.

Sóng nước Đà giang - Kỳ cuối: Chuyện những dòng sông nhỏ

.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài hai hệ thống sông chính đổ vào vịnh Đà Nẵng gồm hệ thống sông Hàn và hệ thống sông Cu Đê, còn có những dòng sông nhỏ hòa mình vào mạng lưới sông nước ở đây.

Đáng kể nhất trong số những con sông còn lại, là sông Phú Lộc. Bắt nguồn từ khu vực Khánh Sơn thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, sông chảy qua các phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Tây và Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) rồi đổ ra biển Đông. Sông có chiều dài hơn 5.000 mét, rộng trung bình 40-50 mét, nơi rộng nhất khoảng 70-80 mét. Vào thời Nguyễn, ở vị trí con sông này đổ ra biển được gọi là cửa Thanh Khê. Ngày nay, cửa sông nằm trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thanh Khê Đông.

Một đoạn sông Lai ở quận Cẩm Lệ (Ảnh KLS 9-2009) 

Xưa kia, sông được gọi tên là sông Phát. Theo chuyện kể lưu truyền trong dân gian địa phương, tên sông Phát có từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVI). Do sông có chảy qua địa phận làng Phú Lộc, nên từ năm 1965, tên làng Phú Lộc được lấy để đặt tên cho sông. Có lẽ khi lấy tên sông là Phú Lộc, người dân còn thể hiện ước mơ về cuộc sống sung túc, phúc lộc dồi dào.

Suốt nhiều thế kỷ, sông Phát, rồi sông Phú Lộc có môi trường nước trong lành, giữ vai trò lớn trong điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống ở lưu vực; vì vậy sông thường đầy dẫy cá tôm, là nơi người dân khai thác các loài thủy sản để mưu sinh, là đường giao thông thủy, là nguồn nước sạch mà dân cư đôi bờ dùng để phục vụ sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, hiện nay sông đã bị ô nhiễm nặng nề, mất cân bằng sinh thái và nguồn lợi kinh tế sút giảm xuống mức rất thấp.

Ở địa bàn quận Cẩm Lệ, ngoài hai con sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện (sông Vĩnh Điện có các tên gọi địa phương khác là Tứ Câu, Cái, Mân Quang, Cổ Mân), còn có hai con sông nhỏ là sông Lậu và sông Lai.

Sông Lậu và sông Lai đều nằm ở phường Hòa Xuân. Sông Lai rất khiêm tốn với chiều ngang khoảng 10 mét và chỉ dài hơn 1.000 mét; còn sông Lậu cũng chỉ rộng từ 10-12 mét, dài khoảng 2.000 mét, thông với sông Vĩnh Điện. Sông Lậu còn được dân địa phương gọi là “hói Lậu”, vì chiều rộng của sông đã bị thu hẹp khá nhỏ như con hói. Cả hai con sông này trước kia vốn là nơi có nhiều cá, tôm và các loài thực vật nước sinh sống, đồng thời cũng là nguồn nước quan trọng phục vụ cho hoạt động nông nghiệp trên địa bàn. Sau do dòng chảy yếu dần, sông thu hẹp lại, loài thủy sinh còn lại nhiều nhất trên sông chủ yếu là bèo, nên dân địa phương còn gọi tên hai con sông này theo nghĩa châm biếm là “sông Bèo”.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, ngoài ba dòng sông lớn bao quanh hoặc chảy ngang địa phận là sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện; có bốn con sông nhỏ nữa là sông Con, sông Quốc, sông Kiểng, sông Ban Ban.

Một đoạn sông Phú Lộc ở quận Thanh Khê (Ảnh KLS 10-2009). 

Sông Con nằm ở phường Khuê Mỹ, có chiều ngang khoảng 70-90 mét, dài hơn 1.000 mét. Theo lời kể của dân địa phương, xưa kia sông này do người dân tự đào dựa theo dòng chảy có sẵn để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Vì sông nhỏ hơn so với các sông khác, nên mới gọi là sông Con. Đến thời Nguyễn, sông Con còn được gọi tên chữ là sông Mỹ Thị. Sông Con rất quan trọng đối với nhu cầu cân bằng sinh thái và môi trường sống, đồng thời còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Ba con sông còn lại là sông Quốc, sông Kiểng, sông Ban Ban đều nằm ở phường Hòa Quý. Sông Quốc dài khoảng 2.000 mét, chiều ngang hiện nay đã bị thu hẹp lại, chỉ còn như một con mương; sông Kiểng (cũng gọi là hói Kiểng) trước đây rất rộng, nằm sát sông Vĩnh Điện, nhưng ngày nay đã bị bồi lấp; còn sông Ban Ban (cũng gọi là bàu Ban Ban) lại có hình dạng như cái hồ nước, diện tích mặt nước chiếm khoảng 3.000m2. Các con sông này đều có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, nhưng hoặc là đã bị thu hẹp, hoặc bị bồi lấp dần.

Có thể khẳng định mạng lưới sông ngòi ở Đà Nẵng không hề bé nhỏ, với nhiều con sông như sông Cu Đê, sông Lỗ Đông, sông Lỗ Trào, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện có trữ lượng nước rất lớn. Đó là nguồn nước dự trữ hết sức quý giá của thành phố Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường ở Việt Nam và toàn cầu hiện nay. Nguồn lợi thủy sản và giao thông thủy, du lịch đường sông cũng là tài sản lớn mà hệ thống sông ngòi Đà Nẵng đang chứa đựng.

Nhìn về xuất phát điểm, dường như những dòng sông ở Đà Nẵng đều hết sức trong lành, thanh bình và gắn bó thân thiện nhiều mặt với con người qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng cùng với thời gian, sự dịch chuyển của trời đất, thiên tai và những tác động vô ý thức của con người, sông ngòi ở đây cũng đã bắt đầu biến dạng và liên tục bày tỏ những phản ứng dữ dội đối với con người.

Sự phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa đã tạo những hệ quả ngoài ý muốn cho những dòng sông. Rác thải của các khu công nghiệp, bãi rác của thành phố, rác thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư, rác thải của cơ sở y tế, nước thải của các trạm xử lý nước thải… khiến nhiều dòng sông bị ảnh hưởng và ô nhiễm nặng nề. Điển hình như ở sông Phú Lộc, nhất là đoạn hạ lưu từ đường Điện Biên Phủ đổ về, rồi sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò…

Dòng sông Yên từ chỗ ngày xưa rộng khoảng hơn 100 mét, dần dần bị mở ra gần gấp đôi do nạn khai thác cát sạn làm sụt lún những lũy tre ven bờ, nước cuốn gây sạt lở nhiều đoạn. Thậm chí, độ sâu của dòng sông cũng thay đổi, nhiều chỗ đáy sông bị khoét rất sâu. Trên sông Túy Loan, tình trạng khai thác cát bừa bãi cũng gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, khiến dòng sông rộng ra, ở đôi bờ diện tích đất canh tác bị thu hẹp dần, cuộc sống của nhiều hộ dân lao đao vì nguy cơ mất kế mưu sinh. Ở lưu vực sông Quá Giáng, nạn ghe thuyền hút cát tùy tiện và liều lĩnh khiến lòng sông ngày càng sâu hoắm, ven bờ sạt lở liên miên, đe dọa sự tồn vong của nhiều nhà cửa, đình miếu.

Những nguy cơ khác cũng khiến những dòng sông có thể bị hủy hoại nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn được tình trạng khai thác rừng và vàng sa khoáng bừa bãi, hay do dòng chảy bị bồi lấp mà không nạo vét kịp thời, hoặc do việc chặn dòng làm thủy điện thiếu hợp lý.

Tài nguyên nước là một báu vật của trời đất dành cho con người, nhưng con người cần phải luôn trân trọng, gìn giữ một cách khoa học, biết khai thác hợp lý, thì mới thụ hưởng được lợi ích đó một cách lâu dài và bền vững. Nếu không, những dòng sông hiền hòa sẽ có lúc quay lại trả đũa con người, và gây ra những hậu quả hết sức khôn lường cho con người.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.