Hơn ba phần tư những sáng tác hay nhất, đẹp nhất trong văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc… là được dành riêng để tôn vinh phụ nữ! Đó là thống kê thuần túy về mặt học thuật. Riêng tôi, tôi luôn nghĩ rằng mỗi khi cần đến một chỗ dựa, một lời tâm tình khi gặp khó khăn; thì người – điều đầu tiên tôi nghĩ đến là… Éva (!)
Chuyện xưa ngầm định rằng không phải ngẫu nhiên mà Éva (và hậu duệ của bà) được “sinh ra” từ cái xương sườn thứ 7, bên trái của Adams. Đó là sự mặc khải rằng người phụ nữ luôn được che chở (vì gần với cánh tay) và luôn được yêu thương (vì gần với trái tim). Có lẽ bởi thế nên ngày 8-3 hằng năm, cho dù đã nghĩ, đã viết hàng chục lần về phụ nữ - mỗi chúng ta đều cảm thấy xúc động. Vì sao? Câu hỏi không dễ trả lời nhưng cái nguyên do đáng kể nhất là chúng ta (đàn ông) mắc nợ họ quá nhiều, sai lầm quá nhiều, và đôi khi, những sai lầm ấy “dài hơn cả cuộc đời của một người đàn bà” (nhà văn Trần Thị Hảo).
Năm nay, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày 8-3. Quả là ấn tượng khi chúng ta tin rằng sự kỷ niệm nó “già” đến thế nhưng tình cảm và những gì một nửa thế giới dành riêng ra cho nửa kia lại trẻ mãi không già.
Tôi tin rằng nhiều người trong giới mày râu sẽ không bao giờ thôi day dứt vì những gì mình không làm được cho mẹ. Công ơn sinh thành, dưỡng dục là điều ai cũng nói nhưng làm thế nào để đền đáp đủ công ơn đó thì trên 90% con người không làm được. Hãy nghĩ và tin rằng, nếu có một tình cảm nào đó chân thành nhất, rộng lượng và bao dung nhất, hết mình và tận tụy nhất thì đó chính là tình cảm mẹ dành cho con. Thực tế “nước mắt chảy xuôi” muôn đời ấy đã tạo nên một trong những điều trong sáng nhất, thiêng liêng nhất của kiếp phận làm người.
Khi ta trưởng thành, tiếp nối cái bổn phận làm cha, làm mẹ mới hiểu rõ mình thương mẹ biết chừng nào. Tình cảm và sự bày tỏ có nhiều lắm, nhưng hãy xin lấy một ví dụ rất nhỏ thôi, như lời của một bài hát: Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo khô trời đổ cơn mưa… Vậy đó, chỉ là chuyện phơi áo không thôi mà người đàn bà cũng lo toan, vất vả đến mức nào! Đó có lẽ là “thiên chức” để cho người phụ nữ muôn đời trở nên vĩ đại trong cái bình dị thường nhật của cuộc đời. Không có họ sẽ không có một tổ ấm của yên vui và tha thứ, bình ổn và hạnh phúc dẫu cuộc sống luôn là những thách thức, khó khăn.
Chẳng hạn, ngày sau Tết, khi vật giá leo thang đến chóng mặt, nguồn thu không đổi nhưng nguồn chi thì thất thoát và biến động không ngừng; lo – giữ cho mâm cơm vẫn đầy, nụ cười vẫn đến với chồng, con, ông bà là điều chỉ có phụ nữ mới làm được. Họ ra chợ bằng những bước chân chầm chậm, bằng sự chắt chiu có được từ rất nhiều tiếng thở dài… Bạn hãy quan sát những bà nội trợ nghèo túng ấy, sẽ thấy được rằng sự cảm phục và yêu thương vẫn mãi là không đủ!
Hãy dành cho mình một “khoảng lặng” trong ngày 8-3 để nghĩ về một lẽ rất giản dị thôi là vì sao ta mắc nợ “họ” – phụ nữ, quá nhiều? Sai lầm thì chúng ta đã “thoảng qua” sự bình xét (vì đàn ông độc đoán, gia trưởng lắm; ít khi nhận lỗi về phía mình); còn sự thiệt thòi của phụ nữ trong suốt cuộc đời là điều không thể đong đếm rành mạch. 20 giờ tối nếu phụ nữ về đến nhà thì bao giờ cũng là quá muộn, còn đàn ông, 5 giờ sáng hôm sau, vẫn là sớm; một thỏi son đối với người đàn bà có thu nhập thấp luôn là món hàng xa xỉ nhưng với đàn ông, một bữa nhậu dăm bảy trăm ngàn vẫn cứ là chuyện nhỏ; một cuộc vui lỡ chút quá đà, với phụ nữ là điều không thể chấp nhận nhưng với đàn ông, chuyện đó từ xa xưa đã là chuyện bình thường… Nhiều và rất nhiều những chuyện “nợ nần” mà người đàn ông biết nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện “trả nợ”? Nguyên nhân chính là do sự chấp nhận và chịu đựng, sự bao dung và nhân ái là bản tính muôn đời của người đàn bà. Những cái “nhỏ nhoi” mất thiêng vì nếp nghĩ “lẽ thường” ấy đã làm cho người đàn ông ngày càng trở nên ích kỷ, cực đoan. Ích kỷ nhất là ở chỗ người phụ nữ chỉ thực sự có “quyền” một ngày thôi, trong tổng số 365 ngày.
Ngày 8-3, rất nhiều những người đàn ông mua hoa để tặng vợ, bạn bè, người yêu… Riêng tôi, tôi ngồi tính “sổ nợ” mà mỗi chúng ta – những người đàn ông đã “vay” mà không bao giờ trả hết, trả đủ cho những người phụ nữ của cuộc đời mình như mẹ, vợ, con gái… Vậy mà, cứ mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc đời, ta lại nghĩ đến họ trước nhất, cầu cứu họ sớm nhất? Món nợ và sự “vô ơn” ấy của những người đàn ông xảy ra thường xuyên và nhiều lắm; thế nhưng, cũng như bao đời nay, vẫn chỉ là những lời nói ngọt ngào, một lần thôi, suốt tháng, suốt năm dài…
Hà Văn Thịnh