.

Ngũ Hành Sơn hơn 300 năm trước

.

Có lẽ người nước ngoài đầu tiên ghé thăm và làm thơ đề tặng Ngũ Hành Sơn là Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc, đến Quảng Nam vào năm 1695. Những ghi chép rất quý giá của ông cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu, chi tiết hấp dẫn, lý thú về cảnh sắc Ngũ Hành Sơn cách nay hơn ba thế kỷ.

Dưới ngòi bút của Thích Đại Sán, Ngũ Hành Sơn hồi ấy được gọi là núi Tam Thai, chỉ gồm có ba ngọn mà theo ông “hai hòn lớn day mặt ra nước, còn một hòn nhỏ hơn”. Bao quanh núi, về hướng tây nam, là những ngọn đồi quanh co bằng đất. Núi có rất nhiều cây, mọc ra từ những hốc đá. Đặc biệt, có cây lớn đến mức Thích Đại Sán ước lượng rằng phải hai, ba vòng ôm mới hết. Loại cây lớn không phải là ít mà rất nhiều. Nhận xét về đá núi, ông thấy rằng chúng có những hình thù kỳ dị, lạ mắt. Có viên đâm thẳng lên trời, lại có viên chúc ngược xuống đất. Thích Đại Sán còn phát hiện có một dây song mây dài, già, từ trên hẻm đá thòng xuống tận đất, hình tròn bằng miệng chén. Ông cho rằng nó có chiều dài “cả trăm thước” và “thẳng như cây cung”. Về phía đông, biển cả ở xa xa, có những gò cát trắng mịn, gợn sóng, trông rất đẹp mắt.

Một góc Ngũ Hành Sơn ngày xưa. Ảnh tư liệu 

Càng chú ý quan sát, Thích Đại Sán càng thích thú trước khung cảnh Ngũ Hành Sơn thuở ấy. Dọc đường lên núi, ông thấy ngoài những hình thù kỳ dị, đá lại nứt thành từng đường, từng tầng, từng lớp, như lượn sóng, phủ rêu xanh, có nơi màu đen thẫm. Dọc đường hẻm theo vách núi, Thích Đại Sán phát hiện có nhiều chỗ đá máu trắng, phẳng, có thể ngồi được. Từ trên đỉnh, nước rỉ xuống. Khi trèo lên hết đường hẻm, nhà sư trông thấy một ngôi đền dựa vào vách đá, tuy không cao lắm nhưng khá kiên cố. Ở đây, theo mô tả của ông, là một vùng đất bằng phẳng, cây cối um tùm. Những hang động của Ngũ Hành Sơn xưa đã làm mê mẩn Thích Đại Sán với khung cảnh huyền dịu, mờ mờ hư ảo. Có một động khắc sâu vào tâm trí đến mức sau này ông đặt tên cho nó là Hoa Nghiêm Động. Về động này, ông đã chép như sau: “Cửa động tối mò, bước vào bậc thềm, thấy sáng dần. Vào hết bậc thềm, thấy mặt trời sáng trưng từ kẽ hở trên động dội xuống; động tròn lại bằng phẳng, có thể chứa hàng nghìn người; phía trên có mấy khe hở, cành lá giao bóng trập trùng”. Ở một động khác, tuy không đặt chân vào nhưng Thích Đại Sán đã ghi “có một cửa đá, nhìn vào trong mờ mờ có ánh sáng; người đi theo bảo, đi vào trong, mái động có khe ngách mở sáng như cửa sổ vậy”.

Ngũ Hành Sơn hơn 300 năm trước đã có chùa. Về vị trí ngôi chùa, Thích Đại Sán tả: “Trước núi có một cái gò, trước gò trèo lên chừng trăm bước có một ngôi chùa cổ”. Chính đó là ngôi chùa Thích Đại Sán đã ăn uống, nghỉ ngơi lúc viếng thăm Ngũ Hành Sơn.

Một góc Ngũ Hành Sơn qua bưu ảnh thời Pháp có bút ghi ngày 9-4-1910. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, về động vật ở Ngũ Hành Sơn vào cuối thế kỷ 17, qua những ghi chép của Thích Đại Sán, ta thấy có rất nhiều khỉ. Khỉ ở đây đông hơn người, rất dạn dĩ. Khi nhà sư vào Hoa Nghiêm Động, nhìn lên kẽ hở phía trên thì khỉ cúi xuống dòm lại, nạt đuổi cũng không chạy. Một tăng nhân đi theo ông giải thích hiện tượng này rằng “Người ít, chúng nó đông từng bầy, cho nên khinh lờn chẳng sợ vậy”.

Sau khi đi quanh một vòng dạo chơi, Thích Đại Sán không ngớt lời khen ngợi cảnh sắc tuyệt trần, kỳ ảo của Ngũ Hành Sơn. Ông cho rằng mình đã được “một phen du ngoạn”, thực đã rửa sạch cả tai mắt trong bấy lâu nay”. Điều đáng tiếc, theo ông là Ngũ hành Sơn bấy giờ chưa có bàn tay cải tạo của con người. Tuy vậy, Thích Đại Sán vẫn luyến tiếc khi không thể ở đây lâu hơn nữa. Và, dấu ấn về Ngũ Hành Sơn đọng mãi trong ông với nhiều bài thơ diễn tả những cảm xúc có một không hai này, như “Bài thơ vịnh Tam Thai” dưới đây:

“Sấm vang gió thét ào ào

Đàn vượn bên khe thót nhảy cao

Mắt ngắm biển khơi xanh thăm thẳm,

Chân giày dặm cát trắng phau phau.

Cổ đằng nghìn trượng xuyên hang đá,

Bích nhụ muôn tua rủ động đào

Cát nóng giữa truông ngồi nghỉ mệt

Hơi thu bỗng đã lạnh nao nao”.

Phạm Hữu Đăng Đạt

;
.
.
.
.
.