.
1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Kỷ vật của người cha

Vào năm học lớp 9 trường Chu Văn An, lớp tôi có vài bạn bỏ học. Chung quy cũng do kinh tế gia đình eo hẹp. Trong số đó có người bạn khá thân, cùng công tác Đoàn với nhau ở phố Đại La (nay là Giảng Võ).

Ngày đó có lẽ là con phố nghèo bậc nhất Hà Nội với những người đạp xích lô, đồng nát, làm thuê lam lũ mưu sinh. Gia đình bạn tôi cũng trong số đó. Mẹ anh tối ngày chạy chợ, cha anh đạp xích lô. Nhưng bệnh phổi đã sớm cướp đi người cha lao lực, nuôi sống cả gia đình bằng cái xích lô cọc cạch. Anh đành xin vào trường trung cấp đường sắt. Ngày đưa tang ông cụ, tôi đã theo anh đến tận nghĩa trang. Hai năm học trôi qua, dường như bạn bè cũng dần quên anh. Sau buổi thi môn học cuối cùng tốt nghiệp phổ thông, tôi nhận ra người bạn của mình ngồi trên chiếc xích lô quen thuộc như đang đợi chờ ai.

- Ồ, Trung. Tôi vui mừng gọi to. Chờ ai hả ?

- Lên xe đi.

- Cậu chờ ai kia mà.

- Mình biết thế nào giờ này cậu cũng thi xong.

Thay vì đưa tôi về Hoàng Hoa Thám, anh lách qua đám đông học sinh, rẽ lối ra đường Thanh Niên. Buổi chiều, gió hai bên Hồ Tây – Trúc Bạch rười rượi thổi. Tôi cảm hết cái khoan khoái, nhẹ nhõm sau những ngày căng thẳng ôn thi. Lâu ngày gặp lại Trung, cậu ấy gầy quá.

- Đi đâu bây giờ?

- Cứ yên trí đi. Hôm nay mình sẽ dành một bất ngờ cho cậu.

Tôi ngạc nhiên vì giọng điệu có vẻ “anh Hai” của Trung. Tôi nhớ, khi còn học với nhau, anh là người kín đáo, e dè. Dẫu sao tôi cũng thực sự khoan khoái hít thở không khí nhuốm đầy hơi nước từ mặt hồ thổi lên và ngồi trên chiếc xe xích lô cót két, muốn đưa tôi đi cùng trời cuối đất nào cũng được. Hai tuần nữa mới phải thi đại học kia mà.

- Hôm nay mình đãi cậu một chầu. Quán này là nhất Hà Nội đấy.

- Vì cớ gì vậy?

- Một là, mình vừa mới có tháng lương đầu. 45 đồng/tháng, nhưng mới nhận có nửa. Cớ thứ hai là cậu thi đỗ.

- Mới vừa bỏ bút vào cặp xong, biết thế nào được. Nói trước bước không qua.

Kể từ ngày bánh tôm Hồ Tây ấy, tôi ít có dịp gặp lại anh. Nghe đâu anh được phân về một ga xép nào đó tuyến Hà Nội – Lào Cai. Khi chiến tranh bùng nổ, anh vào ga Vinh. Ga Vinh bị bắn phá tơi bời, không hoạt động được nữa, sau đó anh đi đâu, tôi không có thêm tin tức gì. Còn tôi, tốt nghiệp đại học xong, ít năm sau vào chiến trường B. Những khi hiếm hoi ít phút thảnh thơi, tôi nhớ về trường cũ, nhớ về những bạn học Hà Nội thuở Chu Văn An, chiếc xích lô cọc cạch bạn tôi lại hiện rõ trước mắt, lại nhớ bữa bánh tôm “túy lúy” Hồ Tây hồi nào. Thế rồi chiến tranh cũng đến ngày kết thúc. Tháng 12 năm 1975 tôi nghỉ phép ra Hà Nội. Chỉ mới xa thành phố có 5 năm, đường phố nào đi qua cũng lạ lẫm. Một buổi sáng mùa đông năm đó vô cùng buốt giá, tôi chợt thấy một chiếc xích lô đạp thẳng đến trước nhà.

- Cận thị có khác. Cứ trố mắt mà nhìn. Không nhận ra nhau sao.

- Trời ơi, Trung.

- Mấy đứa Chu Văn An mới cho mình hay tin. Lên Hồ Tây chứ.

Tôi bất giác cười váng lên.

- Vẫn giữ chiếc xe này sao?

- Bán đi rồi lấy gì đưa cậu lên Hồ Tây. Nói vui thôi. Của Cụ để lại, mình không nỡ. Mấy lần mẹ mình cũng bảo bán, để chật nhà. Nhưng mình nghĩ, thương ông Cụ quá.

Tôi nghe giọng bạn nghẹn nghẹn, không hỏi thêm gì. Theo tôi biết, chiếc xích lô già nua đó còn để lại một thời gian khá lâu trong ngôi nhà chật hẹp của bạn tôi như một kỷ vật của người cha. Cũng chính hồi khốn khó sau chiến tranh, một người bạn tình cờ thấy anh đan áo, những ngón tay cứ là thoăn thoắt như một người thợ đan len thực thụ. Sau những ngày đi làm, anh nhận len mậu dịch về làm thêm, có tiền nuôi mẹ già. Nhưng chiếc xích lô thì anh vẫn giữ. Mỗi lần đến anh, lặng lẽ thắp mấy cây hương lên bàn thờ, tôi lại nhớ tới người cha của bạn mình đã từng gồng lưng đạp xích lô qua những con đường Hà Nội bụi bặm, gập ghềnh nắng mưa để nuôi hai người con trai ăn học. Một trong hai người con sau này đã hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Xích lô ở Hà Nội ngày càng vắng bóng, còn chăng chỉ là mấy xe kiểng, chở khách Tây du lịch cố đô Thăng Long. Năm 2001 thành phố đã có quyết định ngưng hành nghề xích lô trong thành phố. Không hiểu chiếc xích lô già nua của bạn tôi nay có còn không. Nhưng tấm lòng anh bạn tôi dành cho người cha quá cố thì vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi mỗi khi nghĩ đến anh, đến những người bạn thuở học trò vô tư.

Nguyên Phước

;
.
.
.
.
.