Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
TỐ HỮU
Mùa mưa năm ấy thật khủng khiếp. Tưởng như có một túi nước khổng lồ trên trời bị bục vỡ, nước cứ tuôn xuống xối xả, triền miên hết ngày này sang ngày khác, hàng tuần, hàng tháng, suốt mùa. Các con suối ngày đêm gào réo ầm ầm như thú dữ bị chọc tiết. Cả khu căn cứ bị dầm trong nước. Mọi con đường dẫn đến kho gạo đều bị tắc.
Đói. Đầu tiên thì đói gạo. Người ốm cũng phải húp cháo sắn. Mới thấm câu “hột cơm là hột ngọc của trời” mẹ thường nói ngày trước. Bây giờ, đối với chúng tôi thì sắn cũng là ngọc rồi. Mỗi bữa nhà bếp chỉ chia cho mỗi người vài ba mẩu sắn luộc nhỉnh hơn cán dao.
Công tác chuyên môn tạm gác lại – cái “chuyên môn” lớn nhất bây giờ là tìm cái ăn. Việc hằng ngày của mỗi người gồm hai phần rõ rệt: đi cõng sắn cho bếp cơ quan và tìm đồ nấu cho bếp bộ phận.
Và bộ phận tôi, gồm 5 người, nhất trí như sau: người ở nhà đi lấy măng, lấy rau, người đi gùi sắn phải tìm cách làm “dính gùi” một củ mang về nộp cho bếp bộ phận. Làm thế nào để sắn dính được vào đáy gùi? Cậu Tài, người tháo vát nhất cầm chiếc gùi vải dốc ngược, đưa ngang mày, hai tay giả bộ nắm chặt củ sắn ở đáy gùi giũ mạnh một cái trước mặt mọi người, cuộn nhanh chiếc gùi cặp vào nách rồi chém tay vào không khí, tuyên bố: “Bảo đảm không có cách gì phát hiện được”. Sau này, mỗi lần đi công tác, thấy tiếp viên hàng không hướng dẫn hành khách sử dụng phao cứu sinh trên máy bay, tôi sực nhớ lại cái màn “ảo thuật” ấy của Tài, vừa buồn cười, vừa thương bọn chúng mình một thời không thể nào quên.
Hôm ấy đến phiên tôi đi cõng sắn. Cầm chiếc gùi vải đã được cuốn tròn như cái dù xếp, khoác áo mưa, khom lưng bước ra khỏi lán còn nghe một cậu nào đó dặn với theo “cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đấy”. Lần đầu tiên đi làm “nhiệm vụ” này thật không đơn giản. Tôi dò dẫm lần bước theo đoàn người đi cõng sắn mà bứt rứt, đắn đo, nghĩ đi thì thấy làm thế nó không ngay ngắn đàng hoàng, nó kỳ cục thế nào, nhưng nghĩ lại thì… thật khó quá! Trong người như có một vật lạ trơn nhẵn cứ lăn qua lăn lại trăn trở không yên.
Lấy bớt một củ sắn của bếp ăn tập thể lúc này khác nào cắn bớt phần ăn đã quá ít ỏi của anh em? Nhớ lời Tài lý sự: giả sử sức mình chỉ cõng được mười củ, mình chỉ lấy củ thứ mười một mà mình ráng cõng thêm cho bếp tập thể chứ đâu có lấy bớt củ thứ mười của bếp cơ quan? Nhưng Tài ơi, đó chỉ là lý lẽ của cái bao tử đang lép kẹp của chúng mình phải không cậu? Tôi thầm tranh luận với Tài như thế.
Nhưng rồi nghĩ tới anh em ở nhà đang đi đào rau má để chiều về mình có được bát canh nóng. Tôi đã đi đào tôi biết: mang tơi đội nón ngồi chờ mưa ngớt là cầm dao găm xông ra các đồi tranh, vạch tìm từng bụi rau má. Phải nhổ cho được cả củ và rể mới tốt, ăn vừa no vừa có vị thuốc – anh em vào chiến trường trước truyền lại thế. Mà đâu có dễ gì: rễ rau cứ bện chằng chịt vào rễ tranh, phải lấy mũi dao móc sâu xuống mới bật lên được, không khéo mũi dao lại đâm vào tay. Lại vắt, lại lá tranh cứa vào mặt. Trong khi anh em ở nhà cực thế, mình đi cõng sắn có một củ mang về cùng ăn bữa tối đâu có gì quá đáng.
Cứ lưỡng lự, đắn đo như thế cho tới lúc đến được chỗ lấy sắn. Như một cái máy, tôi làm đúng theo hướng dẫn ở nhà: chọn củ to nhất, dài nhất lót dưới đáy trước khi cho sắn vào gùi, khoác dây gùi lên vai, đứng thẳng người lên, xóc mấy cái để thử sức, rồi bước theo anh em trở về cơ quan. Trên đường về, thỉnh thoảng tôi lại quành tay ra sau nắn nắn đáy gùi xem củ sắn đó có còn nằm đúng vị trí không. Tay thì làm vậy nhưng bụng vẫn cứ phân vân: Nên? Không nên?
Khi về gần tới bếp, tim cứ đập dồn dập, trong đầu như có hai bóng đèn điện tử cứ nhấp nháy liên tục xanh - đỏ, xanh - đỏ…
Bước vào bếp ăn, tôi xóc gùi đứng đợi. Hai cháu nhà bếp, một cháu xướng to tên người vừa đổ sắn, một cháu ghi sổ. Cháu gọi tên chính là Lý. Thấy Lý tôi bỗng nhớ: Lúc mới từ đồng bằng lên, vì cực quá chịu không nổi, Lý cùng mấy bạn rủ nhau trốn. Khi bị các chú “bắt” về, anh phụ trách hỏi:
- Tại sao trong thùng gạo còn được năm lon mà bọn bay chỉ xúc hai lon mang theo, không sợ chết đói dọc đường à?
Lý mếu máo trả lời:
- Cháu cứ cầm cái lon xúc lên đổ xuống mấy lần rồi… sợ không có hơi gạo, các chú đau nặng chết mất, nên chỉ dám xúc chừng ấy…
Giờ đây nhìn Lý đứng bên đống sắn, tôi như còn nghe giọng Quảng Ngãi thương thương tội tội của cháu, tự nhiên người tôi nóng bừng, mặt như có hàng trăm hàng nghìn con kiến bò rần rần. Không, không thể! Đến lượt mình, tôi mang gùi sắn dứt khoát bước lên, nghiêng gùi, những củ sắn lùi lủi tuôn nhanh. Riêng củ sắn ấy cứ mắc lại dưới đáy gùi, tôi thò tay lôi ra và ném “bịch” xuống đống sắn. Đúng lúc đó, tiếng cháu Lý vang lên “Chú Phát”. Một cảm giác vui mừng hảnh diện rất trẻ thơ y hệt hồi còn đi học, được cô giáo gọi tên mình trong số những học sinh được ghi lên bảng danh dự của lớp. Tôi gỡ chiếc mũ tai bèo lau mồ hôi trán và bước nhanh khỏi bếp.
Vừa trút đi một gánh nặng, nhưng người lại mệt rã rời. Cõng nặng, đường xa, lại thêm nỗi dằn vặt làm nhược sức, tôi cầm chiếc gùi không lê bước về lán. Cảnh tượng ở nhà đã diễn ra đúng như trong trí tưởng tượng của tôi. Mấy bạn tôi đang ngồi quanh mớ rau má chờ tôi mang sắn về để nấu. Thấy tôi thất thểu bước vào, vẻ thất vọng không cần che giấu trên những khuôn mặt xanh xao, hốc hác. Tài hỏi ngay: Sắn đâu? Tôi uể oải ngồi xuống, quay lưng nhìn ra ngoài trời, một lúc lâu mới nói thật vì sao tôi không nỡ… Nghe tôi nói, cả bọn ngồi im như hóa đá, chẳng ai nói với ai lời nào. Sau đó, trong khi mọi người lụi cụi rửa rau nấu canh, tôi mắc võng nằm nhai sắn. Khi canh chín, anh em vẫn chia phần cho tôi. Tài mang đến đầu võng nói như dỗ trẻ:
- Ráng dậy húp với bọn mình chút canh, đi cõng về mệt, nuốt sắn sao nổi.
Chưa bao giờ tôi thấy thương Tài và các bạn như thế. Với một chút gì như tủi thân, tôi nói nhỏ:
- Canh rau má, đắng lắm không húp nổi!
Nói xong tôi trở mình khoanh người trong võng, bụng cồn cào nhưng cổ họng đắng ngắt, cắn miếng sắn mà không sao nuốt nổi. Còn các bạn tôi thì lặng lẽ ngồi “dùng bữa tối” bên bếp lửa, tiếng húp canh xì xụp của họ làm cho đêm mưa sụt sùi giữa rừng Trường Sơn càng thê lương thêm.
Sau đó không lâu, mùa mưa dứt, đường lấy gạo thông, mọi sinh hoạt ở căn cứ trở lại bình thường.
Rồi Ba Mươi Tháng Tư Một Chín Bảy Lăm. Rồi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều năm tháng đã trôi qua, cuộc sống đã khác xưa nhiều, sắn với chúng tôi đã trở thành kỷ niệm.
Một lần, Tài ra Đà Nẵng chơi, ghé thăm tôi, tôi dặn nhà tôi bữa cơm phải có món sắn tráng miệng. Khi thấy bưng sắn ra, Tài giơ hai tay lên trời reo: “Tuyệt vời! Tuyệt vời!”. Rồi chọn một củ giơ lên trước mặt nhà tôi, Tài nói, giọng đầy xúc động:
- Bà biết không, cái thằng cha này vừa là ân nhân vừa là ông thầy của bọn này đấy, bà nhá!
Nói xong, Tài quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn hỏi “đúng không” rồi bất ngờ nắm lấy bàn tay tôi, bóp mạnh.
Chỉ tôi mới hiểu được cái bắt tay ấy.
Tháng 4 năm 2010
PHẠM PHÁT