.

Bên hồ Thiền Quang

Vào năm 1960, tôi đã sống ở Hà Nội được đúng 5 năm, nhưng nói cho ngay thì tôi cũng chỉ quanh quanh mấy con phố vắng gần nhà. Một khúc đường Trần Hưng Đạo, một đoạn đường Đinh Công Tráng, Lê Thánh Tông, vòng về Đặng Thái Thân, Phạm Ngũ Lão. Xa hơn một chút là phố Hàn Thuyên, ngược lên một chút là Hàm Long, nơi có ngôi trường tuổi nhỏ của tôi. Thế thôi, Hà Nội thu gọn trong tôi chỉ có thế.

Nhưng từ ngày được làm học trò của “thầy vẽ Song”, Hà Nội của tôi như có cánh cửa mở dần ra. Tôi không chỉ có thêm các con phố, vài ba ngôi chùa gần đó mà từ những ngõ nhỏ, lặng lẽ khuất nẻo, từ con nước mặt hồ, tôi có thêm một Hà Nội phía sau Hà Nội.

Có lẽ niềm đam mê hội họa đến kỳ lạ, không giải thích nổi đã đưa đôi chân chàng thanh niên trai trẻ Phạm Viết Song từ tỉnh Thanh lặn lội đến Hà Nội từ giữa những năm ba mươi thế kỷ trước, khi ông trở thành sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhà ông ở là một con phố yên ả, với nhiều biệt thự xây theo lối kiến trúc Pháp thế kỷ mười chín, nhìn thẳng ra hồ Thiền Quang. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên khi tới nhập học. Ông không hề nhìn tôi, mà cũng chẳng thấy ai ghi danh, điểm mặt. Bất ngờ nghe ông nói, “vẽ đi”. Thoạt đầu tôi tưởng ông nói với anh bạn bên cạnh, người đang lúi húi vẽ mẫu một cái bình sành. “Anh bạn trẻ, vẽ rồi tôi xem”. Lần này thì tôi biết ông nói với tôi. Nhưng vẽ gì mới được chứ , khi mà tôi chưa học cách bôi màu.

- Thưa… vẽ gì ạ?

- Vẽ cái mà cậu thích, cậu thường nghĩ tới.Vẽ, thế thôi.

Cái cảm giác bối rối ban đầu ấy khiến tôi không sao quên được ông. Chỉ sau mấy tháng học, tôi đã có ít nhiều khái niệm về luật viễn cận, về ánh sáng. Tôi tốn khá nhiều bút chì loại 2B, 4B để đánh bóng mấy cái lọ cũ kỹ, sần sùi, bôi màu lem nhem trên mấy tờ giấy kroki. Có một lần ông dẫn 5 học trò ngờ nghệch chúng tôi ngược lên phía sông Hồng. Nhìn trời đổ mưa ầm ào, bong bóng phập phòng trên sân đình, lũ chúng tôi ngao ngán nhìn trời, nhìn cơn mưa. Vậy là chuyến đi vẽ trôi đi cùng cơn mưa mùa lũ. Xo gối bên mấy chiếc ghế gỗ xiêu vẹo, ông rỉ rả kể cho chúng tôi nghe về bến trúc Nghi Tàm, nơi chúng tôi đang trú mưa. Ông nói, xa xưa trên bờ hồ này có một bãi trúc xanh mướt, la đà sát mặt hồ. Đó là vào giữa những năm đầu thế kỷ 18. Các chúa Trịnh thường lên phía Nghi Tàm Quảng Bá quanh hồ Tây để nghỉ ngơi, bơi lội. Chúa cho xây nhiều nhà nghỉ trông ra mặt hồ, trồng rất nhiều trúc để làm bến tắm cho các mỹ nữ bơi lội, vẫy vùng. Ít lâu trúc mọc thành bờ thành bãi, xanh mướt dọc ven hồ, Nghi Tàm trở thành tiên cảnh của đất Thăng Long. Mấy tuần lễ sau, một anh bạn rụt rè rút trong cặp bìa carton ra mấy tờ giấy. Ông chăm chú nhìn vào một ký họa rồi lặng lẽ gật gù “được đấy”. Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi, lẽ nào lại vẽ từ trong trí tưởng sao. Ví như bến trúc, là chuyện từ xửa, từ xưa thuở vua Lê chúa Trịnh, mà có khi cũng chỉ là giai thoại mơ hồ mà thôi, trong khi vẽ, phải là những thứ phải dụng mắt mà nhìn, dụng tay mà sờ, như cái bình, cái lọ, như cái vườn cây, mái chùa chẳng hạn. Nhưng dẫu sao, bức ký hoạ “bến trúc” của anh bạn cũng thật mê hoặc, đem đến cho tôi một gợi mở nào đó, nhất là nét huyền hoặc xanh mờ hiện thấp thoáng trong mưa. Không nhìn rõ cành lá nhưng có gì đó như man mác, gợi nhớ, như ngõ về một lối nhỏ xa xăm. Từ cái phút ngỡ ngàng đó tôi như vỡ lòng một chút riêng tư nghề vẽ mà trước nay tôi chưa từng nghĩ tới.

Lại một làn mưa bất chợt, nhưng lần này không phải là mưa đại ngàn, sấm sét mà chỉ là cơn mưa lây phây cuối xuân đầu hạ bay qua mặt hồ Thiền Quang. Tôi đang tìm cách chạy trốn cơn mưa thì bất chợt nhìn thấy ông thầy vẽ của tôi ngồi tựa vào thành ghế ven hồ. Ông nhìn tôi rồi gõ gõ ngón tay vào bên phần ghế. Tôi hiểu, ông muốn tôi ngồi bên cạnh.

- Anh có biết vì sao gọi là Thiền Quang không? Nghe như một cõi của trời đất nhỉ. Đó là tên một thôn cũ nằm ở phía Đông Nam, nó chéo chéo tay tôi đây. Còn phía Tây Bắc này là thôn Liên Thủy, nên hồ này xa xưa còn có cái tên là Liên Thủy nữa đấy, cái tên thật gợi, phải không. Mặt hồ ngày đó rộng lắm, rộng lan hết đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sang Trần Quốc Toản bây giờ, tràn sang cả hồ Bảy Mẫu. Mênh mang nước. Bây giờ chỉ còn thế này thôi.

Mưa tạnh mà ông vẫn ngồi im, trầm ngâm như một chân dung hoài niệm. Sau này tôi không đi theo nghiệp vẽ như tuổi trẻ tôi từng mơ ước. Nhưng tôi vẫn ghi ở trong lòng một lần thầy vẽ nói, “phải biết nhìn thấy cả những gì ẩn ở phía sau cái mình nhìn thấy”.

Ngày ngày sống, ngày ngày đi qua từng con phố, tôi cảm nhận thêm một chút Hà Nội ẩn ở phía sau Hà Nội. Hồ Thiền Quang trước mặt tôi đây như rộng ra, mênh mang, và cơn gió cứ vậy, mơn man. Hà Nội đang chuyển dần sang thu. Chỉ nghĩ đến thế thôi cũng đã thấy tiếc nuối khi Hà Nội cứ mỗi ngày qua đi, lại mất thêm một ít hồ, mất đi một ít màu xanh, một ít gió thoảng, vẻ đẹp mà trời đất đã ưu ái dành cho Hà Nội.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.