.
NGUY CƠ ĐỘNG VẬT TUYỆT CHỦNG

Món súp vi cá mập là thủ phạm số một

.

Trung Quốc chính là nơi đã làm mọi người phải thay đổi suy nghĩ về cá mập. Thập niên 80 của thế kỷ trước, người Trung Quốc bắt đầu đánh bắt cá mập để lấy vi nấu súp bởi từ lâu ai cũng biết thịt cá mập có mùi vị rất khó chịu không thể ăn được. Từ đó, món súp vi cá mập trở thành một tiêu chuẩn đánh giá sự giàu sang và người Trung Quốc thường sử dụng trong tiệc cưới hay những tiệc lớn.

Hai vi cá mập được trưng bày trong cửa hàng ở Hong Kong.

Ba thập niên trôi qua, nghề đánh bắt cá mập trở thành nền công nghiệp hái ra tiền. Nếu như thời điểm người Trung Quốc mới sử dụng món súp này thì giá một tô là 10 USD thì nay đã tăng đúng 10 lần. Nếu là một tô toàn vi cá mập thì cái giá của nó lên tới 1.300 USD. Nhu cầu sử dụng vi cá mập cũng tăng lên rất cao ở các nước châu Á nhưng mạnh nhất vẫn là Trung Quốc. LHQ cho biết, hằng năm có tới 73 triệu cá mập bị đánh bắt để lấy vi. Trong đó, Hong Kong là nơi tiêu thụ mạnh nhất với hơn một nửa sức mua của toàn thế giới. Hằng năm, Hong Kong nhập khẩu khoảng 10 triệu kg vi cá mập từ 87 quốc gia, mà Tây Ban Nha, Singapore và Đài Loan là những nhà cung cấp chính.

Món ăn khoái khẩu này đang đẩy loài cá mập tới nguy cơ bị tuyệt chủng. Cuộc họp về nguy cơ tuyệt chủng do LHQ đang tổ chức ở Doha (Qatar) đã đưa ra danh sách hơn 40 loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng như tê giác, gấu trắng, hổ…, nhưng cá mập là loài được đề cập nhiều nhất khi có tới 8 loại cá mập đã nằm trong sách đỏ. Cá mập sinh sản rất ít và lớn rất chậm nên không thể bù đắp số lượng đã bị bắt đi quá lớn như vậy. Loại cá thứ hai cũng đang nằm ở mức báo động là loại cá ngừ lớn ở Đại Tây Dương do bị đánh bắt theo kiểu tận thu. Ngà voi, sừng tê giác… đang trở thành những sản phẩm đặc biệt đắt đỏ trên thị trường chợ đen.

175 đại biểu đại diện cho các quốc gia tham dự cuộc họp đã thống nhất tiến tới kế hoạch đàm phán nhằm đưa ra quy định chặt chẽ về kinh doanh các động vật đang bị báo động tuyệt chủng trong quỹ thời gian là hai tuần lễ ở Doha. Rất nhiều ý kiến được nêu ra như công bố tài liệu quốc tế về những loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng như là cơ sở dữ liệu để sau này so sánh giữa sự biến mất của những loại động vật quý hiếm với những trao đổi mua bán trên mạng. Thực tế những cuộc trao đổi trên mạng đang làm giới chức trách các nước rất đau đầu bởi dù đã biết được số lượng biến mất của các động vật quý hiếm, biết được những cuộc mua bán trên mạng nhưng quá khó để lần mò ra địa chỉ chính xác. Rao bán trên mạng đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ bởi nhiều người đã gặp phải khách hàng trả được cái giá cao ngất ngưởng để rồi từ đó đẩy giá trị của những động vật quý hiếm này lên một mức cao hơn, giống như tô súp vi cá mập tăng gấp 10 lần chỉ sau 3 thập niên vì càng ngày càng hiếm và bị phá giá liên tục.

Cuộc họp cũng đề cập tới hệ thống pháp lý quốc tế chặt chẽ và khả năng sẽ kết hợp với Interpol để có thể mang lại kết quả tốt nhất. Hiện có ít nhất 10 website chuyên mua bán động vật và sản phẩm từ động vật quý hiếm nhưng chưa tìm được manh mối chính xác. Các đại biểu cũng đã thống nhất gọi năm 2010 là năm Quốc tế đa dạng sinh học. Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình môi trường của LHQ lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước hãy hành động để bảo vệ các loài động vật trước nguy cơ bị biến mất.

ANH THƯ

 

;
.
.
.
.
.