.

Bạo lực học đường: S.O.S!

.

Dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng sau vụ clip nữ sinh hai trường THPT ở Hà Nội và Hà Tây đánh bạn rất dã man được tung lên mạng thì, chiều ngày 27-3, một học sinh một trường THPT ở Đồng Nai đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm chết bạn cùng lớp ngay trước cửa lớp học. Bạo lực học đường (BLHĐ) đã đến hồi báo động!

Nền nếp trước, chất lượng sau

Vui chơi hồn nhiên để xa rời những cám dỗ xã hội: Ngày hội Văn hóa dân gian Trường THPT Ngũ Hành Sơn. 

Một học sinh sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra bị cô giáo phát hiện, đã không nộp bài mà còn có hành động vô lễ với cô giáo. Cô rất bình tĩnh: “Em có giết cô đi chăng nữa thì cô cũng phải xử lý em đến nơi đến chốn. Vì mục đích của cô là đi dạy, nên cô phải bám lấy mục đích đó mà làm. Nhưng cô rất tiếc một điều là nhà trường cưu mang em 3 năm nay mà em lại cư xử như thế. Ba năm nay, em không phải đóng học phí, Tết rồi, học sinh cả trường nuôi heo đất làm quỹ được gần 8 triệu đồng cũng trích ra một ít “lì xì” để em mang về làm quà. Giờ thì, em vô lễ với cô, cô chỉ buồn chút ít thôi, nhưng em không đáp ứng được những tình cảm của nhà trường và bạn bè dành cho em là điều cô đau buồn nhất”.

Lời giãi bày chân tình của cô giáo đã khiến em bật khóc, tỏ lòng ân hận: “Em xin lỗi cô, xin cô cho em một cơ hội nữa”.

Em này không có cha, mẹ tự túc sinh được hai anh em. Năm học trước, khi em lên lớp 11, cả nhà bàn với nhau để em tiếp tục học, còn em của em phải nghỉ học để kiếm sống. Tổ dân phố nơi em ở vận động một số tiền mang lên nói với thầy hiệu trưởng: “Nhà em này rất nghèo, thầy cho chúng tôi góp chút ít đóng học phí cho em”. Thầy hiệu trưởng giãi bày: “Cán bộ tổ dân phố lo cho cháu được, còn chúng tôi là thầy nó mà không lo được cho nó hay sao mà phải thu học phí? Anh mang tiền về đi, điều quan trọng là mong các anh tham gia giáo dục, quản lý cháu ở địa phương là giúp chúng tôi rồi”.

Đó là những chuyện xảy ra ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn, một trường vùng ven thành phố Đà Nẵng. 12 năm trước, khi về làm hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường có xuất phát điểm rất thấp này, thầy Phan Văn Tánh đã xác định: Xây dựng nền nếp học đường chỉ có một cơ hội duy nhất thôi, đó là năm học đầu tiên. Năm đầu không làm được thì những năm sau không bao giờ làm được. Còn chất lượng giáo dục ư? Sẽ từ từ làm sau. Thầy tâm sự: “So với nội thành, vùng ven có môi trường trong lành hơn. Ngũ Hành Sơn là một quận anh hùng, có thế mạnh về giáo dục truyền thống. Các em hằng ngày tới trường đi trên những con đường mang tên Mai Đăng Chơn, Huỳnh Bá Chánh... những người cùng quê hương, cùng họ hàng với mình, thì làm sao các em lại có những hành động sai quấy được?”.

Vẫn còn những khoảng cách

Một trong những trường có “đầu vào” thấp ở Đà Nẵng là Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang. Lớp 10 vào trường, chỉ tiêu là 10 lớp, nhưng trường nhận thêm 2 lớp nữa, nghĩa là bớt đi gần 100 học sinh lớp 9 nữa lơi bơi ngoài xã hội do không được tiếp tục đi học. Thầy Hiệu trưởng Phan Khôi phân tích, đô thị hóa đã làm mất nhiều ruộng. 5 xã cánh tây bắc Hòa Vang (Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh) hiện có gần 200 học sinh lớp 9 không còn giúp cha mẹ làm nông, nằm chờ năm sau thi tiếp vào lớp 10. Thói đời, rảnh quá thì dễ làm bậy. Cha mẹ đầu tắt mặt tối lo mưu sinh nên không biết con mình hằng ngày chơi ở đâu, kết bạn với những ai. Một số em có máu ưa làm “anh chị”, tụ tập một số bạn bè cùng rớt lớp 10 như mình đi kiếm cớ “gây sự” với học sinh trong trường. Nhiều em cũng biết hoàn cảnh của mình, muốn đi học, nhưng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hòa Vang thì xa quá, Trường tư thục Đức Trí thì ở tận dưới phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Chính những khoảng cách này đã tạo nên nguy cơ tiềm ẩn của BLHĐ.

Ở phố, nhiều phụ huynh vẫn còn thơ ơ với sự học của con em mình. Thầy Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà, than phiền: “Học sinh nghỉ học, phụ huynh không hay biết. Giáo viên chủ nhiệm gọi điện báo tin thì phụ huynh bảo trăm sự nhờ thầy/cô. Cô đến tận nhà tìm hiểu thì phụ huynh khó chịu: thôi cô về đi, con tôi không đi học nữa, cô đừng làm phiền tôi”. Ngành chức năng đôi lúc cũng thờ ơ không kém, theo thầy Phương, nhà trường phát hiện có nhóm học sinh tụ tập hùng hổ cãi vã sắp đánh nhau, báo cho công an thì công an bảo: Chờ cho đổ máu đã, mới có tang chứng (!).

Hiện nay, sau các vụ BLHĐ làm chấn động dư luận, các trường học ở Đà Nẵng ráo riết triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì nghèo, học yếu và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Thầy Lê Văn Lại, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước, xã Hòa Phong, tuy xác định học sinh nông thôn ít bị “nhiễm độc” hơn so với thành phố, nhưng vẫn đưa vấn đề nổi cộm này ra thảo luận trước Hội đồng sư phạm nhà trường để có giải pháp giáo dục đạo đức các em từ bậc tiểu học.

Hôm 12-3, khi Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đang báo cáo thành tích tại Hội nghị Nâng cao năng lực quản lý của Hiệu trưởng do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh thì bên dưới, nhiều người phát hiện clip nữ sinh trường này đánh bạn được tung lên mạng. Thầy Phan Văn Tánh dự hội nghị này, kể lại: “Đau lòng quá! Chúng tôi hết sức thông cảm với thầy, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Qua đó, thấy còn một khoảng cách nhất định giữa giáo dục học đường và thực tế xã hội, vì thế, về đạo đức học sinh, không ai nói trước được điều gì”.

Ông HOÀNG LIỄN, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Đà Nẵng: Giảm tải, giảm áp lực cho học sinh.

Môn học, sách giáo khoa hiện đã quá tải, học sinh không tiếp thu nổi sẽ chán học. Thêm vào đó, cha mẹ buộc con cái phải có điểm lên lớp, có bằng tốt nghiệp, vô hình trung tạo thêm sức ép cho học sinh, góp phần làm tăng nguy cơ BLHĐ. Theo tôi, nên giảm tải, như ý kiến của Giáo sư Văn Như Cương về giáo dục: Dạy học sinh mầm non về lễ giáo, tiểu học về đạo đức, trung học về giáo dục công dân. Nên giảm bớt những chương trình có tính chất lý luận mà nên tập trung về giáo dục đạo đức làm người cụ thể cho học sinh.  


VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.