Sông Hương như một cô gái đẹp được nhiều người say mê. Một trong những người tình tri kỷ và thủy chung với sông Hương chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Càng ngày nhà văn càng khám phá thêm những vẻ đẹp hết sức quyến rũ của dòng sông. Đó là vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn, trầm mặc và huyền ảo, mãnh liệt và dịu dàng... Có thể xem thiên bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông là “tiếng lòng” của nhà văn dâng tặng sông Hương.
Sông Hương qua phố cổ Bao Vinh. Ảnh: Mai Hoa |
Trong suốt thiên bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi thì so sánh sông Hương với cô gái di-gan, với Kiều; khi thì nhân cách hóa sông Hương: “dịu dàng và trí tuệ”, “nằm ngủ mơ màng”... Sông Hương qua ngòi bút thấm đẫm chất thơ, chất trữ tình của nhà văn đã hóa thành một thiếu nữ Huế đa tài, đa tình, đa cảm... Hoàng Phủ yêu sông Hương chẳng khác gì Nguyễn Du yêu nàng Kiều. Nhiều người mê sông Hương ở “vẻ mặt kinh thành”, Hoàng Phủ chủ yếu đi tìm vẻ đẹp bên trong đầy bí ẩn.
Lặn lội, trèo đèo, vượt suối lần đến ngọn nguồn dòng sông để tìm hiểu, quan sát và nhà văn ngạc nhiên bắt gặp người tình của mình vào cái tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” không giống như nàng Kiều “âm thầm trướng rũ, màn che”. Đó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái di-gan phóng khoáng và man dại. Đây là bí ẩn đầu tiên của dòng sông được nhà văn khám phá. Hai nét tính cách đối lập của sông Hương: dịu dàng và mãnh liệt đã hình thành “giữa lòng Trường Sơn”, “dưới bóng cây đại ngàn” đã mấy ai biết?
Vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm. Và: Sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Nét dịu dàng được tác giả đặc tả qua hình ảnh dòng sông như một cô gái đẹp “nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Sự dịu dàng chỉ cần nhìn ngắm là có thể nhận ra nhưng tính cách mãnh liệt của dòng sông thì đòi hỏi phải có sự am hiểu thật tường tận về lịch sử và văn học mới phát hiện được. Nhà văn ngược dòng quá khứ và hình dung sông Hương: Đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Ðại Việt qua những thế kỷ trung đại. Thế kỷ XVIII, nó vẻ vang soi bóng Kinh thành Phú Xuân của anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng Tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển…
Tính cách mãnh liệt ấy của sông Hương “chợt nhiên hùng tráng lên như kiếm dựng trời xanh trong khí phách của Cao Bá Quát”. Hai nét tính cách ấy của sông Hương rất giống nàng Kiều của Nguyễn Du. Kiều vừa “e lệ nép vào dưới hoa” nhưng cũng vô cùng liều lĩnh “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Giữa hai người đẹp này còn có một nét giống nhau nữa là rất đa tình, đa cảm. Vừa mới gặp Kim Trọng lần đầu, Kiều đã “ngổn ngang trăm mối bên lòng”. Chỉ nghe Vương Quan kể sơ qua về cuộc đời bạc mệnh của nàng Đạm Tiên, Kiều đã “đầm đầm châu sa”… Phải nhạy cảm và tinh tế đến mức nào, phải thấu hiểu sông Hương đến mức nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới diễn tả được nỗi lòng thầm kín của sông Hương với thành phố Huế thân yêu một cách lãng mạn và tài tình đến như thế. Nhà văn so sánh cặp tình nhân này với cặp tình nhân lý tưởng của truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở. Chỉ qua một khúc quanh, một đường cong từ Cồn Giã Viên, sang đến Cồn Hến nhà văn có thể lắng nghe: Như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu... Theo Hoàng Phủ thì còn có thể cảm nhận điều đó bằng thị giác với: Trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.
Sông Hương chia tay với thành phố Huế chẳng khác gì nàng Kiều chia tay với chàng Kim: Ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: "Còn non-còn nước-còn dài-còn về, còn nhớ.... Một sự liên tưởng hết sức bất ngờ mà nếu không thấu hiểu sự đa tình đa cảm của sông Hương, của những người con gái Huế và ngọn nguồn sâu xa của văn hóa Huế không thể nào diễn tả được. Tương tự như thế, nếu không am hiểu những nét đặc sắc của văn hóa Huế, nhà văn cũng không thể có cách lý giải khá độc đáo về nguồn gốc âm nhạc cổ điển Huế. Theo nhà văn thì toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế: Đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn phát hiện vẻ đẹp trầm mặc “như triết lý, như cổ thi” của sông Hương khi trôi “giữa hai dãy đồi sừng sững”, “những điểm cao đột khởi”, “những rừng thông u tịch”, “những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu”. Cùng với vẻ đẹp trầm mặc là vẻ đẹp biến ảo “sáng xanh, trưa vàng, chiều tím”, vẻ đẹp sương khói và huyền bí: Vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được…
Có thể nói với thiên bút ký tâm huyết này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khái quát khá đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên Huế, văn hóa Huế, con người Huế một cách cô đọng, giàu cảm xúc, suy tư, triết lý và hình ảnh.
MAI VĂN HOAN