.

Những người lính tình Bắc duyên Nam

.

Những người con đất Bắc, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng trong ngày 29-3-1975 lịch sử. Không trở lại miền Bắc, họ đã ở lại góp phần dựng xây thành phố. Suốt chặng đường 35 năm qua, trong họ có nhịp đập của trái tim tình Bắc duyên Nam.

Đồng chí Phạm Xuân Quý (trái) Chính trị viên tiểu đoàn trong ngày đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị đầu xuân 1977. (Ảnh tư liệu) 

Tùy bút “Đà Nẵng trái tim son” của Nguyễn Trung Thành viết: “… Khi lá cờ Cách mạng xanh như ước mơ, đỏ như tấm lòng son chung thủy của ta đã được cắm lên nóc tòa thị chính thành phố, thì tại bến Bạch Đằng ngay trước tòa thị chính ấy, có ba người chiến sĩ giải phóng trẻ, súng đeo vai, thong thả bước xuống bến sông, bình thản đứng rửa những đôi chân cát bụi của mình trong sóng nước sông Hàn…”.

35 năm đã qua, không biết 3 người chiến sĩ ấy là ai, họ còn hay mất? Nhưng những người lính có mặt tại Đà Nẵng những ngày giải phóng dường như vẫn thấy mình trong hình ảnh ấy. Vẫn tràn ngập niềm xúc động khi ôn lại những chặng đường chiến đấu và chiến thắng.

Ông Phạm Xuân Quý và cháu bé người Campuchia trong thời gian làm nghĩa vụ quốc tế. (Ảnh tư liệu) 

Ông Phạm Xuân Quý, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn bộ binh 1 anh hùng (R 20-Quảng Đà) quê ở Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội. 18 tuổi là chiến sĩ của Sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô. Năm 1967 ông vào chiến trường miền Nam, mặt trận Quảng Đà. Ngày đánh địch, đêm vác đạn tải lương, tham gia nhiều trận đánh, 11 lần bị thương. Nhắc đến kỷ niệm chiến trường, ông không thể nào quên được sức chịu đựng phi thường của người chiến sĩ đã vượt qua cơn đói năm 1969. Lúc này ông là Chính trị viên Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 140 Mặt trận 4. Toàn đơn vị có 165 người đã 5 ngày không còn một hạt gạo, đơn vị đã chia nhau tỏa vào rừng đào môn roóc, môn thục, hái lá tàu bay, lá sam để cứu đói qua ngày.

Trong trang sử truyền thống Tiểu đoàn 1(R20) viết: “…Ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1975. Tiểu đoàn 1 bao vây uy hiếp và tấn công các chốt Hòn Bằng, Đá Đen phá vỡ hoàn toàn các điểm quân ngụy chốt ở đây, giải phóng dọn sạch đường hành lang phía tây Đà Nẵng. Cái “vỏ sắt” bọc bên ngoài vành đai Đà Nẵng đã bị bộ đội Tiểu đoàn 1 góp phần phá tung. Trong lúc đó Chính trị viên Phạm Xuân Quý bị thương... Một mình Tiểu đoàn trưởng Lê Ngọc Bảy vừa chịu trách nhiệm chỉ huy quân sự và lãnh đạo chính trị trong tiểu đoàn…”.

Sau mấy ngày điều trị, Phạm Xuân Quý trở lại đơn vị cùng đồng đội tiếp quản thành phố, khắc phục hậu quả chiến tranh và bảo vệ chính quyền nhân dân sau ngày giải phóng. Tháng 11-1978, ông cùng đơn vị tiếp tục sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Nghỉ hưu năm 1990 với cấp hàm Đại tá, ông vẫn dành tâm sức đóng góp cho địa phương, vẫn âm thầm làm nhiều việc nghĩa. Là phó Ban liên lạc của Tiểu đoàn 1 (R20), nhiều năm qua ông đã cùng đồng đội tìm kiếm và quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ. Ngay cả cửa hàng bán gạo của gia đình ông ở 58 Quang Trung đã giải quyết việc làm cho nhiều người với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng, trong đó có người từng là chiến sĩ của Trung đoàn 280 công binh. Hình ảnh người chiến sĩ dạn dày trong đạn lửa một thời nay chỉ còn trong ký ức. Ở ông hôm nay là gương mặt đôn hậu và nụ cười vẫn thật trẻ trung, hồn hậu như trong một bức ảnh ông đang bồng một cháu bé Campuchia được hồi sinh sau họa diệt chủng.

Ông Phan Xuân Ạp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Thuận Đông. 

Nhìn vẻ người hiền lành của ông Phan Xuân Ạp, Chủ tịch Hội Cực chiến binh (CCB) phường Hòa Thuận Đông, chẳng ai nghĩ ông từng là chiến sĩ đặc công nước trong những năm đánh Mỹ. Quê ông ở Giao Thanh, Giao Thủy, Nam Định. Năm 1973, sau khi huấn luyện quân ở Hải Phòng, đơn vị ông vào Nam thuộc Tiểu đoàn Đặc công 471 cánh Bắc Quảng Đà. Thường xuyên “ăn cơm đồng bằng, ở trong lòng địch”, ông từng tham gia đánh sập cầu Thủy Tú ở Nam Ô, tiến vào giải phóng cảng sâu Sơn Trà-Đà Nẵng.

Giữa những ngày tháng 3 lịch sử này, ký ức ông miên man nhớ về vùng biển Trường Sa. Vùng biển, mà suốt bao nhiêu năm qua, cả nước hằng gọi tên. Sau khi tiếp quản thành phố, đơn vị ông gồm 36 chiến sĩ, mặc thường phục, đi tàu không số, phủ lưới đánh cá để ngụy trang, phối hợp cùng Đoàn 126 ở Hải Phòng, lướt sóng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Lênh đênh từ ngày 16-4 đến ngày 20-4-1975 đánh xong đảo Song Tử Tây, đến đảo Nam Yết rồi đảo Sinh Tồn, tiếp tục tiến vào Quân cảng Sài Gòn với nhiệm vụ đón tù chính trị ở Côn Đảo về lại đất liền.

Sau giải phóng, cũng như ông Quý, ông lại gắn bó suốt cuộc đời với mảnh đất Đà Nẵng thương yêu cho tới ngày nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Nhìn dáng vẻ hài hòa, bình dị và dễ gần gũi của ông chẳng thấy gì đặc biệt của một người lính thuộc binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, từng một thời găm mình tung hoành trong sóng nước. Cuộc đời binh nghiệp đã qua, ông vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng” do Ban Bảo vệ chính trị Trung ương trao tặng. Nhưng, điều hạnh phúc song hành trong cuộc đời ông chính là được chung tay xây dựng mảnh đất Đà Nẵng thân yêu, để mỗi ngày, thành phố đẹp như đêm hội pháo hoa, chan chứa nghĩa tình đồng đội và tổ ấm của gia đình.

Ông Trịnh Quang Tạ, Phó chủ nhiệm CLB Thái Phiên. 

Là một người con của quê hương Thiệu Hòa, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, ông Trịnh Quang Tạ vào chiến trường Quảng Đà năm 1970. Đó là những ngày tháng vừa sản xuất, chiến đấu vừa bảo đảm thông tin liên lạc. Ác liệt nhất là đương đầu với địch khi chúng mở cuộc hành quân “Lam sơn 719” ra khu vực Nam Lào (tháng 2-1971); sử dụng Trung đoàn “Trâu điên” mở cuộc hành quân lớn với mục đích tiêu diệt Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (tháng 5-1971), chặn đánh hành lang và phá hoại khu vực sản xuất ở vùng giải phóng.

Tháng 2-1974, ông là Chính trị viên trưởng của đại đội 3, Tiểu đoàn 1 thông tin quân khu. Trong trang sử hào hùng của những ngày giải phóng Đà Nẵng, ông đã viết: “…5 giờ sáng ngày 29-3, trận địa pháo 130 ly ở Nam Phước được lệnh nã dồn dập vào sân bay Đà Nẵng, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 (ngụy). 10 giờ ngày 29-3 Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 trực tiếp giao nhiệm vụ bổ sung cho các đơn vị, tình hình rất khẩn trương phải giành giật từng phút, không kịp để thông tin mã dịch, đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cầm ống nói ra lệnh trực tiếp cho bộ đội: Thần tốc đánh thẳng vào Đà Nẵng, kiên quyết cắm cờ vào các mục tiêu đã giao trước 13 giờ ngày 29-3…” (Lịch sử Trung đoàn Thông tin 575 Quân khu 5 đầu tiên). Cánh sóng mùa xuân của bộ đội Thông tin Quân khu 5 đã góp phần làm nên trang sử hào hùng trong ngày lịch sử đó.

Năm 1990, ông nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá. Và cũng như bao đồng chí, đồng đội của mình, ông đã tiếp tục cống hiến tâm sức không mệt mỏi cho quê hương thứ 2 của mình. 8 năm ở cương vị Chủ tịch Hội CCB quận Sơn Trà và tham gia nhiều công tác khác ở địa phương, ông vẫn luôn gần gũi và chia sẻ những mất mát đau thương của những gia đình đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Năm 1998 bài báo “Hoa Trinh nữ” của ông đã đoạt giải nhì cuộc thi viết về đề tài Thương binh-liệt sĩ của Hội Nhà báo, Hội Nhà văn và báo Lao động-Xã hội tổ chức. Bài báo kể về bà Phạm Thị Chế ở thôn Cổ Mân, xã Hòa Xuân 61 tuổi, có chồng là liệt sĩ, nhưng từ khi lấy chồng đến nay chưa một lần làm vợ. Bài báo từng gây nhiều xúc động đối với độc giả, còn với ông đó là chút nghĩa tình tri ân cùng đồng đội. Có thể coi ông là CCB của thông tin báo vụ nhưng cũng có thể gọi ông là CCB của làng báo chí. Ông vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu quý về cuộc chiến tranh đã qua, những thông tin thu thập trong quá trình làm báo, ở ông tâm huyết của người lính vẫn tràn đầy.

Tác phẩm “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, Thượng tướng Trần Văn Trà ghi nhận: “… Đất nước thanh bình. Người lính trở về đời thường, đó là quy luật. Vì mỗi người chỉ có một thời phục vụ, dốc cao sức lực trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ trong một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên trở về đời thường của người Cựu chiến binh chúng ta đâu phải là một vòng luân hồi đơn giản: Dân-lính-dân. Trở về đời thường của “Anh bộ đội Cụ Hồ” danh hiệu nhân dân đã trao cho những cán bộ, chiến sĩ trong một quân đội từ nhân dân mà ra, được Đảng, Bác Hồ giáo dục rèn luyện, giống như thay đổi phương tiện trên một chặng đường hành quân chưa đến đích… Cựu chiến binh chúng ta trước cơn sóng gió của thời đại vẫn kiên định vững vàng sự lãnh đạo của Đảng..., giúp nhau giữ vững ý chí, tinh thần, hỗ trợ nhau trong đời sống, sưởi ấm cho nhau về tình cảm... gắn chặt chẽ với dân, thấu hiểu mọi tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của dân để trở thành chiếc cầu nối liền giữa Đảng với quần chúng…”.

Có thể nói, những Cựu chiến binh Phạm Xuân Quý, Phan Xuân Ạp, Trịnh Quang Tạ… là những người như vậy, ở họ có trái tim của người chiến sĩ, sinh ra và lớn lên ở đất Bắc, chiến đấu và xây dựng quê hương ở miền Nam, và cho dù ở đâu, thời điểm nào họ vẫn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Thành phố Đà Nẵng luôn tự hào khi có những người con như thế.

Ghi chép của Lê Gia Thụy

;
.
.
.
.
.