước thống nhất, hòa bình, công việc sáng tác của nhạc sĩ ra sao? Nhạc sĩ thường tập trung nhiều về đề tài nào?
- Tính đến nay, tôi đã viết khoảng 250 tác phẩm (kể cả ca khúc và nhạc khí). Trong đó, có trên 200 tác phẩm được phổ biến khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2007, Nhà xuất bản Âm nhạc có ấn hành “Tuyển tập ca khúc Thanh Anh” gồm 100 ca khúc chọn lọc của tôi. Đặc biệt, từ sau ngày đất nước thống nhất, hầu như trên các địa phương của miền Trung tôi đều có tác phẩm. Mặc dù là người quê quán ở Bình Định, nhưng có lẽ do sinh sống và gắn bó với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng lâu nay, nên số bài hát tôi viết về nơi đây nhiều hơn cả quê nhà. So với thời chiến, hiện nay người sáng tác có điều kiện mở rộng đề tài phong phú hơn. Tuy nhiên, trong chiến tranh, tôi lại nhớ có nhiều ca khúc viết rất nhanh, rất cảm xúc. Cụ thể như những bài Du kích nhân dân, Cô du kích Đà Nẵng... (viết ngay khi tham dự hội nghị, hoặc viết trong kho gạo, vừa dùng đèn dầu, vừa dùng đèn pin...)
* Nhạc sĩ có nhận định gì về những ca khúc của giới trẻ hiện nay?
- Lớp nhạc sĩ trẻ bây giờ có điều kiện học tập, trau dồi chuyên môn, sáng tác thuận lợi hơn. Việc giới thiệu, đưa tác phẩm đến công chúng cũng dễ dàng, nhanh chóng hơn. Trong đó, đã có một số tác phẩm để lại ấn tượng tốt với khán giả, nhất là lớp trẻ. Tuy nhiên, tôi cũng nghe nhiều người lên tiếng phê phán không ít ca khúc hiện nay có xu hướng quá dễ dãi, ca từ thiếu chọn lọc, lượng nhiều nhưng ít có bài đứng... Có lẽ, lớp anh em sáng tác trẻ quá chú trọng đến việc giải trí mà ít quan tâm đến tính giáo dục và thẩm mỹ. Trong khi đó, nếu họ chịu khó chú ý, sẽ thấy rằng: những ca khúc có giá trị, luôn đứng mãi với thời gian đều rất đơn giản, trong sáng, đậm đà tình tự quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc, hình ảnh và lời ca đẹp...
“Một ca khúc hay, theo tôi phải đạt được hai yếu tố chính đó là: Âm nhạc và lời ca. Âm nhạc hay làm cho lời ca lung linh bay bổng: lời ca hay, làm cho âm nhạc lay động lòng người. Hai yếu tố đó quyện chặt vào nhau như một móc xích, không thể thiếu được. Ở ca khúc Cô du kích Đà Nẵng của nhạc sĩ Thanh Anh đã đạt được điều đó”. (Nhạc sĩ Minh Đức) “...Suốt những năm tháng chiến tranh với nhiều thế hệ SVHS đấu tranh Đà Nẵng, dù ở chiến khu hay trong các ngục tù Mỹ - ngụy, bài ca Cô du kích Đà Nẵng vẫn được anh chị em ưa thích. Bài ca ghi dấu một thời: “Tuổi tròn đôi mươi tạm rời đèn sách”, “Biển Thanh Khê em đã tới, đường Ngã Năm em đã qua. Về sân bay, chợ Mới, Sơn Trà”, với “Truyền đơn tung bay trên đường phố Hùng Vương, cờ đỏ em treo rực rỡ nắng hồng”... Và nhiều thế hệ phong trào SVHS Đà Nẵng vẫn tiếp tục “Em còn đi, em còn đi đi mãi xuống đường” theo tiếng gọi “Đà Nẵng nổi kèn xung trận, em xông tới” với lời thề toàn thắng cho đến ngày 29-3-1975...”. (Nhà báo Lê Đức Hùng)
TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện)