.

Để rác không còn là… rác!

.

Hàng trăm tấn rác mỗi ngày dồn về triền đồi Khánh Sơn-Liên Chiểu, chất cao thành ngọn. Rác độc hại, rác sinh hoạt cùng các chất thải rắn, lỏng… đều được phân loại, xử lý bằng những quy trình công nghệ tiên tiến. Các kỹ sư trẻ mong ước biến vùng rác thành vườn đồi sinh thái trong lành, để nơi này rác sẽ không còn là rác.

Hệ thống bể sinh thái xử lý nước thải rò rỉ trước khi xả ra môi trường. 

Xin quá giang trên chiếc xe chở rác mang biển số 43S-6637, tôi ngồi sát bác tài để dành chỗ cho hai công nhân sau khi cho rác lên xe có chỗ ngồi cùng. Bốn người trên chiếc xe chở rác “vi hành” về bãi rác Khánh Sơn.

Tài xế tên là Trần Tiến, 36 tuổi, nhà ở gần chợ Mới, vợ vừa sinh con đầu lòng, đã có 2 năm cầm lái, với dáng người cao to, chắc khỏe như một võ sĩ. Anh vừa bẻ lái vừa chuyện trò sôi nổi: Chuyến này là chuyến thứ hai trong ngày, chạy thêm chuyến nữa rồi ghé quán cơm bụi ăn trưa, sau đó chạy tiếp đến 3 giờ chiều thì đổi ca. Chạy xe theo kiểu cuốn chiếu, có khi chạy ngày có buổi cày đêm. Lương ăn theo số lượng rác chở. Những ngày lễ, Tết hay mưa bão thì phải chạy tăng cường để kịp giải phóng rác.

Ngồi kế bên là chàng trai trẻ Nguyễn Thu mới ngoài 20 tuổi, nhà ở Túy Loan, nước da trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, đã có 4 năm trong nghề. Người ngồi cạnh Thu là Nguyễn Văn Quang 45 tuổi (phường Hòa An) đã có thâm niên 10 năm theo nghiệp dọn rác. Khi được hỏi về mức thu nhập, anh nói ngắn gọn: Đầu tháng tạm ứng 1 triệu, cuối tháng nhận tiếp 6 trăm, những ngày lễ có làm thêm thì sẽ có thêm thu nhập, cả hai vợ chồng cùng nghề, tổng thu nhập đủ chi tiêu trang trải.

Trong cái nắng oi nồng trưa hè, chiếc xe mang dòng chữ “Vì thành phố xanh-sạch-đẹp” sau khi được cân rác, đổ rác xuống bãi, được tắm mát trong làn nước từ vòi phun. Ra khỏi cổng xí nghiệp, chiếc xe lại sạch như mới và tiếp tục cho một chuyến đi mới trong ngày.

Trong lành cho xứ rác

Xe rác được chùi rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi bãi rác để vào lại thành phố. 

Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải Hà Văn Thái, 31 tuổi, quê ở Nghi Lộc-Nghệ An, đã có 5 năm dầm mình trên bãi rác. Chàng kỹ sư trẻ và vui tính này vào chuyện: Ở đây có đến 6 kỹ sư thuộc các ngành khoa học công nghệ tự nhiên, môi trường và hóa sinh bách khoa, tất cả đang cùng cán bộ, nhân viên ngày đêm chung tay xây dựng môi trường bãi rác ngày càng trong lành, vận hành xử lý chất thải ngày càng hiện đại.

Trong 5 năm tới, từ chỗ nâng cấp các tuyến đường nội bộ đến phủ kín cây xanh, xí nghiệp sẽ tạo cảnh quan khu làm việc đẹp tựa công viên, cũng có hoa thơm cỏ lạ, có hồ nước mát, có bể phun mưa và đặc biệt là xây dựng hệ thống phun sương tự động để tăng hiệu quả xử lý mùi hôi ngay tại bãi rác và vùng đệm. Trước mắt, xí nghiệp sẽ quy hoạch lại toàn bộ hệ thống hạ tầng với những khu chức năng chuyên biệt, tiến tới vận hành bãi rác thành khu liên hợp xử lý rác bằng quy trình công nghệ tiên tiến. Nay mai, xí nghiệp không chỉ xử lý rác thải mà tiến tới còn có các công trình xử lý làm sạch lượng bùn được nạo vét từ các cống rãnh trong địa bàn thành phố; tận dụng toàn bộ lượng bùn từ phân hầm cầu thu gom để phục vụ cho việc phát triển trồng cây lâm nghiệp. Đồng thời xí nghiệp phải đủ năng lực để kiểm tra, đánh giá, bảo đảm chất lượng nguồn nước xả ra môi trường đúng theo quy chuẩn ban hành.

Kỹ sư Thái nhấn mạnh: Muốn vậy, trước hết phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật thật cơ bản, có đủ trình độ vận hành công nghệ theo hướng chuyên môn hóa từng bộ phận, nhằm đáp ứng với thực tế sản xuất, xử lý rác trong tương lai.

Nhìn không gian khá thoáng đãng trong khu vực, mới cảm nhận thật rõ sự cố công rất lớn của những con người ngày đêm trăn trở với rác, để chúng ta có niềm tin vào dự án về một “công viên trên xứ rác” trong tương lai mà những kỹ sư trẻ như anh Thái và các đồng nghiệp đang ôm ấp thực hiện.

Hiện đại một công trình

Để rác không còn ô nhiễm tạo môi trường trong sạch cho công nhân lao động tại hiện trường. 

Trời chiều nhạt nắng, những hộc rác lớn trải rộng trước một vùng đồi núi. Nền đá loang trắng càng tạo cảm giác hoang vu tĩnh mịch. 50 ha khu vực bãi rác phải vòng vèo mất nửa giờ xe máy, anh Võ Diệp Ngọc Quang, chuyên viên Phòng Công nghệ môi trường của xí nghiệp dẫn tôi lên, xuống quanh một vùng đồi. Vừa đi anh vừa giới thiệu: Đây là hộc chôn lấp chất thải rắn và chất thải sinh hoạt, còn bên kia là hộc chôn lấp chất thải y tế. Với chất thải độc hại này thì trên mặt hộc phải làm mái che, nền hộc phải có bộ lọc nước rò rỉ. Theo tay anh Quang chỉ là lò đốt chất thải y tế. Hiện có hai lò đang hoạt động với công suất từ 100 đến 200 kg/giờ, hai ngày vận hành một lần, tro rác được đóng rắn thành gạch, sau đó xếp vào hộc rác để chôn lấp. Ở đây có hệ thống dẫn nước rò rỉ vào khu vực xử lý riêng.

Tại khu vực xử lý rác phân hầm cầu, có 6 bể lắng trọng lực, tiếp nhận và xử lý mùi hôi bằng phụ gia. Bùn lắng sẽ được xả vào trạm bơm và hút lên vị trí hộc rác để chôn lấp.

Đến khu vực của 5 hồ sinh thái, nhìn bao quát toàn cảnh ở độ cao mới thấy hết tiềm năng và công lực của các công trình trong xí nghiệp. Những bể nước vi sinh rộng lớn. Những kênh dẫn nước cuộn chảy, sủi bọt. Màu nước đen như hắc ín. Nhưng từ đây khi qua xử lý, nguồn nước hàng trăm khối mỗi ngày phải được kiểm định, bảo đảm đúng quy chuẩn an toàn trước khi xả ra môi trường.

Rác. Cứ ngỡ đổ vào hố rồi lấp đất là xong, nhưng nào phải vậy. Sau khi vào bãi, rác được phân loại để đưa vào hộc riêng, ngăn riêng loại nào có phương thức xử lý riêng của loại đó và không chỉ có khử mùi hôi, khí độc mà còn phải tận dụng nguồn rác thải đưa vào nhà máy chế biến để làm phân vi sinh, chế biến dầu công nghiệp… Tất cả các công trình đó đang được đầu tư xây dựng khép kín ở khu vực bãi rác Khánh Sơn.

“Vào bãi rác cũng như đi vào công viên, đi sâu vào chuyện rác là mê ngay”, anh Thái nói vậy. Và quả thật, với tôi, khi theo xe rác vào bãi rác, dường như tôi quên mất cảm giác nặng nề về rác. Vào bãi rác, làm quen với những con người không quản ngày đêm, làm lụng trong lấm lem bụi rác, mới càng hiểu được công việc của họ thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm. Nhìn cách họ làm, có thể tin rằng, một ngày không xa, bãi rác này sẽ là quần thể môi trường điểm vừa sạch đẹp, vừa hiện đại vào loại bậc nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

LÊ GIA THỤY

;
.
.
.
.
.