.

Nhớ lại và suy ngẫm

Lịch sử giống như một dòng sông mà ta hiểu những thử thách dập vùi khắc nghiệt của nó là những cơn lũ quét, lũ chồng trên những ngọn thác và, những người làm ra lịch sử là người chèo thuyền vượt thác! Chỉ một sơ sẩy, một phép tính sai sẽ là thảm họa. Ngược lại, sự tỉnh táo, vững vàng, cái quyết định đúng lúc với táo bạo cần thiết sẽ đem đến những vinh quang và thành công của bước nhảy vọt, đột biến thần kỳ. Có thể coi chiến dịch Đà Nẵng cách đây 35 năm là một trong những kỳ tích “vượt thác” thành công của quân và dân ta để đem đến thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

Hồi tưởng về những ngày gian nguy mà sự thành-bại đều có thể bùng nổ và nối nhau như những ánh chớp ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng: “Tôi thấy kế hoạch tác chiến cho năm 1975 sau chiến thắng Buôn Mê Thuột như một tờ giấy không có hồn (Đại tướng nhắc đi nhắc lại). Trong đầu tôi bỗng lóe sáng là sau thất bại ở Tây Nguyên, địch sẽ không tử thủ ở Đà Nẵng mà sẽ rút chạy. Thế là tôi ra lệnh cho anh Lê Trọng Tấn tiến đánh tiêu diệt địch theo phương án chúng rút chạy. Thay đổi cách đánh, đó là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân 1975” (Diễn đàn Nguoi Quang Binh.Net, 25-3-2008; dẫn lại theo báo Sức khỏe @ Đời sống. Chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

Lời tâm sự trên thật ngắn, lượng thông tin không nhiều nhưng ý nghĩa sống còn và ý nghĩa phi thường của nó thì không một bút mực nào tả hết được! Nên nhớ rằng, kế hoạch giải phóng miền Nam, Đảng ta đề ra trong 2 năm 1975-1976, có nghĩa là cả một núi công việc của 730 ngày. Cái khó của ta lúc ấy là tất cả mọi nguồn “cung” viện trợ về vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng đều bị cắt giảm do sự phức tạp của tình hình quốc tế. Không phải nước nào cũng muốn ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để có được một Việt Nam độc lập, hùng cường. Vì thế, giải phóng và thống nhất là điều phải làm nhưng “ván cờ thế” có những nước đi không được phép phạm sai lầm. Cái khó hơn nữa là không được sai nhưng lại phải táo bạo, bất ngờ(!) Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rất ít về cái quyết định “kéo pháo vào rồi kéo pháo ra” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ bất tử và, ông lại nói càng ít hơn về cái cách thay đổi lối đánh giải phóng từ từ bằng thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng. Đó là một đổi thay có tính lịch sử. Nên nhớ, suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chưa bao giờ Việt Nam đánh nhanh, thắng nhanh. Bây giờ đánh theo phương án địch tháo chạy tức là phải thay đổi hoàn toàn cả một bề dày kinh nghiệm 30 năm – mở đầu cho một tư tưởng chiến lược mới. Nói dễ nhưng làm đâu có dễ, bao giờ.

Trước ngày 29-3, quân ngụy ở Đà Nẵng có khoảng 15 vạn quân. Đó là một lực lượng quân sự khổng lồ. Nếu quân ngụy kiên quyết phòng thủ mà ta lại tấn công vội thì hậu quả là khôn lường. Ta biết rõ địch không muốn tử thủ nhưng để chắc chắn, đã buộc địch không thể phòng thủ! Trận giải phóng Tam Kỳ (24-3), Quảng Ngãi (25-3) rồi Huế (26-3) là đòn liên hoàn, dồn địch vào thế hoảng loạn: Hai gọng kềm từ ngoài ép vào, từ trong đánh ra khiến địch tiến thoái lưỡng nan và hoảng loạn tột độ. Thế là cái bẫy của nghệ thuật quân sự tài giỏi và sự táo bạo đã sập xuống – Đà Nẵng “nhốt” chặt và vô hiệu hóa gần như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của cả một Vùng chiến thuật. Số phận của chính quyền Sài Gòn đã được định đoạt. Nói đến tính mở đầu của Đà Nẵng cho thắng lợi quyết định của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trở nên thần tốc, vẻ vang cũng chính là ở điểm này.

Lịch sử dường như là “ngẫu nhiên” lúc Trần Nhân Tông gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân để Đà Nẵng trở thành đầu cầu cho người Việt tiến về phương Nam ấm áp, thuận hòa (1306). Cũng là “ngẫu nhiên” khi người Pháp chọn Đà Nẵng làm điểm mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam (1858). Càng “ngẫu nhiên” hơn nữa khi người Mỹ cũng lại chọn Đà nẵng để mở đầu cho chiến lược chiến tranh cục bộ (1965) để, đúng 10 năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng và Chính phủ quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi bắt đầu cho chiến dịch hành quân thần tốc, hoàn thành nhiệm vụ 2 năm chỉ trong mấy chục ngày!

Lịch sử chẳng bao giờ có sự ngẫu nhiên. Vị thế địa – chính trị đặc biệt của Đà Nẵng, thời cơ mà dân tộc giao phó cho mảnh đất tập trung hơn 10 vạn quân ngụy là một nhiệm vụ nặng nề. Tỉnh táo, sáng tạo, quyết tâm, đồng lòng và thống nhất cao độ, đồng bộ tuyệt đối là những bài học làm nên chiến thắng. Những bài học đó chưa cũ, bao giờ. Người Đà Nẵng hiểu rõ điều đó và 35 năm sau, trong những ngày vui náo nức của đợi chờ và hạnh phúc, Đà Nẵng vẫn đang liên tục đột phá, liên tục đưa ra nhiều ý tưởng tốt đẹp để thành phố xanh hơn, đẹp hơn. Người Đà Nẵng hoàn toàn có quyền tự hào vì hôm nay thật sự xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha anh đã làm cách đây 35 năm!

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.