.
Giới thiệu sách

Cụ Huỳnh, người học rộng, chí bền

.

Bước vào đầu xuân Canh Dần (2010), NXB Đà Nẵng cho ra cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng - Tuyển tập do hai soạn giả Chương Thâu - Phạm Ngô Minh đồng thực hiện.

Nội dung cuốn sách có những điểm đáng cho bạn đọc nghiền ngẫm để nhận thức sự trung thực của văn tài cụ Huỳnh.

Lời giới thiệu của Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học xác nhận “Cuốn sách thể hiện được những nét lớn về thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh.... Cụ là danh nhân văn hóa yêu nước, thương dân, ghi đậm dấu ấn vào lịch sử cận, hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX ...”. Đặt tựa cho lời bạt, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết: “Huỳnh Thúc Kháng là một nhà chí sĩ, đồng thời là một nhà ngôn luận xứng đáng nhất trong văn hóa Việt Nam ở buổi giao thời”.

Trong Huỳnh Thúc Kháng - Tuyển tập, các soạn giả đã thực hiện việc tham khảo rất tỷ mỷ, trách nhiệm và khoa học. Có nhiều vấn đề phải tìm hiểu đối chiếu với rất nhiều tư liệu chính, văn bản chính rồi cuối cùng mới dứt khoát chọn văn bản đúng nhất đưa vào sách. Cụ thể như việc sưu tầm, phiên dịch sáng tác “Danh Sơn Lương Ngọc Phú” hay tác phẩm “Thi Tù Tùng Thoại” thì soạn giả đã bỏ rất nhiều công phu tìm cho được ấn bản đầu tiên do Tiếng Dân xuất bản năm 1939 với nhận định “Đây là ấn bản có thể do chính tác giả săn sóc lấy đứa con tinh thần của mình nên không bị các vị đại học giả biên tập, cắt xẻo bớt chỗ này, chỗ nọ, hoặc cắm râu, cắm ria thêm vào chỗ kia làm cho trở thành dị dạng”. Đến như có một sự kiện nào nhưng soạn giả và dịch giả cho rằng còn tồn nghi thì dứt khoát không đưa vào sách. Đó là trường hợp có bài ký tên Phi Bằng (bút hiệu của Phan Đăng Lưu), nhưng cũng có người cho đó là bút hiệu của cụ Huỳnh...

Trên tinh thần tôn trọng triệt để sự thật của tài liệu căn cơ như thế, người đọc thật thú vị khi thưởng thức những sáng tác mà mình tin tưởng rằng đó chính là điều cụ Huỳnh đã suy nghĩ, đã viết ra từ lúc sinh thời.

Có những sự kiện nhờ ở sách này, người đọc sẽ chiêm nghiệm được một số nhà nghiên cứu đánh giá thơ văn của cụ Huỳnh rất có giá trị về mặt sử học, cho cụ là “Sử gia của phong trào Duy Tân” mà qua tuyển tập này bạn đọc sẽ thấy rõ về các đề tài viết sử của cụ rất uyên bác, sâu sắc, mới mẻ. Điều này ta có thể đơn cử việc cụ viết về Trung Quốc, Nhật Bản, cụ đã đi trước so với các báo đồng thời là Tri Tân, Thanh Nghị.

Cũng trong sách này ta còn thú vị thưởng thức ngoài những sáng tác cụ tự dịch, cụ còn dịch những tác phẩm người khác kể cả dịch thơ Nhật! Tóm lại, với tất cả những ưu điểm trên, tác phẩm “Huỳnh Thúc Kháng - Tuyển tập” này rất cần thiết cho bất cứ ai muốn nghiên cứu về sự nghiệp và văn tài cụ Huỳnh, nhất là các bạn sinh viên... vì đây là tác phẩm đáng tin cậy để sử dụng cho việc nghiên cứu hoặc làm luận án... Chỉ tiếc một điều, cuốn sách không ghi vào sách thêm nhiều hình ảnh hoạt động của cụ Huỳnh lúc sinh thời.

Huỳnh Thúc Kháng - Tuyển tập là quyển sách rất quý cho mọi người không riêng gì cho người Quảng Nam-Đà Nẵng mà cho cả nước về một danh nhân dân tộc được sinh trưởng trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng.

Thy Hảo TRƯƠNG DUY HY

;
.
.
.
.
.