.

Đào tạo có địa chỉ

.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong vòng 2 năm tới, với tốc độ hoàn thiện và đưa vào hoạt động của hàng loạt khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp ở Đà Nẵng và các vùng lân cận, thì cần phải có tới khoảng 7 nghìn nhân viên phục vụ trong lĩnh vực này.

Các đơn vị bắt tay nhau trong việc đào tạo có địa chỉ. Ảnh : NT 

Trên địa bàn thành phố, mặc dù đã có sự đầu tư trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch từ trung cấp đến đại học, kể cả các trường có khoa Du lịch lâu đời, nhưng việc đáp ứng nguồn nhân lực hoạt động trong hệ thống khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp vẫn chưa thực sự bảo đảm yêu cầu. Bởi một điều đơn giản rằng, việc “học” vẫn chưa đi đôi với “hành”, mà trong đó, vốn ngoại ngữ giao tiếp vẫn là khâu khó nhất! Diễn ra thực trạng đó lâu nay, chính là chuyện việc đào tạo vẫn chưa gắn với điểm đến một cách cụ thể.

Dẫu có hơi muộn màng, nhưng không thể trì hoãn nữa, vừa qua, Furama Resort đã có một động thái tích cực trong hướng đi nhằm thực hiện phương châm “đào tạo có địa chỉ” này. Theo đó, Viện Anh ngữ Quốc tế Trường Đại học Queensland – ELI (Đại học Đà Nẵng), Viện William Angliss - WAI, Melbourne (Úc) và Furama Resort Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận thành lập Trường Đào tạo nghiệp vụ khách sạn tại Đà Nẵng.

Các học viên sẽ được đào tạo tiếng Anh tại ELI, WAI trang bị kiến thức cơ bản về khách sạn và Furama Resort là nơi các học viên thực tập nghiệp vụ buồng phòng, lễ tân và các nghiệp vụ khác. “Trong khóa học này, các học viên sẽ có bằng cấp uy tín để thuyết phục nhà tuyển dụng, có kiến thức ngoại ngữ để đủ tự tin trong giao tiếp và thực tập tại Furama Resort thì không cần phải thử lại tay nghề” - Ông Huỳnh Tấn Vinh, trong cương vị Tổng Giám đốc của Furama Resort khẳng định. Và tất nhiên, nguồn nhân lực đào tạo ở đây cũng chính là để phục vụ cho chính khu nghỉ mát nổi tiếng này.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, đã có một số doanh nghiệp theo xu hướng liên kết hoặc tự đào tạo phục vụ cho nhu cầu sử dụng nhân lực ở đơn vị mình theo nhiều cách khác nhau. Đó là việc Tổ chức PLAN đã phối hợp cùng Hội LHTN thành phố tổ chức các khóa đào tạo nghề theo định hướng thị trường dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian đào tạo, một số doanh nghiệp được mời đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nhu cầu tuyển dụng cũng như công bố “đơn đặt hàng” của mình, để các nhà đào tạo triển khai chiến lược đào tạo ngắn hạn của mình, đáp ứng nhanh yêu cầu của các doanh nghiệp. Các học viên sau đào tạo hầu hết có việc làm ngay với nguồn thu nhập ổn định chính là thước đo hiệu quả của phương châm đào tạo theo “địa chỉ” này. Hay như Công ty CP Thép Đà Nẵng đã tổ chức tuyển dụng và tài trợ việc học tập cho các thanh niên trên địa bàn quận Liên Chiểu tại cái “nôi” của ngành thép Thái Nguyên, để từ đó về phục vụ cho mình. Một số doanh nghiệp khác thì có “chiêu” hay hơn, vừa tiết kiệm vừa đạt hiệu quả là đi “săn đầu người” tại các trường đại học để trao học bổng cho những sinh viên giỏi, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mình và tiếp tục hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu với điều kiện sau khi ra trường sẽ đến địa chỉ của họ…

Mỗi nơi một cách làm, nhưng “đào tạo có địa chỉ” vẫn chưa hình thành một hướng đi bài bản và có chiến lược lâu dài giữa đào tạo và sử dụng lao động, kể cả từ quản lý Nhà nước đến triển khai thực hiện. Trong tình hình đó, một số đơn vị đào tạo hoặc cả doanh nghiệp, lợi dụng chiêu bài này để đánh lừa học viên, người lao động; để rồi sau khi đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng “đem con bỏ chợ”. Thế nên, trước xu hướng đào tạo này, cũng cần có một sự tỉnh táo trong chọn lựa.

Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.