.
Chuyện xưa xứ Quảng

Cãi Quảng Nam trên văn đàn xưa

.

Cãi Quảng Nam trên văn đàn học thuật đã đi vào thành ngữ/tục ngữ: Lý sự Phan Khôi. Trận chiến “Gươm đầu lưỡi” được khai hỏa trên Phụ nữ tân văn (PNTV) số 28 ngày 7-11-1929 với bài “Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ - Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng” của Phan Khôi. Trong bài, nhân bàn về “chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ”, ông Phan đã lôi tên hai ông nhà văn danh tiếng Nguyễn Chánh Sắt và Đặng Thúc Liêng ra dẫn chứng về sự phát âm và viết sai chính tả: Sắt ≠ Sắc; Liêng ≠ Liên.

Do hay cãi, Phan Khôi đã đi vào thành ngữ “Lý sự Phan Khôi”. Trong ảnh: Nhà văn Phan Khôi trong lễ kỷ niệm ngày sinh Lỗ Tấn tại Bắc Kinh năm 1956. (Ảnh tư liệu). 

PNTV số 30 ngày 28-11-1929, ông Đặng Công Thắng – con ông Đặng Thúc Liêng liền lên tiếng, nói rằng tên thân phụ ông viết Liêng là theo sự giải thích của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là “Thiêng liêng”. Ông Công Thắng còn biện luận thêm: “Chữ quốc ngữ viết thế nào thông nghĩa thì thôi, không cần viết đúng vì không có hàn lâm viện, sách mẹo quy định”, rồi trách mát ông Phan là “Người Trung Kỳ vô đây kiếm ăn, còn làm phách...”. Riêng ông Nguyễn Chánh Sắt thì trách nhẹ: “Ông Phan nhiều chuyện quá”.

PNTV số 31 ngày 5-12-1929, Phan Khôi bắt đầu gân cổ cãi: “Tôi thì nói quốc ngữ phải viết cho đúng. Theo lời ông Thắng thì cái chữ “Liêng” tên ông thân ông, là do ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai biểu viết như vậy, vì hồi đó chưa có tự điển nào hết. Sự đó là việc riêng nhà ông, thiệt hư thế nào tôi đâu có biết. Tôi đã nói rõ ràng nếu là chữ 蓮 (hoa sen – ĐNCT) thì phải viết là Liên mới đúng, còn viết là “Liêng” thì trật, vì hai chữ phát âm không giống nhau, bởi vậy mới một chữ không g, một chữ có g, không cần phải nói thêm tự vị làm chi cho ông lấy cớ hồi đó chưa có tự vị, nay tôi chỉ nói gọn rằng: hễ ai biết phát âm cho đúng thì trong khi thấy chữ 蓮 phải viết quốc ngữ là Liên chứ không viết Liêng được. Tôi nói thế mà ông lầm ra nghĩa khác, ông nói rằng tôi cắt nghĩa chữ Liêng là “nôm” và Liên là “chữ” rồi đem phân bì nói chữ “vương” là vua và “vương vấn”, chữ “quốc” là nước và “chim quốc” mà nói rằng “nôm, chữ” chế lẫn nhau, không sao đâu, thì cái đó là ông lầm.

“Tôi xin cắt nghĩa chỗ đó. Nôm, chữ có khi lẫn nhau thực như “vương”, “quốc” ông nói đó là vẫn là lẫn nhau vì nó phát âm như nhau, đó là đồng âm mà khác nghĩa (đây là chỗ bất cập của chữ quốc ngữ la tinh hóa – NSD). Còn chữ Liên và Liêng phát âm khác nhau, đó là khác âm và khác nghĩa. Tôi nói đây là vấn đề phát âm, chứ không về cái vấn đề nôm với chữ.

“Ông nói tên chữ Hán như tên Khôi tôi mà có thể thêm bớt là không được. Tên tôi là Khôi [瑰] (một thứ đá đẹp kém ngọc – ĐNCT), chớ không phải 魁 (đầu sỏ, người đứng đầu – ĐNCT) và 傀 (to lớn, vạm vỡ - ĐNCT), như ông biết. Khôi còn nhiều chữ đồng âm nữa mà hễ cứ chữ ấy, chứ có đâu thêm bớt được như ông tưởng lầm. Nếu ông viết như vậy, thì người ta phải cho ông là không thuộc mặt chữ. Thiệt tình, nếu ông ít thông chữ Nho thì đừng nói bướng mà người ta cười. Hoặc giả ông có ý đem cái tên Khôi là “thằng giặc Khôi” (ý chỉ Lê Văn Khôi thời Minh Mạng - NSD) mà kiêu ngạo tôi nữa chăng? Nếu quả vậy, cũng không hại chi.

“Đến như ông nói “văn tự quốc ngữ, mẹo luật không ai bày, hàn lâm viện đâu, quý hồ viết cho thông nghĩa. Tôi xin ông đi, đừng nói ngang vậy không được. Bởi nó không có mẹo luật nên mình phải làm cho có mẹo luật, không có hàn lâm viện thì mình làm cho có hàn lâm viện. Ông nói “quý hồ viết cho thông nghĩa” là có ý không cần đúng chữ. Trời ơi! Ông lầm quá. Thế gian có thứ chữ nào viết không đúng chữ mà lại thông nghĩa được? Như chữ “chẳng lẽ” nghĩa là chẳng có lẽ mà nếu theo lời ông viết ra “chẵn lẽ” cũng được. Nhưng nếu viết theo chữ sau đó thì lại thành ra nghĩa khác, nghĩa nó là đôichiếc (pair et impair). Vậy mà ông muốn đánh xô bồ là một có được đâu”.

Sự việc “Cãi” đã xé to. Nghị viện Hội đồng Quản Hạt yêu cầu “đặt riêng một hội đồng soạn sách theo tiếng Nam Kỳ cho con nít ở Nam Kỳ học, sách Nam dùng cho Nam, sách Bắc dùng cho Bắc”. Bằng giọng Quảng Nam thẳng ruột ngựa, ông Phan Khôi viết bài “Một vấn đề thống nhứt tiếng Việt Nam (PNTV số 37 ngày 17-1-1930) và kêu gọi “Nên nhóm toàn quốc đại hội nghị”, ông kết án nặng nề: “Chỉ những kẻ ngu dốt, điên khùng, khốn nạn mới có thể nói được rằng tiếng An Nam không cần gì học, tiếng An Nam là đồ bỏ, viết sao thì viết, đọc sao thì đọc”.

Cuộc cãi vả ấy đẩy độc giả thành hai trận tuyến. Về lý, nhiều người Nam Kỳ đã lên tiếng tán đồng ý kiến của Phan Khôi, nhưng về sự cũng không ít người nhíu mày cái giọng Quảng Nam thẳng ruột ngựa khó chịu nhưng... đáng yêu: “Hoặc giả ông có ý đem cái tên Khôi là “thằng giặc Khôi” mà ngạo tôi, nếu quả vậy cũng không hại chi”.

Nguyễn Sinh Duy

 

;
.
.
.
.
.