.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chùa Lầu Duy Xuyên

.

Chùa Lầu ban đầu có tên là chùa Ngũ Thôn, tọa lạc trên khu đất rộng hơn một mẫu tại một xã gồm năm thôn họp thành, gồm Mỹ Hòa, Trung Thái, Tố An, Trung Mỹ và Nam Yên. Tên chùa về sau thành tên xóm, xóm Chùa Lầu, giáp giới xóm Văn Thánh bên cạnh – nơi có Văn thánh thờ Khổng Tử.

Chùa Lầu Duy Xuyên ngày nay... (Ảnh: VTL) 


Chùa Lầu hiện ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ - Trung Hoa với dấu ấn riêng không lẫn vào đâu được. Theo lời Đại đức Thích Như Giải, người trụ trì chùa Lầu hiện nay, chùa xưa có chính điện dài 11m, rộng 8m, quay mặt về hướng Nam, nhắm núi Hòn Bằng làm chuẩn. Tam quan cao 6m, tường dày 1m, cao 2m. Chùa được trùng tu hai lần, lần đầu vào năm Bảo Thái thứ nhất (1720) đời vua Lê Dụ Tông, lần thứ hai vào năm Minh Mạng thứ tư (1823). Vì chiến tranh, năm 1948, chùa bị hư hại, đến năm 1968 thì sụp đổ hoàn toàn. Đồng bào Phật tử dựng tạm ngôi Niệm Phật đường ở xóm bên, cách chùa cũ khoảng nửa cây số.

và tượng Phật cổ phát hiện trong di chỉ chùa xưa. (Ảnh: VTL)

Dân gian kể rằng, trong làng có một người học trò tên là Võ Thanh Sơn, nhà nghèo, phải nghỉ học sớm, đi làm nghề dệt để giúp đỡ gia đình. Hôm nọ, trên đường đi làm, anh gặp một vị tăng du phương (còn gọi là tăng hành cước – nhà sư không ở cố định, đi dạo rày đây mai đó) gọi lại, ngắm nghía anh một lúc rồi bảo: “Đi dệt thế này chắc là vất vả lắm. Muốn thoát nghèo, con phải vô chùa Lầu lạy Phật hằng đêm. Ở ngoài Vạn Buồng có một bà già hằng ngày mò ốc kiếm cơm, mắt mù, nhưng tâm rất sáng. Con hãy bố thí cho bả một ít, rồi năng phóng sinh, lạy Phật thì chùa Lầu sẽ đẩy con đi rất xa”.

Anh thợ dệt nghèo làm y lời nhà sư dặn. Không lâu sau, một duyên may đã đưa đẩy anh vô Sài Gòn làm nghề dệt cho đồng hương ở khu Bảy Hiền. Với lòng ham học của dân Quảng, anh vừa làm vừa học, thi đỗ vào Y khoa, được học bổng du học qua Mỹ. Chẳng mấy chốc, anh học trò nghèo khi xưa đã trở thành một ông bác sĩ tài năng, giàu có, luôn mơ ước quay về thăm chùa. Ông ngẫm lại, mình không có tài cán gì nổi trội, phước đức lại không, vượt lên là do cơ duyên Trời Phật đưa đẩy. Khi trùng tu chùa, thiện nam tín nữ xa gần cúng một nửa, riêng ông thành tâm cúng một nửa chùa.

Người dân Ngũ Thôn tha hương vô Bảy Hiền mưu sinh bằng nghề dệt, mỗi khi nhớ nhà lại kể nhau nghe chuyện xưa, tuy mỗi người một cách nhưng tựu trung không ngoài việc làm lành lánh dữ để nhận phước đức ở đời.

Chùa xưa lớn, tam quan cũng lớn hơn bây giờ. Trong sân chùa còn giữ một tảng đá táng rất to, căn cứ vào đó thì hẳn cây cột xưa phải lớn lắm. Tương truyền có một ông sư về ngủ trong chùa, nửa đêm thấy một vị Phật về kêu rằng bị đè dưới lớp đất đá đau quá. Sáng ra, sư cho người đào nhiều nơi vẫn không thấy gì. Chuyện bẵng đi một thời gian dài thì gần mười năm trước, tình cờ nhà chùa khi cho đào cái hố trồng cây vô tình đúng ngay trên đống gạch vụn, phăng dần ra thì phát lộ một tượng Phật bán thân bằng đá sa thạch, cao khoảng 25cm, nét mặt nhân từ, đội chiếc mũ rất cao. Điều lạ lùng là toàn bộ phần đầu của bức tượng được chạm trổ trong lòng một bàn tay khổng lồ, ngón cái cao bằng phần nhọn của chiếc mũ.

Chùa và tam quan được trùng tu theo nguyên kiến trúc xưa, nhưng nhỏ hơn. Ngoài Ngũ Thôn, chùa còn có tên là Nam Thi, Xuyên Trường - gọi theo tên hành chính của Duy Trinh ngày trước. Nhưng tên cổ nhất là Cổ Lâu Tự, nghĩa là chùa có cổ lầu, gọi tắt là chùa Lầu. Tên gọi chùa Lầu đã đi vào dân gian, quá đỗi thân thương rồi nên một lúc nhà chùa cho treo tấm bảng Cổ Lâu Tự, bà con thấy xa lạ làm sao, đề nghị giữ tên cũ. Thế là nhà chùa đành dỡ bảng Cổ Lâu Tự xuống cất vào kho, treo lại bảng cũ.

Sau khi hoàn thành công trình trùng tu chùa vào năm 1995, Tỳ khưu Thích Quảng Hạnh đã làm câu thơ lưu niệm: “Chùa Lầu đứng vững như xưa/ Ngũ Thôn tên cũ hương thừa còn bay”. Đại đức Thích Như Giải, khi về trụ trì chùa, cũng có thơ lưu lại: “Chùa Lầu ở xã Duy Trinh/ Thương yêu đùm bọc vẹn tình nghĩa nhân/ Phát tâm hướng thiện tu thân/ Nhà vui xóm đẹp xa gần bình an”.

Theo nội dung tấm bia “Lịch sử chùa Lầu” được lập ngày 10-6-1999 hiện gắn ở chùa thì “Tương truyền, chùa do Thiền sư Tuệ Tĩnh sáng lập vào năm Ất Hợi, niên hiệu Dương Hòa (1635) đời Lê Thần Tông (1619-1643)”. Điều này chưa xác quyết, vì theo nhiều tài liệu thì Thiền sư Tuệ Tĩnh sinh năm 1330 (thời nhà Trần), mất năm 1400 (vừa rồi, nhiều nơi trong nước đã tổ chức kỷ niệm 610 năm ngày mất của ngài). Thiết nghĩ, rất cần sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu về vấn đề tồn nghi này để chùa Lầu xứng danh là một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh của vùng đất Duy Xuyên nói riêng, xứ Quảng nói chung.

VĂN THÀNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.