.

Sức hút danh thắng

.

Với đà tăng trưởng nguồn khách nội địa và quốc tế như hiện nay, khu du lịch (KDL) thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (NHS) mỗi năm đón hơn 300 ngàn lượt khách đến tham quan, viếng cảnh. Với chùa chiền, hang động mang đậm dấu tích văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và làng đá mỹ nghệ nổi tiếng nằm dưới chân núi, NHS trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch trong và ngoài nước, góp phần tạo nên nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Sức sống mới từ truyền thuyết

Quang cảnh Phán Quan Điện và Minh Vương Điện tại Động Âm Phủ (Ảnh VTL) 

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Nam, NHS là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên con đường di sản miền Trung từ Cố đô Huế-NHS-Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, quần thể NHS vốn là những hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông, dần được nối vào đất liền sau khi đồng bằng Quảng Nam được hình thành do sự vận động nâng lên của dãy Trường Sơn và sự bồi đắp của con sông Thu Bồn cùng các nhánh sông của nó. Nay, bờ biển đã cách xa quần thể núi NHS khoảng 800m, tạo nên phong cảnh đẹp hữu tình.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban Quản lý (BQL) KDL danh thắng NHS, riêng năm 2009, NHS thu hút hơn 360 ngàn lượt khách đến tham quan, viếng cảnh. Trong đó có khoảng 80.000 lượt khách quốc tế, tăng 11% so với năm 2008. Có thể nói, nằm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lượng khách quốc tế tăng là một tín hiệu tốt cho mục tiêu phát triển du lịch ở Ngũ Hành Sơn.

Ông Nguyễn Tiến Nho (51 tuổi), một du khách đến từ Hà Nội cho biết, NHS được ông và bạn bè biết đến như một danh thắng nổi tiếng về những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ. Những câu chuyện truyền thuyết kỳ bí về ngọn núi Ngũ Hành và sự tích trong những hang động, chùa chiền có mặt khắp nơi đã lôi cuốn ông đến đây. Theo ông Nho, truyền thuyết là những chuyện không có thật, nhưng truyền thuyết lúc nào cũng hay và hấp dẫn. Không ít địa danh đã trở nên huyền ảo và lôi cuốn con người tìm tới nhờ gắn liền với câu chuyện kể kỳ bí. Như truyền thuyết về sự hình thành của NHS gắn liền với câu chuyện về thần Kim Quy và trứng Rồng của Long Quân; với Miếu Ông Chài, nơi bến ngự thuyền vua Minh Mạng trên sông Cổ Cò; với chùa Phổ Đà Sơn, nơi công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng, đã rời cung vàng điện ngọc về ẩn tu rồi mất tại đây; với động Quan Âm với bao câu chuyện về nhà Phật…

Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ là truyền thuyết về động Âm Phủ. Với quy mô và sự kiến tạo độc đáo từ thiên nhiên, động Âm Phủ được xem là một trong những động lớn và đẹp nhất trong quần thể các hang động tại NHS. Vua Minh Mạng khi vi hành đến ngọn núi này đã đặt tên cho động là Âm Phủ. Từ tên gọi đó, nhiều câu chuyện được thêu dệt về cầu Âm Dương và sông Nại Hà, đền Cầu hồn, Suối Giải oan; Thiên Thai giới... và Phật tích Mục Kiền Liên, một chân tu đắc đạo, vì quá thương mẹ bị đọa đày, ngài đã nhiều lần xuống Âm Phủ tìm mẹ, đưa cơm cho mẹ ăn nhưng nghiệp chướng của mẹ ông quá nặng nên nhiều lần nắm cơm đã hóa thành lửa. Từ câu chuyện Mục Kiền Liên đi tìm mẹ để báo hiếu công đức sinh thành cảm động này mà rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, là đại lễ Vu Lan của Phật giáo ngày nay.

Dẫn chúng tôi tham quan động Âm Phủ, chị Nguyễn Thị Phượng, Phó phòng Quảng bá du lịch thuộc BQL KDL danh thắng NHS chia sẻ, những câu chuyện truyền thuyết đã mang lại sức sống mới cho ngọn núi Ngũ Hành. Khách phương Đông thường chăm chú lắng nghe những câu chuyện về động này. Ngoài ra, 5 ngọn núi Ngũ Hành còn mang giá trị lịch sử chống giặc cứu nước của dân tộc, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách.

Một ý kiến khác từ ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận NHS, những lễ hội đặc sắc dưới chân núi đã thu hút một lượng lớn khách du lịch. Hằng năm cứ đến ngày 17, 18 và 19-2 âm lịch, Lễ hội Quán Thế Âm, kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc lại được diễn ra, thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo, nhân dân và du khách gần xa đến tham dự, thưởng ngoạn và lễ bái. Riêng năm 2010, chương trình Lễ hội Quán Thế Âm sẽ có nhiều nét mới như tổ chức cuộc thi khắc đá mỹ thuật với chủ đề chính về Quán Thế Âm Bồ Tát, khánh thành bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật sau một thời gian trùng tu, sửa chữa; giới thiệu tượng Nghìn tay nghìn mắt do các nghệ nhân người Thái chế tác; động thổ xây dựng ngôi chùa đá tiêu biểu của Việt Nam… Ngoài ra, du khách còn có dịp thưởng ngoạn bức tranh về chùa Một Cột, được ghép lại từ những miếng ngọc vụn, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Khai thác khách du lịch ban đêm

Khách hành hương trong dịp lễ hội Quán Thế Âm (Ảnh VTL) 

Trước những thế mạnh về du lịch, văn hóa đó, từ cuối năm 2008, BQL KDL danh thắng NHS đã trình UBND quận NHS nội dung “Đề án tổ chức-khai thác khách du lịch tham quan ban đêm tại ngọn Thủy Sơn-Danh thắng NHS”. Dự án đã phân tích một số lợi thế của NHS so với những địa phương khác như lượng khách lưu trú qua đêm tại trung tâm thành phố ngày càng đông, các nơi vui chơi giải trí chưa được mở rộng. Đường Lê Văn Hiến dẫn đến danh thắng NHS đã được nâng cấp, mở rộng. Đường biển Sơn Trà-Điện Ngọc nối liền giữa Đà Nẵng-Hội An, các khu resort dọc ven biển đang được đầu tư, xây dựng ngày càng nhiều. Mặt khác, tại danh thắng NHS hằng năm, Lễ hội Quán Thế Âm (19-2 âm lịch) và Lễ hội Báo hiếu Vu Lan vào rằm tháng 7 tại Động Âm Phủ thu hút hơn 6 vạn người. Con đường Trần Hưng Đạo nối dài (đoạn từ đường Lê Văn Hiến đến đường Sơn Trà-Điện Ngọc), đi ngang qua địa điểm tổ chức lễ hội Quán Thế Âm được mở ra sẽ tạo thuận lợi cho khách thập phương khi về hành hương tại chùa trong dịp lễ hội.

Hiện nay, dọc tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc, có hơn 20 dự án du lịch ven biển đã và đang hoàn thành như KDL Địa Cầu, Thiên Thai, Resort, Mỹ Phát, Trung Hoa, Ả Rập, Hoàng Anh Gia Lai, Sao Việt, IVC… Những dự án này hình thành đã góp phần mang đến cho Đà Nẵng nói chung và NHS nói riêng lượng lớn khách du lịch. Theo đó, nếu dự án khai thác khách về đêm được triển khai và hoàn thành, sẽ tạo nên một nét mới cho NHS. Hệ thống điện trang trí mỹ thuật theo từng gam màu phù hợp, làm nổi bật đường nét, hình khối và các đường cong nghệ thuật để bắt mắt du khách, sẽ được lắp đặt tại các ngôi chùa, tháp, cổng tham quan, nhà tứ giác... Ngoài ra, đề án còn đề xuất việc trang trí điện mỹ thuật trong các hang động, tổ chức dịch vụ cơm chay, giải khát, sinh hoạt văn hóa ban đêm, góp phần tạo nên nhiều loại hình hoạt động văn hóa phong phú.

Ông Lê Quang Tươi, Trưởng BQL danh thắng NHS cho biết, hiện nay, BQL đã liên kết với 13 đơn vị lữ hành, bảo đảm lượng khách ổn định hằng năm. Ngoài ra, tổ chức khai thác được lượng khách tham quan ban đêm sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động, dịch vụ du lịch, tạo ra diện mạo mới cho khu đô thị NHS, góp phần cùng với thành phố mở rộng không gian du lịch cho khách nội thành và khách lưu trú qua đêm tại Đà Nẵng có nơi vui chơi, giải trí.

TIỂU YẾN

 

 

 

;
.
.
.
.
.