* Vì sao ngày trước dân gian gọi những người đỗ tiến sĩ là ông Nghè? (Nguyễn Thị Mai, Hội An, Quảng Nam).
- Để trả lời câu hỏi này, xin trích dẫn bài viết “Ông Nghè có từ đâu vậy?” của PGS. TS Phạm Văn Tình đăng trên Lao Động Cuối tuần số 11 ra ngày 28-3-2010 dưới dây:
“Về thời gian xuất hiện (tên gọi ông Nghè - ĐNCT) thì cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ. Nhưng về nguồn gốc thì hiện có 2 cách giải thích khác nhau.
Thứ nhất, theo Từ điển Việt - Bồ - La của A de Rhodes (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651) định nghĩa nghè là “chức vụ của các bậc văn nhân”. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí tiến đức (Hà Nội, 1931) và Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (Sài Gòn, 1958) đều định nghĩa nghè là “phòng làm việc trong điện các của nhà vua”.
Đời Lê chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được vào làm việc trong điện các, cho nên mới gọi tiến sĩ là ông nghè. Đến triều Nguyễn, những người được vào trong các, dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè. Các vị tiến sĩ trước khi vào chầu chính thức thường được xếp đứng tại phòng nghè rồi lần lượt tiến vào triều nhận mũ áo vua ban.
Vinh quy: Tiến sĩ vinh quy. (VTL chụp lại từ tranh ký họa của Henri Orger)
Còn cách thứ hai thì giải thích là, nghè vốn là một bộ phận kiến trúc của đình - vốn là nơi thờ Thành hoàng và đồng thời là trung tâm hội họp tế lễ của cộng đồng làng xã thời trước. Đình là nơi vừa thân quen, gắn bó, vừa tôn nghiêm, cổ kính. Nghè có thể ở vị trí gần sát đình hay xa hơn một chút, nhưng nó là một bộ phận cấu thành trong quần thể kiến trúc của đình. Nghè cũng có ban thờ, có thể có mái che hoặc có nơi đặt lộ thiên.
Theo quan niệm của nhiều nơi, nghè mới chính là nơi trú ngụ thường ngày của Thành hoàng. Chỉ khi nào có đám người ta mới làm lễ rước Thành hoàng vào đình, xong việc lại rước trở về nghè. Và nếu ở địa phương nào có ai đó đỗ đạt tới bậc tiến sĩ, thì chính các vị tiến sĩ sẽ được vinh dự nhận trọng trách đón rước Thành hoàng. Các vị tiến sĩ lúc này có sắc phục riêng và tuân thủ theo một nghi thức rất long trọng. Vì vậy, họ được gọi là Ông Nghè, với chức trách đứng tại nghè để thực thi công việc tế lễ. (Phải chăng vì vậy mà dân gian dùng đại từ Ông với hàm ý trang trọng?).
Hai cách giải thích đó phản ánh sự khác biệt nhất định về quan niệm, gắn liền với lịch sử, địa lý, phong tục. Theo chúng tôi, cách giải thích thứ nhất (trong 2 cuốn từ điển trên) có nhiều cơ sở tin cậy vì luận cứ khá xác đáng của nó”.
Cha làm thầy, con bán sách
* Xin cho biết, “Cha làm thầy, con bán sách” và “Cha làm thầy, con đốt sách”, cách nói nào đúng? (Phan Ngan, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- “Cha làm thầy, con bán sách” là cách nói đúng, như Nguyễn Lân đã ghi thành một mục từ trong Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 1997) và giảng: “Than phiền cảnh người con không nối tiếp được những đức tính của cha, hoặc bôi nhọ thanh danh của cha”.
Tục ngữ “Cha làm thầy, con bán sách” được các nhà nghiên cứu xếp vào chủ đề “Dòng dõi – Nòi giống”. Cùng với trường nghĩa này, dân gian có câu “Đời cha vo tròn, đời con bóp bẹp”.
“Cha làm thầy, con đốt sách” là một dị bản của câu đang xét.
ĐNCT